Người lính mang 4 vết thương
Ông hì hụi trong khu vườn chuối giẫy cỏ bồi đất, khi bỏ chiếc nón ra thì mái đầu pha sương đã bết lại vì mồ hôi. Khoác trên mình chiếc áo chiết gấu đã ngả màu, ông luôn giữ tác phong của người lính ngay cả khi lao động cũng như sinh hoạt đời thường. Khi được hỏi về quãng thời gian trong quân ngũ, ông A ngồi trầm ngâm, hồi tưởng về quá khứ.
Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên đất cảng tình nguyện xung phong ra mặt trận. Lên đường nhập ngũ cuối năm 1968, Lê A được điều về Đại đội Đặc công 17B, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5. Cuộc đời người lính là những đêm hành quân xuyên rừng, những trận chiến sặc mùi khói súng. Anh tham gia trận đánh ở khu vực đồi Rú (Gia Lai). “Nơi đó cây cối rậm rạp, địch xây dựng nhiều công sự trận địa. Chúng sử dụng trực thăng cẩu dây thép gai bùng nhùng bố trí xung quanh điểm cao. Đơn vị tôi có nhiệm vụ đánh chọc vào cứ điểm, buộc địch phải tản ra, tạo điều kiện cho bộ binh tiêu diệt. Trong mũi chiến đấu chủ yếu, khi đồng đội bắn quả đạn B41 trúng lô cốt, tôi xung phong ném lựu đạn vào hầm hào địch. Các mũi khác cũng rền vang tiếng súng. Trận đó, đơn vị chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt được nhiều địch”-ông A kể lại.
Thế nhưng có đợt hành quân đơn vị cũng bị tổn thất, Lê A bị thương nặng. Hôm đó là ngày 2-10-1970, đại đội tổ chức hành quân trong đêm, chuẩn bị đánh điểm cao Cát Sơn (Bình Định). Đường hành quân đêm tối mịt mùng, cây rừng im ắng. Bỗng nhiên có những tiếng nổ vang. Đội hình đơn vị đi vào khu vực bãi vật cản do địch bố trí. Những quả mìn claymore của địch phát nổ, găm những viên bi kim loại vào người. Khi nghe tiếng nổ, Lê A chỉ biết lăn mình về phía bụi rậm tránh đạn. Toàn thân xây xước, vùng ngực, đùi, cánh tay nhói đau. Máu cứ thế rỉ ra ướt đầm áo. Suốt đêm đó, nén cơn đau, anh gắng bò vào trong rừng, cho đến khi kiệt sức gục xuống bất tỉnh lúc nào không hay. Hôm sau, anh may mắn được đồng đội tìm thấy trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Tại bệnh xá sư đoàn, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, phẫu thuật lấy những viên bi kim loại găm sâu vào cơ thể anh. 3 viên bi lấy ra thành công, còn viên ở ngực-vị trí nguy hiểm buộc phải để lại. Viên bi kim loại ấy về sau trở thành nỗi đau nhức nhối đối với Lê A những khi xúc động, cười nói to hay trái nắng trở trời. Do sức yếu, anh được đưa về đoàn an dưỡng rồi chuyển ngành sang ban dân y của tỉnh Bình Định. Chiến tranh kết thúc, anh về làm kế toán tại Bệnh viện Đa khoa An Lão (Hải Phòng). Năm 1982, thực hiện chính sách giảm biên chế, anh Lê A xin nghỉ công tác. Vậy là sau gần 15 năm chiến đấu, công tác, người lính xa quê mới trở về nhà với những thương tật chiến tranh.
Vươn lên từ đồng đất quê hương
Về quê giữa những năm bao cấp đầy khó khăn, ông A tự bươn chải đủ nghề. Hết vụ mùa, ngày ông đi đóng gạch thuê, tối về hì hục nấu rượu lấy bã chăn lợn. Dành dụm được chút vốn, ông bắt đầu mày mò nuôi cá giống, tận dụng đầm ao ở địa phương ông xin thầu lại. Khi mới bắt tay vào làm, ông chưa có kinh nghiệm. Ao tù không qua cải tạo, cá thả xuống một thời gian nổi trắng mặt nước. Bao vốn liếng “đội nón ra đi”. Trong lúc khó khăn thì vợ ông bị ung thư gan qua đời. Hoàn cảnh gia đình ông đầy gieo neo. Vợ chồng ông sinh được 4 người con thì người con thứ hai và thứ ba do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin cũng qua đời từ nhỏ. Khi vợ mất, ông phải lo cho anh con trai đang học đại học và cô con gái út khi ấy còn nhỏ. Một mình chèo chống, ông cày cục vay mượn quyết tâm làm lại từ đầu. Vùng ao cỏ mọc dày, bùn lắng đọng, ông thuê máy múc bùn, diệt rong rêu, khử chua, phơi nắng, ngâm ao cẩn thận sau mới thả cá. Bùn múc lên, ông bỏ công đánh luống trồng cây. Lấy ngắn nuôi dài, ông trồng chuối phủ xanh đồng bãi. Trên cây dưới cá, ông chăm bẵm như nuôi con mọn, suốt ngày cần mẫn ngoài đầm bãi, dựng lán nấu ăn, ngủ nghỉ tại chỗ.
Ông A chia sẻ kinh nghiệm: “Cá thả phải chú ý theo dõi chặt chẽ phòng tránh bệnh tật. Bệnh có thể lây nhiễm từ nguồn nước hay thức ăn. Vì thế phải kiểm soát tốt nguồn cung cho ao cá. Cứ nhìn màu nước, hơi tăm, cá tiêu thụ thức ăn mà phán đoán tình hình trong ao. Còn chuối là giống dễ trồng đẻ khỏe, nhưng cũng dễ mắc các bệnh như tụt nõn, vàng lá, thối củ... Do vậy phải thường xuyên tỉa lá, tách mầm, dưỡng cây mẹ tốt”. Nhờ chăm sóc cẩn thận, vụ cá đầu thành công đem lại niềm vui cho lão nông. Năm sau, vườn chuối tiêu hồng thu hoạch đúng dịp Tết lại được giá. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư thầu thêm vùng đầm, mở rộng vườn cây, mở rộng hợp tác với bạn làm ăn thầu ao ở nơi khác.
Việc làm ăn đang lên thì năm 2012 ông bị bệnh nặng. Những thương tật chiến tranh, rồi bệnh gan, sỏi mật đã quật ngã lão nông rắn rỏi. Ông nhập viện điều trị dài ngày. Vườn ao đành nhờ con trai trông giúp. Do thiếu kinh nghiệm nên ao cá của ông thời gian này lời lãi chẳng đến đâu mà tiền thức ăn cho cá còn bị thâm cả vào vốn. Đã vậy, trận bão ập về quật đổ cả vườn chuối, năm đó vụ chuối thất thu. Trong lúc khó khăn, phẩm chất người lính lại được phát huy. Không cam chịu thất bại, đỡ bệnh, ông A lại đi vay vốn đầu tư sản xuất. Đồng đất, ao đầm ngày ngày in dấu chân lão nông một đời sương gió.
Dưới cái nắng hè chang chang, ông chạy xe hàng chục cây số thông cả trưa để giao cá giống cho các hộ nuôi trong vùng. Chiều về, ông phát cỏ, trồng cây, tỉa lá. Đêm đến nằm nghe tiếng cá quẫy sủi tăm, cây lá xào xạc. Khu vườn, ao cá chẳng bao giờ vắng bóng ông. Đất chẳng phụ người có công, cứ thế đồng bãi lại xanh tốt, hoa chuối rực đỏ, cá đầy dưới ao. Hiện tại ông chăm sóc 5 mẫu chuối, 12 mẫu đầm cá (trong đó 8 mẫu làm chung với người quen). Khi chuối được thu, ông tự chở ra chợ bán cho thương lái, mỗi năm tiêu thụ khoảng 30-40 tấn chuối. Cá vào vụ thu hoạch, người mua buôn đến vây quanh đầm đánh bắt đến đâu bán hết đến đó. Trừ chi phí, ông thu về từ 200-250 triệu đồng.
Đời sống kinh tế khá lên, nhà cửa khang trang, con cái ổn định, mọi người khuyên ông nên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Nhưng ông bảo: “Tôi còn sức thì gắng làm. Bản thân tự lo được, đỡ phiền hà con cháu”. Ngày ngày, chiếc xe Wave cũ cùng ông rong ruổi từ nhà đến khu trang trại để quán xuyến mọi việc. Với cựu chiến binh Lê A, dù trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng nghị lực, tinh thần người lính đã giúp ông vượt qua tất cả, quên đi mọi thương tật và tìm thấy niềm vui nơi đồng đất quê hương.
Bài và ảnh: VŨ DUY