“Trận đánh lớn” đầu tiên của nền ngoại giao cách mạng
Ký kết Hiệp định Geneva là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là thành quả của “trận đánh lớn” đầu tiên trên vũ đài quốc tế của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tương quan lực lượng lúc đó không cho chúng ta điều kiện để có thể hoàn toàn chủ động trong đàm phán. Bước vào hội nghị với tư cách của người chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, là một trong hai chủ thể chính của nghị sự, nhưng Việt Nam không có điều kiện tham khảo ý kiến về quá trình thỏa thuận triệu tập, cũng như thành phần tham gia hội nghị. Việc bàn giải pháp cho cuộc chiến Đông Dương cũng không do hai bên trực tiếp tham chiến tiến hành mà do các nước lớn giữ vai trò chính.
Những khó khăn, bất lợi trên đương nhiên ảnh hưởng tới nỗ lực làm chủ và giữ vững thế chủ động tiến công trong tiến trình đàm phán cũng như kết quả cuối cùng của hội nghị. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Hội nghị Geneva đã cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế, rằng các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Phát huy độc lập, tự chủ tức là dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm, bài học của quốc tế, nhưng tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, định ra những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm giải quyết công việc của đất nước mà không chịu một sức ép nào từ bên ngoài, không để “biến thành con bài trong tay người khác”. Chính nhờ kinh nghiệm đúc kết từ Hội nghị Geneva, đến Hội nghị Paris, chúng ta đã hoàn toàn độc lập, tự chủ trong mọi tính toán, chiến lược, sách lược và từng bước đi cụ thể. Chúng ta tự quyết định mọi chuyện, đấu tranh, bàn bạc trực tiếp với Mỹ chứ không qua trung gian. Chính điều đó là một nhân tố bảo đảm cho Hiệp định Paris phù hợp với lợi ích của ta.
Ngày nay, độc lập, tự chủ trong đối ngoại và hợp tác quốc tế đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, được nâng tầm lên thành tư tưởng nhất quán trong nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam hiểu rõ, không có quốc gia nào vì quyền lợi nước khác mà hy sinh quyền lợi của mình. Do đó, trên con đường hợp tác, chúng ta không trông chờ hay ảo tưởng vào sự trợ giúp của các quốc gia khác mà phải tự lực, tự cường, dựa vào chính mình để tránh lệ thuộc, làm mất tính độc lập, tự chủ, làm xói mòn sức mạnh, vị thế của đất nước.
Vận dụng sáng tạo quan điểm độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới, chúng ta đã thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tránh phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào. Chúng ta cũng chủ động lựa chọn tham gia các cơ chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc thông qua các quyết sách lớn về đối ngoại như bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, gia nhập ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Đặc biệt, Việt Nam nhất quán, kiên quyết thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đề cao nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng phát triển, chúng ta chủ trương không chọn bên hay tham gia liên minh quân sự. Bởi chọn bên hay liên minh quân sự nghĩa là liên kết với bên này và có thể đối đầu với các bên khác, tức là tạo cho mình kẻ thù. Thêm vào đó, các nước nhỏ, yếu khi chọn bên hay tham gia liên minh quân sự sẽ không còn quyền tự chủ, quyền tự quyết định về quốc phòng, an ninh, dễ trở thành nơi giải quyết mâu thuẫn giữa các nước lớn để tiến hành chiến tranh hoặc thực thi chính sách lôi kéo, ép buộc, khống chế các nước nhỏ.
|
|
Quang cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu |
Linh hoạt, mềm dẻo theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”
Hội nghị Geneva còn cho ta thêm bài học về sự kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tại Điện Biên Phủ, chúng ta đã thắng lớn nhưng chưa đủ sức tiến lên giải phóng ngay cả nước. Trong khi đó, các “bạn lớn” của chúng ta thì chủ trương hòa hoãn với phương Tây. Mỹ thì lăm le nhảy vào Đông Dương và điều này thực tế đã xảy ra sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Trong hoàn cảnh không có nhiều dư địa để chọn lựa, chúng ta đã vận dụng khéo léo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Ở đây, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta đã giành được. Đó là lần đầu tiên, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước, thì có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược, chấp nhận giải pháp tạm thời chia cắt đất nước để rồi từng bước tiến tới mục tiêu bất biến là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với Đại thắng mùa Xuân 1975.
Với kinh nghiệm xử lý giữa cái “bất biến” và cái “vạn biến” như tại Hội nghị Geneva, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, phù hợp, nhất là trong thời kỳ đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế, từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế; từ quan niệm “địch”, “ta”, chuyển sang cách nhìn nhận về “đối tác”, “đối tượng”. Cách tiếp cận đó phản ánh đúng thực tế hiện nay. Bởi trong thời chiến, việc xác địch-ta rất rõ ràng, nhưng trong quá trình hội nhập quốc tế với các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, chúng ta không thể cứ cứng nhắc với quan niệm trước đây. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải “biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nghĩa là, lợi ích quốc gia-dân tộc là bất biến, còn chính sách đối ngoại thì luôn biến đổi không ngừng để phù hợp với sự phát triển của tình hình.
Cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo đó đã giúp ngoại giao Việt Nam sống động hơn, linh hoạt hơn và ứng phó dễ dàng hơn. Với chính sách đối ngoại rộng mở theo tư duy mới, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng, phá thế bao vây cấm vận, giải tỏa bế tắc trong quan hệ với láng giềng và hầu hết các nước lớn, các tổ chức khu vực và liên khu vực. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như LHQ, ASEAN, WTO, APEC, ASEM... Những thay đổi, điều chỉnh đó đã tạo cho Việt Nam sức mạnh đối ngoại mềm dẻo, giúp chúng ta tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, từng bước củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đó là kết quả của phương pháp và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, kế thừa những kinh nghiệm quá khứ, trong đó có Hội nghị Geneva, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, trở thành bản sắc “cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” của trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
MẠNH TƯỜNG