Một năm hai lần thay đổi quy định chọn sách giáo khoa

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thay SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Ngày 30-1-2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 01, giao quyền quyết định lựa chọn SGK cho các trường học. Mỗi trường thành lập một hội đồng chọn SGK dưới sự điều hành của hiệu trưởng. Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Thông tư này áp dụng duy nhất cho năm học 2020-2021.

Đến ngày 26-8-2020, Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư 25 thay thế Thông tư 01 về chọn SGK. Hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK thay vì giao cho nhà trường như Thông tư 01.

Lý giải nguyên nhân chỉ trong một năm, Bộ GD-ĐT có hai thông tư hướng dẫn cách lựa chọn SGK, khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (Luật Giáo dục 2019) quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn” và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Trong khi việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 mới để áp dụng cho năm học 2020-2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5-2020 để các nhà xuất bản có SGK được chọn tổ chức in ấn, phát hành... kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9-2020.

leftcenterrightdel
Giáo viên Trường THCS Trưng Vương (Mê Linh, Hà Nội) lựa chọn sách giáo khoa lớp 9.

Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Trong kết luận, đoàn giám sát đã đánh giá về Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT: “Quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh”. Có đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại có “lợi ích nhóm” hoặc tình trạng “đi đêm” trong quá trình chọn SGK...”.

Đoàn giám sát cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không; sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh. 

Việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK mới rất quan trọng. Trên thực tế, đặc điểm của học sinh các vùng, miền không giống nhau, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của các địa phương khác nhau. Vì vậy, giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý, đặc điểm, năng lực của từng học sinh và cũng là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK, họ sẽ chủ động chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp của các bộ SGK để giảng dạy cho các em. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do để lần thứ ba, Bộ GD-ĐT ra thông tư về hướng dẫn chọn SGK khi ký ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, ngày 28-12-2023 thay thế Thông tư 25 trước đó.

Có thể thấy, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT cũng chưa lường hết được những phát sinh, bất cập trong việc lựa chọn SGK. Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng thực hiện trọn bộ SGK mới khi đưa vào sử dụng SGK các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12). Nhưng thực tế, qua mỗi năm học, giáo viên đều có những nhận xét, đánh giá về bộ sách đã dạy. Trong đó không hiếm trường năm trước chọn bộ sách của nhà xuất bản này, năm sau đổi sang bộ sách của nhà xuất bản khác. Điều này không chỉ gây mất thời gian trong việc đọc, tìm hiểu bộ sách khác mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của giáo viên. Quan trọng hơn là lãng phí nguồn lực, khi thế hệ học sinh năm sau ít khi sử dụng được sách của học sinh năm trước.

Còn nhiều điểm nghẽn

Ghi nhận từ phản ánh của giáo viên cho thấy, tuy thông tư hướng dẫn thay đổi liên tục nhưng công việc đọc-lựa chọn-đề xuất SGK của họ không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi về cơ bản, sách mà giáo viên lựa chọn đều được các cấp quyết định cao hơn duyệt, chứ họ không được quyền quyết định hoàn toàn. Nhưng khó khăn nhất của giáo viên hiện nay là thầy và trò làm thế nào để “tiêu hóa” hết lượng kiến thức được đưa vào SGK. Một giáo viên dạy môn Địa lý cấp THPT xin được giấu tên cho biết, với môn học này, tác giả viết sách đang làm nặng tải môn học thay vì giảm tải như mong muốn của Bộ GD-ĐT. Ví dụ, dạy về địa lý thế giới, nếu SGK chương trình 2006 ở bậc THPT chỉ cần nêu vấn đề và học sinh tự khai thác trong atlat thì bây giờ, SGK đã bao gồm cả atlat. SGK môn Địa lý hiện nay nhiều chữ hơn, với lượng kiến thức khổng lồ. 

Từ bất cập này sẽ nảy sinh bất cập khi kiểm tra, đánh giá. Ví dụ, trong kỳ thi hết học kỳ II dành cho học sinh lớp 11 tại địa phương có câu hỏi tỷ suất gia tăng dân số của Nga là thấp, ở trạng thái trả lời đúng/sai. SGK Địa lý lớp 11, bộ Cánh Diều viết là tỷ suất gia tăng dân số của Nga là “rất thấp”. Học sinh học bộ sách này sẽ chọn đáp án là "sai". Còn với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thì viết là “thấp”, học sinh học sẽ chọn đáp án là "đúng". Trong khi đó, thang tiêu chuẩn thấp-rất thấp không có trong chương trình. Cả hai phương án đều đúng với những gì học sinh được học nên đáp án bắt buộc phải chấp nhận cả hai.

“Nhiều tiết học xong, ra khỏi lớp, tôi nhận thấy mình đang sai sai ở đâu đó. Học sinh ngơ ngác, giáo viên cũng ngơ ngác”, giáo viên này chia sẻ và cho biết thêm thực tế tại trường, năm trước chọn môn Địa lý bộ sách Cánh diều, thấy không ổn, năm nay chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng vẫn thấy không ổn vì triển khai kiến thức rất khó.

leftcenterrightdel
Tiến trình đưa vào sử dụng sách giáo khoa mới. Đồ họa: THÁI HÒA 

Sau 4 năm SGK Chương trình GDPT 2018 đi vào thực tế, nhiều giáo viên nhìn nhận những tham vọng mà Bộ GD-ĐT đặt ra trước đó như phát triển năng lực của học sinh, đổi mới thi đánh giá... Một chương trình nhiều SGK cần có lộ trình dài hơn nữa mới đạt được mục tiêu. Bởi bản thân giáo viên tiểu học, THCS hiện nay cũng mới đang nâng chuẩn về trình độ, họ chưa có thời gian để tiếp nhận, triển khai cái mới của chương trình. Ai đủ khả năng lấy đồng tâm của chương trình với nhiều bộ SGK để ra đề thi, đề kiểm tra, đánh giá chuẩn? Trong thi trắc nghiệm, chỉ khác nhau một từ là đáp án đã khác, như ví dụ nêu trên.

Đó là còn chưa kể, Bộ GD-ĐT khuyến khích ra đề nội dung không có trong SGK. Những lo ngại về việc năng lực cho học sinh chưa được hình thành, kiến thức lại hổng lỗ chỗ bắt đầu xuất hiện. Lo ngại này không phải không có căn cứ khi các điều kiện để triển khai chương trình mới đang phải gần như kiểu "đo ni đóng giày". Chương trình GDPT 2018 được Bộ GD-ĐT rục rịch xây dựng từ năm 2014, thế nhưng đến giờ, sau 10 năm, những môn học mới vẫn chưa đủ giáo viên. Riêng môn tích hợp, năm nay mới có khóa đầu tiên của một, hai trường sư phạm tốt nghiệp. Thiếu giáo viên, thay vì được đào tạo 4 năm học thì giáo viên vắt chân lên cổ đi tập huấn mấy tháng để về dạy học sinh. Trò học, thầy cũng vừa dạy vừa học. Khi giáo viên kêu, các trường kêu, để gỡ bí, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhưng cách chữa cháy vụng về sẽ để lại những “di chứng” mà hậu quả là nhiều thế hệ học sinh phải trả giá.

Khi trả lời đoàn giám sát liên quan đến vấn đề SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chương trình là thống nhất, SGK là học liệu, nhiều SGK góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận. Đối với mỗi môn học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình GDPT 2018, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau. Cũng theo lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện này”.

CẦM ANH