Chúng tôi ngồi bên bếp lửa trong nhà cộng đồng của bon, thả hồn theo nhịp chiêng, điệu múa do người dân biểu diễn. Cồng chiêng ngân, tiếng trầm như nước ngầm, tiếng bổng như lửa reo, vang vọng khắp không gian mênh mang huyền bí, kết nối với thần linh, mời thần tốt đến giúp con người đuổi các ma xấu.

leftcenterrightdel

Kể chuyện sử thi M'Nông. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Sống giữa vùng đất của đồng bào Tây Nguyên nhưng phải xót xa thừa nhận rằng, lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp được nghe âm thanh cồng chiêng hòa điệu. Ở nhiều buôn, bon, bà con đã không còn sử dụng cồng chiêng cũng như từ bỏ các lễ hội, nghi lễ truyền thống của dân tộc mình vì nhiều lý do. Bà con ở nhiều nơi đã bán chiêng, cổ vật vì cái lợi trước mắt. Số chiêng lớn, chiêng nhỏ tại các buôn, bon chỉ còn sót lại vài cái riêng lẻ, không thể tập hợp đủ bộ để biểu diễn. Tại nhiều nơi, các nghệ nhân đã tổ chức những buổi truyền dạy đánh chiêng, trống, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca nhưng không duy trì được lâu vì thế hệ trẻ không mặn mà trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Nhưng giờ đây, trong đội biểu diễn giữa nhà cộng đồng của bon, ngoài các nghệ nhân đã lớn tuổi thuộc lớp thế hệ đi trước còn có những khuôn mặt trẻ măng của các em học sinh trung học. Bà con hào hứng khoe, đội cồng chiêng lúc nào cũng có từ 10 đến 15 thành viên. Các em học sinh tiểu học cũng bắt đầu học đánh cồng chiêng, đàn đá để văn hóa của đồng bào mình không bị đứt gãy. Đêm vang vọng giữa Điêng Đu, chúng tôi thấy bừng lên hy vọng.

leftcenterrightdel

Chị Thị Mai (cầm micro) biểu diễn tiết mục đón khách của đồng bào M'Nông. Ảnh: THANH HẢI

Được nghe tiếng cồng chiêng tại Điêng Đu, chúng tôi trở nên “tham lam” hơn khi nhen nhóm mong ước được nghe kể sử thi, nghe "Đam San", "Khinh Dú". Giữa bếp lửa ấm áp trong nhà dài, già làng tóc bạc phơ, râu dài, nước da đỏ au vì được hun lửa, đẹp như tiên ông trong truyện cổ tích nhắm mắt ứng tác sử thi. Sử thi từ bao đời hòa cùng già làng làm một khiến mọi người như cùng đắm chìm vào thế giới thần thoại thiêng liêng. Tiếng già làng được ngọn lửa ấm thổi bùng lên, vang theo tiếng gió ùa về từ đại ngàn, hòa với tiếng nước lanh canh ở máng nước đầu bon, thẳm sâu trong đêm vô tận, bay theo tiếng vỗ cánh của con chim đêm vừa bay vút qua trên ngọn nhà rông, len cả vào giấc mơ của em bé đang ngủ ngoan trước ngực mẹ.

Sử thi Tây Nguyên là dạng văn hóa phi vật thể được truyền lại từ xa xưa mang tính sáng tạo độc đáo, được lưu truyền thông qua truyền miệng và chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, mang tính giáo dục cộng đồng. Sử thi độc đáo ở chỗ nó tiềm ẩn trong trí nhớ của người kể. Ngoài việc gắn với sinh hoạt cộng đồng, các dịp cưới xin, hội hè, đón khách... thì sử thi còn mang tính cá nhân khi người kể ứng tác, khéo léo sử dụng các tục ngữ, thành ngữ, ca dao, lời nói vần mà mình biết để câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn. Cũng vì vậy, những nghệ nhân hát kể sử thi được đồng bào coi trọng, được ví như những người được thần linh ban cho khả năng đặc biệt ít ai có.

Hiện nay, các nghệ nhân nhớ, thuộc nhiều bộ sử thi, hát kể được sử thi không còn nhiều và cũng không còn trẻ. Thế hệ tiếp tục kế thừa dần vắng bóng. Những người con của đồng bào Tây Nguyên khi nhắc đến sử thi đều đau đáu nỗi niềm trăn trở, lo sợ không còn ai biết tới, không còn ai nhớ tới những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao đời nay ngưỡng vọng trong các sử thi.

Cố nghệ nhân Điểu Kâu-một trí thức người dân tộc M’Nông nổi tiếng, người có công đối với việc giáo dục, dạy chữ cho bà con M’Nông ở Đắk Nông; tham gia sưu tầm, biên dịch nhiều sử thi M’Nông. Tiếp nối công việc của cha mình, chị Thị Mai (sinh sống tại bon Bu Prâng, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã trở thành nữ nghệ nhân trẻ của bon làng M’Nông, giữ gìn và truyền lại những giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Sau khi nghệ nhân Điểu Kâu mất, không ai có thể dịch được sử thi M’Nông, kho tàng "Ót N'drong" có nguy cơ chìm vào quên lãng vì không có người giải mã nội dung. Xót xa trước công sức của cha có thể bị đứt nối, chị Thị Mai đã tiếp tục hành trình đầy khó khăn và nhọc nhằn ấy. Khó khăn, nhọc nhằn bởi chị đã phải vượt lên nỗi lo cơm áo gạo tiền, bỏ công việc nương rẫy để thực hiện những chuyến đi dài ngày đến các bon làng đồng bào M’Nông ở trong và ngoài tỉnh, để gặp gỡ các nghệ nhân. Ngày chị theo bà con lên rẫy, tối về nhẫn nại nghe kể, hát, ghi băng, ghi chép lại từng câu, từng chữ bằng tiếng M’Nông rồi dịch ra tiếng Việt.

Gần 20 năm miệt mài, bàn chân in dấu khắp các bon làng M’Nông tại Tây Nguyên, chị Thị Mai đã dịch, đã thuộc hàng ngàn câu văn vần, những bài sử thi quý hiếm, hàng nghìn bài ca dao, dân ca của dân tộc mình. Ẩn sâu sau những con số ấy là mồ hôi lấp lánh; là cay đắng, ngọt bùi; là những phút giây thoáng chạnh lòng không biết con đường dài dằng dặc phía trước liệu có thu được kết quả gì hay không; là hạnh phúc vỡ òa khi thấy vốn quý của dân tộc mình được biết tới. Hành trình của chị Thị Mai chưa dừng lại mà tiếp tục được truyền lại cho những người con, như cách mà cha chị đã truyền lại cho chị.

Văn hóa Tây Nguyên không chỉ được truyền nối, giữ gìn bởi những người con của bon làng, sinh ra và lớn lên bằng dòng sữa cội nguồn mà còn được gìn giữ bởi những người biết đến văn hóa Tây Nguyên, phải lòng văn hóa Tây Nguyên rồi say mê nó bằng một tình yêu thuần túy và trong sáng như chính bản chất ngàn đời của nó. Cách đây hàng trăm năm, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jacques Dournes trong quá trình truyền đạo, vì say mê tập quán, văn hóa và con người Tây Nguyên, vì coi Tây Nguyên như nhà của mình đã có ý nghĩ muốn bỏ lại tất cả những gì ông có để trở thành một người Tây Nguyên đúng nghĩa. Ông từng viết: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu Tây Nguyên thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”.

Không sinh ra trên mảnh đất Tây Nguyên nhưng lại nguyện gắn bó và bảo vệ mảnh đất này cả cuộc đời, Thiếu tá Công an Đinh Văn Bộ, trên cao nguyên M’Nông lộng gió và giàu truyền thống cách mạng đã yêu, gìn giữ và truyền tình yêu của mình với văn hóa Tây Nguyên đến các bạn trẻ thông qua những hiện vật mang đậm bản sắc các dân tộc Tây Nguyên.

Hơn 10 năm lặn lội khắp các bon làng, chắt chiu, dành dụm từng đồng lương để sưu tầm, gìn giữ những hiện vật của bà con, đến nay, Thiếu tá Đinh Văn Bộ sở hữu hơn 1.000 hiện vật thuộc các nhóm: Gốm, trang sức, đồng, nhạc cụ, dụng cụ đan lát, săn bắn, các loại vũ khí... có tuổi đời lên tới cả trăm năm tuổi. Kỳ công hơn, anh còn dành thời gian ghi chép lại câu chuyện phía sau mỗi hiện vật vào cuốn sổ tay để lưu giữ lại không chỉ phần “xác” mà cả phần “hồn” của hiện vật, giúp mọi người khi tìm hiểu có thể biết rõ hơn câu chuyện thú vị về văn hóa, đời sống của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Hiểu rõ ngọn nguồn văn hóa Tây Nguyên là văn hóa gắn với rừng, dựa vào rừng, anh Đinh Văn Bộ trăn trở với việc trồng rừng, phủ xanh những ngọn đồi trống. Căn nhà nhỏ của anh ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã trở thành một địa chỉ thú vị, luôn mở rộng chào đón những vị khách yêu mến và muốn tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên.

Câu chuyện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của bất cứ một dân tộc nào cũng là điều không hề dễ dàng, không thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Nhưng chúng tôi tin rằng, còn những người tâm huyết như các nghệ nhân ở bon Điêng Đu, như chị Thị Mai, như anh Đinh Văn Bộ thì văn hóa Tây Nguyên sẽ còn được giữ lại, lưu truyền. Giống như than hồng ủ dưới tro nóng trong bếp lửa nhà rông, nhà dài không bao giờ tắt, chờ được khêu lên thành ngọn lửa rực rỡ trong những đêm quây quần sinh hoạt cộng đồng, soi rọi truyền thống và thắp sáng hy vọng cho tương lai.

Ghi chép của ĐÀO THU HÀ