Câu thành ngữ sử dụng hình ảnh trung tâm là cốc và cò, hai loài chim khá quen thuộc, thường thấy trên những cánh đồng quê Việt Nam. Theo “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 802), “mò” là hoạt động sờ tìm khi không thể nhìn thấy được; “xơi” (trang 1.467) là ăn, uống hoặc hút. Như vậy, với cách sử dụng từ “mò” đối với “xơi”, lớp nghĩa đen của câu thành ngữ chỉ cốc là con chim vất vả mò mẫm nhưng cò lại là con ăn, hưởng thành quả lao động do cốc làm ra. Từ lớp nghĩa ban đầu, câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” phản ánh một hiện tượng tồn tại trong xã hội, đó là có những người làm lụng vất vả nhưng lại bị kẻ khác chiếm lấy, hưởng thành quả.

Theo quyển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2000, trang 182), “Cốc mò cò xơi” là uổng công, vô ích, làm cho người khác hưởng.

Trong dân gian có tích truyện, con cò và con cốc chơi với nhau, con cò thì lanh lợi nhưng lười biếng, con cốc thì hiền lành, thật thà. Một hôm, con cò nói với con cốc chịu khó ra ruộng, bờ sông, mỗi buổi mò lấy vài con cá, tép rồi cùng ăn. Cốc thật thà đi mò. Nhưng được con cá, con tép nào, nó tiện mỏ xốc luôn vào ruột, lúc về chỉ quắp được mỗi con cá nhỏ mang về cho cò. Nhiều lần như thế, cò liền nghĩ ra một mẹo, liền nịnh cốc đeo cái vòng xinh xắn vào cổ.

Cốc thấy cái vòng đẹp thì thích quá, giục cò đeo vào cổ cho mình. Khi ra ruộng bắt cá, mỗi lần mò được con cá, cốc định nuốt vào bụng thì lại bị nghẹn ở cổ vì cái vòng ở ngoài thắt chẹn lại, nó đành quắp về cho cò. Cứ thế, mỗi lần cốc định ăn con cá nhưng không sao nuốt được lại đem về dâng cò. Con vạc đứng trên cây cao chứng kiến cảnh ấy mới nghển cổ ca rằng: "Cốc mò cò xơi".

Từ góc nhìn xã hội, câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” phê phán những kẻ mạnh, mưu mô, thường đi bóc lột và lừa gạt kẻ yếu, đồng thời nhắc nhở những người thật thà cần tỉnh táo và cảnh giác, phân biệt giữa lòng tốt và việc bị lợi dụng. Lòng tốt là ta tự nguyện trao đi và mang lại lợi ích tích cực cho đối phương, trong khi bị lợi dụng là việc ta bị người khác bóc lột mà không hay biết. Đôi khi chúng ta cần phải học cách nói “không”, để vừa bảo đảm quyền lợi cho mình vừa ngăn chặn tình trạng “Cốc mò cò xơi”-kẻ không làm nhưng vẫn muốn hưởng.

VĂN TUẤN