Sau khi không buộc được đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chấp nhận các đề nghị của Mỹ đòi phải sửa đổi nhiều điều khoản đã được thỏa thuận trước đó giữa hai bên trong Hội nghị Paris, Tổng thống Mỹ R.Nixon quyết định sử dụng "pháo đài bay" B-52 và nhiều loại máy bay khác mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc nhằm khuất phục Việt Nam. Đây là bước leo thang chiến tranh cao nhất và tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ, dùng B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội-thủ đô của một quốc gia có chủ quyền.
Do dự kiến được âm mưu và hành động của kẻ thù, đã có sự chuẩn bị từ trước, với ý chí, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương ở miền Bắc đã kiên cường chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn, mưu trí, sáng tạo, hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng, hiệu quả nên giành được thắng lợi to lớn trong cuộc đọ sức mang ý nghĩa quyết định, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn âm mưu, hành động của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thắng lợi của Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972 thể hiện bản lĩnh sáng ngời, ý chí và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trước sức mạnh của phương tiện chiến tranh, bom đạn tàn bạo của kẻ thù. Ý chí Việt Nam thể hiện trong trận "Điện Biên Phủ trên không" tập trung vào mấy điểm nổi bật sau:
Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Khi chính quyền Mỹ quyết định đưa hàng chục vạn quân chiến đấu cùng các vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, nhiều nước bạn bè của Việt Nam đã khuyên chúng ta thương lượng, thỏa thuận với Mỹ vì quân Mỹ chưa từng thua trong chiến tranh. Trước tình hình đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm: Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của chúng, từ đó sẽ có cách đánh thắng Mỹ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân hai miền Nam-Bắc đã thể hiện quyết tâm sắt đá: Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi, dũng cảm chiến đấu, chấp nhận hy sinh, tổn thất, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi.
Quyết tâm này không chỉ dựa trên sự quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, hiểu và nắm chắc âm mưu, thủ đoạn ném bom, đánh phá của kẻ thù mà còn dựa vào thực tiễn cuộc chiến đấu 7 năm đương đầu với các thủ đoạn đánh phá tàn bạo của không quân Mỹ tại miền Bắc và địa bàn Hà Nội. Những kinh nghiệm này càng củng cố và khẳng định quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi, là điều kiện thuận lợi để chủ động xây dựng chủ trương, kế hoạch tác chiến trong tình hình mới.
Quyết tâm đánh thắng kẻ thù thể hiện rõ rệt nhất ở sự chuẩn bị tốt nhất cho trận đánh. Để đối phó với khả năng đế quốc Mỹ sẽ dùng "pháo đài bay" B-52 ném bom Hà Nội, từ nhiều năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Quân đội, cụ thể là Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu cách đánh B-52. Người tiên đoán Mỹ sẽ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng rất quý giá cho quân và dân ta trong trận chiến đấu sau này. Ngoài sự chuẩn bị về tư tưởng, quân và dân ta đã có sự chuẩn bị về cách đánh rất cụ thể, tỉ mỉ: Nhiều đoàn cán bộ các đơn vị radar, tên lửa, không quân đã vào Khu 4 để tìm hiểu quy luật hoạt động của B-52, tìm cách khắc phục sóng nhiễu, xác định các phương pháp bắn của tên lửa, cách đánh của không quân đối với B-52 và các loại máy bay tiêm kích của địch...
Không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.
Đây là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống đánh giặc giữ nước từ bao đời nay của dân tộc, của mỗi người Việt Nam. Một điều đặc biệt là càng gặp khó khăn, gian khổ, người Việt Nam lại càng thể hiện được tinh thần quyết tâm, trí sáng tạo nhằm khắc phục khó khăn, tìm ra cách tối ưu để thực hiện nhiệm vụ. Những khó khăn về vật chất, kỹ thuật, về cách chống nhiễu, phát hiện máy bay địch, cách đánh... lần lượt được nghiên cứu, tìm tòi, giải quyết và rút kinh nghiệm bằng thực tế chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ radar, tên lửa sẵn sàng chấp nhận hy sinh, kiên trì điều khiển quả đạn tên lửa tới tiêu diệt mục tiêu mặc dù biết rằng kẻ thù đang lợi dụng sóng radar của ta để phóng tên lửa shrike không đối đất vào đúng xe điều khiển tên lửa. Bộ đội radar đã dùng sức người khiêng, vác, gùi thồ đưa máy móc, khí tài (đã được tháo rời từng bộ phận) lên đặt ở những ngọn núi cao, hiểm trở ở Quảng Bình, ở Tây Bắc, hoặc đặt các giàn ăng-ten đồ sộ giữa những cánh đồng trống trải, gần biển để kịp thời phát hiện từ xa máy bay Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ ở trận địa tên lửa, pháo cao xạ, dân quân tự vệ ở các trận địa súng máy phòng không bất chấp bom rải thảm của B-52, thời tiết giá lạnh, kiên trì trực chiến, phục kích đón bắn máy bay địch, giành thắng lợi. Các đơn vị lắp ráp tên lửa SAM-2 hoạt động tối đa công suất, không quản ngày đêm. Họ đã tìm ra cách phục hồi, “kéo dài tuổi thọ” thêm hàng năm cho hàng nghìn quả đạn tên lửa đã quá thời hạn sử dụng, góp phần quan trọng bảo đảm đủ đạn cho chiến đấu...
Phát huy trí thông minh, sáng tạo, chủ động nghiên cứu, triển khai cách đối phó với những vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của kẻ thù, tìm ra cách đánh hiệu quả nhất.
Đế quốc Mỹ đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh quân sự, các thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật vào việc chế tạo vũ khí, sử dụng các thủ đoạn đánh phá vừa tàn bạo vừa nham hiểm nhằm khuất phục quân và dân ta. Được sự trợ giúp to lớn, hiệu quả về vũ khí, trang bị kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, quân và dân ta đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, tìm hiểu về tính năng, tác dụng của các loại máy gây nhiễu, máy bay cường kích, tiêm kích, trinh sát điện tử, đặc biệt là máy bay B-52, để hiểu điểm mạnh, điểm yếu của chúng, từ đó chuẩn bị phương án phòng, chống, đánh trả cụ thể.
Không quân Mỹ sử dụng các thủ đoạn kỹ thuật gây nhiễu ngoài đội hình, gây nhiễu trong đội hình thì bộ đội radar, tên lửa xây dựng cách đánh tối ưu bằng phương pháp điều khiển nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu và “phương pháp không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”. Địch sử dụng các máy phát sóng gây nhiễu tích cực, thả hàng chục tấn sợi kim loại ánh bạc gây nhiễu tiêu cực và nhiều dạng nhiễu khác nhằm vô hiệu hóa radar. Các trắc thủ radar đã dày công nghiên cứu, phân biệt được trong "biển nhiễu" đủ loại như mớ bòng bong đó đâu là nhiễu của các loại máy bay điện tử phát từ xa tới, đâu là nhiễu tiêu cực từ các sợi kim loại đang giăng kín bầu trời, đâu là nhiễu của máy bay tiêm kích đi bảo vệ B-52, đâu là nhiễu của các máy bay chiến thuật nghi binh làm B-52 giả; rồi kỹ thuật phá máy gây nhiễu rãnh đạn của kẻ thù để bảo đảm phóng tên lửa hiệu quả...
Từ thực tiễn những trận chưa bắn rơi được B-52 trước đó, bộ đội radar, tên lửa đã “vạch nhiễu tìm thù”, xác định chính xác mục tiêu, áp dụng và kết hợp các phương pháp “bắn 3 điểm”, “vượt nửa góc” linh hoạt trong chiến đấu. Cuốn sách bìa đỏ “Cách đánh B-52" của bộ đội tên lửa được nghiên cứu, biên soạn công phu, tỉ mỉ, chính là cuốn cẩm nang giúp ta bắn rơi nhiều B-52. Bộ đội không quân khắc phục khó khăn do máy bay Mỹ đánh phá các sân bay, sử dụng các sân bay cấp II, cấp III, sân bay dã chiến bí mật, xuất kích sớm chiếm lợi thế trên cao, tiếp cận mục tiêu, phóng tên lửa hạ "pháo đài bay", đồng thời làm rối loạn đội hình của địch.
Việc tổ chức phòng không, sơ tán, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt; thống nhất chỉ đạo, chỉ huy, bố trí đội hình các đơn vị chiến đấu, chuẩn bị bảo đảm hậu cần-kỹ thuật, phối hợp hiệu quả trong tác chiến giữa các lực lượng radar, tên lửa, không quân, pháo cao xạ, dân quân tự vệ là nhân tố quyết định làm nên Chiến thắng " Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không ”.
Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương”, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Neil Sheehan đã đánh giá về sự kiện 12 ngày đêm cuối năm 1972 như sau: Thắng lợi của người Việt Nam là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc. Tháng 5-2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là trận "Điện Biên Phủ trên không" sẽ mãi mãi sáng ngời trong sử sách, chính là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập, tự do; của tinh thần thông minh và trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam đối với khối lượng sắt thép và đô la khổng lồ của đế quốc Mỹ. Con người đã thắng vũ khí. Chí nhân đã thắng tàn bạo; chính nghĩa đã thắng phi nghĩa”.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ