Tìm hiểu chiết tự từng thành tố trong câu thành ngữ, theo quyển “Hán Việt từ điển”, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2005, “bỉ” (trang 49) là kia, cái kia, người kia; “sắc” (trang 630) là keo lận, thiếu thốn; “tư” (trang 736) là cái ấy, ấy là, sẻ đôi; “phong” (trang 579) là đầy, thịnh được mùa. Như vậy, có thể hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ là bên này thiếu thốn, bên kia đủ đầy. Hay được cái này, mất cái kia. Sâu xa hơn, câu thành ngữ gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc không có điều gì là hoàn hảo tuyệt đối. Nếu được cái này mà thiếu sót cái kia là chuyện hết sức bình thường.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/nguồn internet

Quyển “Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2000, trang 71 giải thích về câu thành ngữ “Bỉ sắc tư phong” là dồi dào về mặt kia thì kém về mặt này. Không ai được trọn vẹn, hơn người cái này lại phải chịu kém người về cái khác, được mặt nọ thì hỏng mặt kia.

Cuộc sống không hoàn hảo. Nên cũng không có người nào là hoàn hảo. Khiếm khuyết hay mất mát là điều không ai mong muốn. Nhưng mỗi việc gì xảy đến, đều mang một ý nghĩa nhất định. Lẽ được mất trong cuộc đời dạy cho mỗi người những bài học quan trọng. Do vậy, câu thành ngữ “Bỉ sắc tư phong” còn mang đến cho mỗi chúng ta cái nhìn bao quát. Đó là cuộc đời muôn vẻ, được cái này mất cái kia. Nhìn ra, trông rộng, ta cũng thấy đời theo đó mà đẹp hơn. Tương lai cũng vì thế mà lạc quan, rộng mở hơn.

Trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, khi Thúy Kiều ra thăm mộ Đạm Tiên có thơ rằng: Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen ("Truyện Kiều", Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2005). Với cách dùng câu thành ngữ “Bỉ sắc tư phong” trong hoàn cảnh này, cụ Nguyễn Du nói, chuyện hồng nhan bạc phận xưa nay vốn là chuyện thường tình. Tạo hóa vốn chẳng cho ai có được tất cả. Vẻ ngoài xinh đẹp thì số phận lại thường gặp nhiều cám dỗ, khổ đau. Đây là nỗi cảm thương với số phận của Đạm Tiên, nhưng cũng là lời dự báo về cuộc đời gian truân của Thúy Kiều sau này.

VĂN TUẤN