Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 503, “giậu” là tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân, vườn. Trang 83, “bìm” là cây leo, hoa hình phễu màu trắng hoặc tím xanh, thường mọc leo ở các bờ rào.

Trong dân gian có tích truyện rằng, hàng giậu bao quanh khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng nên luôn tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị đổ. Cạnh hàng giậu có cây bìm bìm, loại cây dây leo cần nương tựa vào tường, giậu hoặc cây khác để đón ánh nắng. Nhưng mỗi lần bìm bìm muốn bám vào hàng giậu để hưởng chút ánh nắng thì hàng giậu lại bực bội, không cho nó nương tựa.

Hàng giậu còn mách người, nói bìm bìm sắp lấn át nó, nếu hàng giậu đổ thì chó, gà sẽ vào phá rau. Người cho là đúng nên cấm bìm bìm leo lên hàng giậu. 

Đến mùa thu hoạch hết rau trong vườn, hàng giậu chịu nắng, chịu mưa lại không được chăm sóc nên xiêu vẹo, nghiêng ngả xuống gần cây bìm bìm. Bìm bìm liền hùa nhau bám vào khiến giậu bị nặng nghiêng hẳn xuống. Cả họ bìm bìm nói rằng: “Xưa giậu hắt hủi họ bìm bìm nhà ta, lúc ta cần thì chẳng cho nương tựa, giờ giậu nhà ngươi đổ kêu người nào có thấy ai. Không là hàng giậu ngăn chó, ngăn gà thì cứ để họ nhà ta leo lên, dẫu sao cũng còn có ích”.

Kể từ đó có câu thành ngữ “giậu đổ bìm leo”.

“Từ điển thành ngữ-tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 2000,  trang 326, giải nghĩa “giậu đổ bìm leo” chỉ kẻ xấu nhân sự không may, thất thế của người khác mà lấn lướt, vùi dập, thực hiện ý định xấu.

Từ câu thành ngữ, soi chiếu trong cuộc sống, hiện nay, có không ít kẻ giống như cây bìm bìm, nhân lúc người khác gặp nạn không những không giúp đỡ mà còn được đà lấn tới, tìm cách kiếm lợi cho bản thân. Một số kẻ thậm chí còn làm hại, chà đạp khiến người đang gặp hoạn nạn thêm khốn đốn. Đấy là những kẻ tiểu nhân, hẹp hòi, ích kỷ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình và sẵn sàng chà đạp người khác để đạt được mục đích. Kiểu người này sống không có tình cảm chân thành, chỉ có sự toan tính, vụ lợi. Khi người khác gặp chuyện không may, họ sẽ lập tức bộc lộ bản chất. 

Bởi vậy, bên cạnh thái độ phê phán, câu thành ngữ còn răn dạy mỗi người cần học cách nhìn nhận, đánh giá trong các mối quan hệ; khuyến khích sống thiện, sống có tình người, lòng nhân ái. Cùng với đó là việc lên án, phê phán lối sống lợi dụng, hãm hại người khác để làm lợi cho mình.

VĂN TUẤN