Nâng tầm bài thuốc của người Dao Đỏ

Chúng tôi gặp PGS, TS Trần Văn Ơn tại Trường Đại học Dược Hà Nội-nơi ông dành cả cuộc đời học tập, nghiên cứu, giảng dạy. Trong căn phòng thoang thoảng mùi dược liệu, ông say sưa kể về hành trình hơn 30 năm nghiên cứu và phát triển ngành dược liệu Việt Nam: “Cả cuộc đời của tôi là cây cỏ, từ bé tôi đã sống trong nó”. Niềm đam mê đó đã đưa ông trở thành nhà nghiên cứu thực vật. Ông cũng được mọi người gọi bằng cái tên thân mật: “Nhà khoa học của núi rừng”.

Nhiều người nghĩ nhà khoa học chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu, nhưng đối với PGS, TS Trần Văn Ơn thì ngược lại. Ông tranh thủ từng ngày, từng giờ đi về bản làng vùng sâu, vùng cao để nghiên cứu, giúp đỡ bà con với mong muốn đưa nhiều bài thuốc bí truyền từ vùng núi cao đến với người dân cả nước. Một trong số đó là bài thuốc tắm nước lá của người Dao Đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Năm 2003, PGS, TS Trần Văn Ơn nghiên cứu bảo tồn cây thuốc tại Sa Pa và phát hiện bài thuốc tắm nước lá rừng là tài sản quý giá của người Dao Đỏ. Ông đã đến nơi sinh sống của họ, thăm hỏi những gia đình có kinh nghiệm làm thuốc và vô tình chứng kiến câu chuyện “dở khóc, dở cười” của cha con ông Lý Xài Xiên người địa phương. Ông Xiên kinh doanh thảo quả với lợi nhuận hàng tỷ đồng, nhưng thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, ông cất vào ống tre, nứa. Vô tình, con trai ông Xiên đem những ống tre nứa đi đốt làm than củi. Nhận thấy người Dao còn thiếu kiến thức về kinh doanh và việc sử dụng đồng vốn, PGS, TS Trần Văn Ơn thuyết phục họ thành lập công ty phát triển bài thuốc tắm nước lá.

Là người con sinh ra ở vùng cao nên ông làm việc với đồng bào Dao Đỏ dễ dàng và tự nhiên. Năm 2004, PGS, TS Trần Văn Ơn cùng chính quyền địa phương giúp người Dao Đỏ xây dựng doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển bài thuốc tắm nước lá rừng. Phụ trách chính cho dự án là bà Chảo Sử Mẩy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Phìn và bà Lý Mẩy Chạn, đại biểu HĐND xã. Khi mới thành lập, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.

PGS, TS Trần Văn Ơn cho biết, ban đầu, làm sao để tổ chức thành lập và phát triển doanh nghiệp đối với ông là những điều rất mới mẻ. Để có thể truyền đạt lại kiến thức, ông ngày đêm nghiên cứu, học tập. Ông giải thích cho họ thế nào là công ty, cách đăng ký và làm tăng giá trị sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn... Khi vốn duy trì doanh nghiệp gặp khó khăn, ông đã vận động người dân đóng góp. Có thời điểm, ông còn cho người dân vay mà không có khế ước, không phải trả lãi...

Có những ngày PGS, TS Trần Văn Ơn đang dạy trên giảng đường thì nhận được điện thoại mong được giúp đỡ của người Dao Đỏ. Ông lấy tiền thù lao của mình gửi lên giúp người dân phát triển công ty. Ông nghĩ rằng, nếu muốn duy trì và phát triển doanh nghiệp mà mình không quan tâm đến phần thiếu vốn, người dân sẽ rất vất vả, cho nên ông luôn đồng hành với họ, tạo tiền đề phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và nhận thức cho người dân địa phương. Sau hai năm xây dựng, Công ty Cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa chính thức đi vào hoạt động, dưới sự tiếp quản của người dân tộc Dao Đỏ. Trải qua 15 năm, bài thuốc tắm nước lá trở thành thương hiệu nổi tiếng với du khách về công dụng chữa đau mỏi, hồi phục sức khỏe. Hiện công ty có doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm.
Đối với PGS, TS Trần Văn Ơn, việc cùng đồng bào dân tộc thành lập công ty cho ông nhiều kinh nghiệm và bài học quý. Đó là trí tuệ cộng đồng không mất đi mà người sở hữu phải đứng lên làm chủ vận mệnh, tài sản của mình. Trong quá trình giúp đỡ người Dao Đỏ, ông như được trở về tuổi thơ là một cậu bé người Sán Chay sinh ra ở vùng núi Thái Nguyên vô cùng khó khăn. Là người dân tộc thiểu số hiếm hoi được học đại học, ông hiểu rằng bà con nông dân còn thiếu kinh nghiệm và sự tự tin. Ông giúp đỡ họ bằng cách truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm mà mình có và mong rằng người nông dân có thể tự tin, tự chủ, làm giàu cho bản thân và quê hương mình. Từ đây, ông dần nảy sinh ý tưởng về phát triển vùng dược liệu và kinh tế nông thôn để truyền cảm hứng cho nông dân Việt Nam.

leftcenterrightdel

PGS, TS Trần Văn Ơn cùng bà con người Dao tại xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. 

Người sáng lập Chương trình OCOP

Ngay từ khi làm nghiên cứu sinh về bảo tồn và phát triển cây thuốc, PGS, TS Trần Văn Ơn đã có cơ hội tham gia các dự án làm việc cùng chuyên gia quốc tế tại Ba Vì (Hà Nội), từ đó đúc kết nhiều kinh nghiệm về nguyên lý và thực tiễn phát triển cộng đồng.

Trong thời gian nghiên cứu bài thuốc của người Dao Đỏ, ông tìm cách đưa bài thuốc ra thị trường để người dân được hưởng lợi. Ông cùng đồng nghiệp sang Thái Lan nghiên cứu và chứng kiến vùng kinh tế nông thôn nơi đây vô cùng phát triển. Qua tìm hiểu, PGS, TS Trần Văn Ơn biết rằng Thái Lan đã thực hiện thành công Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OVOP) khởi nguồn từ Nhật Bản. Ông nhận thấy lợi thế nông thôn Việt Nam và đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam không thử nghiệm chương trình này?". Tuy nhiên, khi đưa ra Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) Việt Nam, PGS, TS Trần Văn Ơn đứng trước nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện, mở đầu là bài thuốc tắm nước lá của người Dao Đỏ.

Năm 2012, PGS, TS Trần Văn Ơn được Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh mời làm chuyên gia phát triển vùng dược liệu. Đây là cơ hội quý giá để ông thực hiện ước mơ phát triển vùng nông thôn, khởi đầu cho Chương trình OCOP Việt Nam. Tại đây, PGS, TS Trần Văn Ơn có cuộc gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) để trình bày về ý tưởng chương trình phát triển nông thôn mới và nhận được sự ủng hộ từ các đồng chí lãnh đạo địa phương. PGS, TS Trần Văn Ơn chia sẻ: "Nếu không có cuộc gặp mặt đó, sẽ không có OCOP như bây giờ”. Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2013-2016 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tiến hành và có được nhiều thành quả tốt. Sự thành công của OCOP Quảng Ninh đã truyền cảm hứng cho người nông dân, tạo niềm tin cho các tỉnh, thành phố trên cả nước bước đầu khởi dựng về đẩy mạnh sản phẩm địa phương. Hiện tại, OCOP được Chính phủ phê duyệt đề án trở thành chương trình quốc gia và có 63 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng.

Để có chương trình mang tầm vóc quốc gia như hiện nay, thời gian đầu cũng gặp không ít trở ngại. PGS, TS Trần Văn Ơn bộc bạch: “Người dân luôn hiểu sai bản chất của OCOP là đi thi. Thực chất, OCOP là chương trình khởi nghiệp, khởi đầu từ ý tưởng. Người dân khởi xướng, tự nguyện yêu cầu sản xuất sản phẩm, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước những phần dân còn yếu là công nghệ, kỹ thuật, thị trường và kết nối nhất định sẽ thành công.

Từ khi OCOP được triển khai đã đạt nhiều thành tích đáng kể, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, sản phẩm OCOP cung ứng tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu. Đây không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế dựa trên lợi thế của mỗi địa phương. Những hiệu quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn hiện nay.

Ước mơ Việt Nam thành vườn thảo dược của thế giới

Nhìn lại chặng đường hàng chục năm làm việc của PGS, TS Trần Văn Ơn, có thể chia thành các giai đoạn: 10 năm đầu lăn lộn với cây thuốc; 10 năm sau hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trên đôi chân của mình và dựa vào lợi thế địa phương; 10 năm gần đây hình thành mạng lưới Chương trình OCOP; 10 năm tới và những năm tiếp theo, ông thực hiện ước mơ biến Việt Nam thành vườn thảo dược của thế giới. Nhiều loại cây phổ biến của Việt Nam như: Cây quế, cây gấc... luôn được các quốc gia khác ưa chuộng bởi chất lượng sản phẩm.

Dựa trên kết quả nghiên cứu từ thực tiễn, PGS, TS Trần Văn Ơn chia dược liệu Việt Nam thành 3 cấp: Quốc dược là những loại cây được trồng tại 2-3 tỉnh; tỉnh dược là những cây trồng trong phạm vi tỉnh hoặc vùng lân cận; cộng đồng dược là các loại cây được trồng giới hạn trong xã, phường, được phát triển là một ngành hàng của Chương trinh OCOP. Bên cạnh đó, ông xây dựng hệ thống hàng chục doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển dược liệu theo 3 cấp, cốt lõi là đa dạng hóa các sản phẩm, kết hợp phát triển du lịch tại các địa phương và xây dựng nền kinh tế chia sẻ.

Kết thúc cuộc trò chuyện, PGS, TS Trần Văn Ơn bày tỏ niềm khát khao biến những thành quả khoa học mà mình nghiên cứu vào phát triển kinh tế, phục vụ người dân. Từ sâu thẳm trong trái tim, ông luôn muốn hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Với những công hiến của mình, năm 2009, PGS, TS Trần Văn Ơn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2012, ông được nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhờ những công trình nghiên cứu mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Bài và ảnh: HẠ ANH, PGS, TS Trần Văn Ơn tại phòng nghiên cứu Trường Đại học Dược Hà Nội