"Ông hoàng", "bà chúa" một thời

Thuở ban đầu của nghệ thuật sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn-diễn viên được ví von như những "ông hoàng", "bà chúa". Họ vừa là tác giả, đạo diễn, diễn viên và vừa là tác giả sáng tạo đầy ngẫu hứng, ứng diễn trong các trò múa, trò ca, trò diễn, trò hề, trò nhời... PGS, TS Trần Trí Trắc (Hội Sân khấu Hà Nội) chia sẻ rằng, khi tác giả kịch bản ra đời, nghệ sĩ biểu diễn chỉ là thành viên dưới sự chỉ đạo của tác giả, thầy tuồng, ông trùm. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đạo diễn ra đời đã thành người chủ mới của nghệ thuật sân khấu hiện đại, nghệ sĩ biểu diễn chỉ là công cụ cho ý đồ của đạo diễn. Cách mạng Tháng Tám thành công, các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam thành chiến sĩ-nghệ sĩ và cũng là phương tiện cho người chủ sân khấu mới chỉ đạo nghệ thuật để làm nhiệm vụ phục vụ chính trị". Tuy nhiên, ông khẳng định: “Mặc dù số phận người nghệ sĩ biểu diễn bao lần biến đổi từ sân khấu dân gian, qua bác học đến hiện đại và cách mạng thì họ vẫn giữ vai trò trung tâm của nghệ thuật sân khấu”.

Theo đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tuấn Hải, nghệ sĩ biểu diễn chính là những nhân vật trên sân khấu, là linh hồn của vở diễn, là người thay mặt các tác giả và đạo diễn tuyên ngôn với người xem, để cho khán giả hiểu rõ được thông điệp và ý đồ của những người dàn dựng... Vậy nên kịch bản có hay đến đâu, đạo diễn có giỏi đến mấy, trang trí có đẹp, âm nhạc có bay bổng, mà biểu diễn không hay, không lay động được khán giả thì đó chỉ là những vở diễn minh họa kịch bản mà thôi và sẽ không thuyết phục được người xem. Ngược lại, nếu vở diễn có được một dàn nghệ sĩ, diễn viên tài năng, nhiệt huyết, tận tâm, có nghề và biểu diễn đầy cảm xúc, thì đó là một tác phẩm sân khấu tuyệt vời, có sức lan tỏa.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở cải lương “Mai Hắc Đế” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. 

 Gian nan bám trụ với nghề

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 đến 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6% và từ 25 đến 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở một số đơn vị, chẳng hạn như Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%.

Soi chiếu vào các đơn vị kịch hát dân tộc nước ta hiện nay, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội không khỏi bùi ngùi trước thực trạng của lực lượng nghệ sĩ biểu diễn. Ông cho rằng: "Nhóm các nghệ sĩ có thâm niên, tài năng thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca. Còn đội ngũ diễn viên trẻ thường chiếm số lượng ít lại không đủ năng lực để thể hiện tròn vai các hình tượng sân khấu. Lực lượng biểu diễn vừa thiếu, vừa yếu cho nên nhiều vở phải chấp nhận tình trạng “cưa sừng làm nghé”, để các diễn viên trên dưới 40 tuổi đảm nhận vai diễn... tuổi 20. Cũng bởi vậy mà con thuyền sân khấu nước nhà càng tròng trành hơn trên con đường chinh phục khán giả”.

Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đội ngũ nghệ sĩ trẻ chưa nhiều, trong khi đó lại thiếu vắng những người giỏi nghề khiến sân khấu lâm vào cảnh đìu hiu. “Rất khó có các tác phẩm sân khấu đúng nghĩa với tiêu chí mục đích của nghệ thuật sân khấu đã có để kéo người xem đến rạp... Và khi rạp vắng người xem thì nghệ sĩ biểu diễn (kể cả những người đạt danh hiệu NSND, Nghệ sĩ Ưu tú) cũng rất khó sống với nghề. Bởi thế mà nhiều nghệ sĩ phải làm các nghề “tay trái” để mưu sinh... Các nghệ sĩ, diễn viên giỏi còn như vậy, thử hỏi những tài năng trẻ sao lại rất thiếu vắng...?”-tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du trăn trở.

Điều đáng lo nữa đó là, hiện nay, các trường văn hóa-nghệ thuật ngày càng khó chiêu sinh vào các ngành nghệ thuật truyền thống, bởi khi ra trường khó kiếm việc làm. Mặc dù đã tích cực tìm kiếm, huy động “đầu vào” nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo bộ môn nghệ thuật truyền thống vẫn ở tình trạng chung là “khát” học viên. Thêm nữa, đội ngũ giảng viên ngày càng hiếm người có kinh nghiệm, tâm huyết và bám trụ với nghề. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ kế cận.

Tìm cách “tự giải cứu”

Một vài năm gần đây, giới văn nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống rất mừng khi nhiều đề án được đưa ra để triển khai như Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống; Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều “người trong cuộc” thì những đề án này theo thời gian vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc.

Để tháo gỡ khó khăn về lực lượng nghệ sĩ biểu diễn trong lĩnh vực sân khấu hiện nay, nhiều ý kiến trong lĩnh vực sân khấu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ sĩ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để tạo điểm tựa thu hút tài năng và giúp họ có thể sống được bằng nghề. Các nhà hát cũng cần chủ động thay đổi cách thức quản lý, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa... để tăng cường nguồn thu cũng như sự gắn bó của diễn viên với đơn vị.

Thực tế thời gian gần đây, để tạo điều kiện cho nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển, các sở, ban, ngành cùng chung tay xây dựng mô hình liên kết du lịch với nghệ thuật được áp dụng rất hiệu quả ở nhiều nơi. Những vở diễn sân khấu chất lượng thường xuyên được biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế. Một số nhà hát cũng chủ động thay đổi cách thức quản lý, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, cải thiện thu nhập cho diễn viên, nghệ sĩ nhằm tăng cường sự gắn bó của diễn viên với đơn vị. Những vở diễn như: “Mai Hắc Đế”, “Vua Phật” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Bệnh sĩ” (Nhà hát Kịch Việt Nam)... được dàn dựng thành công từ nguồn tài trợ. Đây là những tín hiệu vui cho thấy sân khấu đã bắt đầu bứt phá để không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy hội nhập.

NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ: Nếu chỉ trông đợi và ỷ lại những ưu đãi của Nhà nước mà các nghệ sĩ không tâm huyết, nỗ lực vươn lên thì chắc chắn nghệ thuật truyền thống, những “viên ngọc quý” của dân tộc sẽ không thể tỏa sáng được. Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các nghệ sĩ phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, tâm huyết xây dựng những tác phẩm thực sự chất lượng. Những tác phẩm đó không chỉ là “bảo bối” mang lại thu nhập, thương hiệu mà dường như còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và sức sống cho nghệ sĩ, cũng như đơn vị nghệ thuật, thì chắc chắn, nghệ thuật truyền thống sẽ có những khởi sắc... Đối với các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ, rất cần sự tự tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kiên trì khổ luyện, phát huy tính năng động, sáng tạo để ngày càng có được nhiều vai diễn độc đáo, ấn tượng trong lòng công chúng... Để có những vai diễn để đời, để chinh phục được khán giả, điều quan trọng nhất là diễn viên phải sinh nghề tử nghiệp, luôn nặng lòng với vai diễn mình đảm nhận, có như thế mới trở thành nghệ sĩ biểu diễn giỏi được.

TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Sân khấu muốn phát triển không thể thiếu vai trò của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tài năng. Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần những chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với nghề. Có những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo và có những cơ chế đặc thù hiệu quả giữ chân những tài năng trẻ, để các em tiếp tục bám nghề, giữ nghề, nhất là đối với sân khấu truyền thống trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay”.

Bài và ảnh: KHÁNH THƯ

Tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du: “Khâu quản lý nghệ thuật của ngành phải tạo điều kiện vật chất cho bồi dưỡng thanh sắc của diễn viên, các nghệ sĩ biểu diễn thông qua những đêm diễn và đồng lương để họ yên tâm sống được với nghề và làm nghề... Cần tăng kinh phí ngân sách dựng vở và mua sắm thiết bị kỹ thuật sân khấu hiện đại để các đơn vị nghệ thuật được sáng tạo trong dựng vở, trong biểu diễn, chấm dứt cảnh “vá chằng vá đụp”, thiếu thốn... Đó chính là điều kiện bắt buộc sân khấu phải có khi kêu gọi sự tìm tòi hướng tới sự phát triển mới, nếu không muốn tụt hậu, đánh mất khán giả và mất đi vị thế của mình trong đời sống hiện đại”.