Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 523, “há” là mở to miệng ra. “Sung” là loại cây to, họ với đa, không có rễ phụ, quả mọc từng chùm trên thân và các cành to, khi chín màu đỏ, ăn được.
Với cách sử dụng biện pháp ẩn dụ, tác giả dân gian lấy hình ảnh con người nằm sẵn dưới gốc sung, há miệng chờ quả rụng vào để ẩn dụ cho những người ăn bám, lười lao động.
Có câu chuyện kể rằng, một anh chàng mồ côi cha mẹ, có biệt hiệu là “đại lãn” do anh ta quá lười. Mặc dù sức dài, vai rộng nhưng không chịu làm lụng. Anh ta chỉ nghĩ cách làm sao có ăn mà không cần động tay, động chân vào bất cứ việc gì.
|
|
Tranh minh họa: ismartkids.vn |
Một ngày nọ, anh ta ra nằm chờ dưới gốc cây sung, há miệng đợi sung rụng vào miệng rồi ăn. Chẳng may, những quả sung rơi xung quanh mình, không có lấy một quả rơi vào miệng. Thấy vậy, có người đi ngang qua đã dùng chân gắp một quả chín dưới đất bỏ vào miệng cho anh chàng lười này.
Câu thành ngữ “há miệng chờ sung” ra đời khéo léo lên án, đả kích, châm biếm những kẻ lười biếng trong xã hội. Những thành phần chỉ biết cầu may bởi người khác, chỉ chực chờ ăn sẵn, không muốn lao động.
Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 192, “há miệng chờ sung” ý chê kẻ lười biếng không lao động chỉ chực người khác đem đến tận miệng mà ăn.
Trong xã hội hiện nay, đâu đó vẫn còn tồn tại những thành phần ham ăn, biếng làm. Những kẻ ấy sẵn sàng bám víu và đón nhận thành quả lao động của người khác một cách vô tư. Người lười biếng luôn tìm lý do để biện hộ cho sự lười nhác của bản thân. Họ lười suy nghĩ, không tìm tòi, nghiên cứu hay học hỏi những điều mới, cũng không chịu lao động bằng chính đôi tay của mình. Từ đó, hình thành nên những suy nghĩ lệch lạc, chỉ muốn ngồi chơi, chờ đợi sự hưởng thụ.
Câu thành ngữ như hồi chuông cảnh tỉnh con người mau chóng thay đổi tư duy tiêu cực, siêng năng lao động để đưa cá nhân, cộng đồng hoàn thiện và phát triển hơn. Vì trong cuộc sống, giàu có và thành công không dành cho những kẻ lười nhác.
VĂN TUẤN