Theo quyển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2000, trang 88), “cà cuống chết đến đít còn cay” chỉ kẻ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước thất bại hoặc sai trái rành rành của mình.

Câu thành ngữ sử dụng hình ảnh con cà cuống (tên khoa học là belortone indica) là một giống côn trùng thuộc bọ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ruộng lúa, ruộng năn lác, nơi đầm lầy, kênh rạch... Con cà cuống đực, cơ thể có chứa tinh dầu nằm ở khoang bụng phía dưới đuôi. Tinh dầu này có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị quý trong bữa ăn của người Việt Nam. Như vậy, theo nghĩa đen câu thành ngữ muốn nói về một thực tế, con cà cuống dẫu chết thì đằng đuôi (đít) chất cay của tinh dầu quý vẫn còn.

Bằng cách dựa trên hiện tượng có thật, dân gian đã khéo léo chơi chữ để răn dạy sâu cay hơn về cách sống, ứng nhân xử thế của con người. Diễn nghĩa thực tế về con cà cuống thì chỉ cần nói cà cuống chết, đuôi còn cay là đủ, nhưng khi thêm chữ “đến” thì cụm từ “chết đến đít” không đơn thuần nói về con cà cuống nữa mà lớp nghĩa được mở rộng hơn nói về nhân sinh, về con người. “Chết đến đít” là cách nói quen thuộc của dân gian diễn tả sự nguy ngập, thất bại khó tránh khỏi. Khi đó từ “cay” ngoài nghĩa là “vị cay”, còn được hiểu thêm ở lớp nghĩa khác là sự “cay cú” ăn thua trong hoàn cảnh thất bại đã ở ngay trước mắt. Như vậy, ở lớp nghĩa sâu hơn, câu thành ngữ ám chỉ những con người ngoan cố, bảo thủ, không chịu chấp nhận cái sai của bản thân để sửa chữa. 

VĂN TUẤN