Với hai chủ đề “Hoa đất Việt” và “Anh hùng Nguyễn Trung Trực”, sân khấu múa rối nước Rồng Phương Nam vẫn đều đặn đón khách vào các ngày cuối tuần tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (quận 1) với 2 suất/ngày. Theo đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc cần được đầu tư, gìn giữ và quảng bá sâu rộng. Với thế mạnh là đội ngũ diễn viên giỏi, tư duy sáng tạo, Nhà hát luôn tìm kiếm hình thức dàn dựng mới lạ và phát triển đúng hướng loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Tương tự, ở thời điểm hiện tại, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng (quận 1) đang hoạt động sôi nổi với chương trình múa rối nước cổ truyền vào 9 giờ sáng chủ nhật hằng tuần. Đây là một trong những điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh và là sân khấu chuyên phục vụ khán giả quốc tế khi đến du lịch. Chương trình múa rối nước cổ truyền gồm 12 tuồng trò, như: Tễu giáo trò, Chăn trâu, Đánh cá, Đua thuyền, Lê Lợi trả gươm, Múa lân, Múa bát tiên, Múa tứ linh...

Nghệ sĩ múa rối Bùi Tất Đạt chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau hơn 3 năm, anh mới có dịp được đứng trên sân khấu. Chính sự ủng hộ của khán giả đã tạo động lực cho các nghệ sĩ cố gắng. Nghệ sĩ Tất Đạt mong rằng, ngành du lịch thành phố sớm hồi phục và đón chào nhiều vị khách quốc tế đến Việt Nam thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có múa rối.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, với mong muốn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách, vì vậy, bên cạnh sân khấu múa rối nước, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng cũng đã xây dựng hoàn tất một chương trình gồm 17 trò rối cổ và một số vở rối cổ tích để diễn liên tục 2 suất/7 ngày trong tuần và thêm 1 suất vào sáng chủ nhật.

leftcenterrightdel

Tiết mục múa rối nước tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. 

Vừa qua, nhằm khích lệ tài năng của các nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống múa rối, Liên hoan múa rối TP Hồ Chí Minh 2023 đã mở ra nhiều không gian sáng tạo và trải nghiệm đặc sắc. Theo ban tổ chức, qua mỗi buổi trình diễn, Liên hoan múa rối TP Hồ Chí Minh 2023 giúp du khách khám phá vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật múa rối, là cơ hội để kính ngưỡng những giá trị văn hóa lâu đời được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, liên hoan tạo điều kiện lan tỏa sâu rộng các giá trị nghệ thuật dân gian-dân tộc và hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Người dân thành phố được tiếp cận, gặp gỡ những nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng, kinh nghiệm trên địa bàn và thưởng thức những chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu, nghiêm túc, mang tính chuyên nghiệp cao, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng.

Ở góc độ cố vấn chuyên môn, theo Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, để đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, các bộ môn nghệ thuật, trong đó có múa rối cần được đầu tư nhiều hơn. Nghệ sĩ cần tìm tòi những đề tài mới, mang tính thời sự. Ngoài những tích trò cổ, cũ, cần cách tân để tạo ra tích trò mới nhằm mục đích tạo sự tương tác nhiều hơn giữa khán giả trẻ với nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, múa rối nước không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà cần được nâng tầm lên thành tác phẩm mang giá trị tư tưởng, nhân văn, những trò diễn hóm hỉnh nhưng phải sâu sắc, đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Bài và ảnh: NGÂN HƯƠNG