Chuồn chuồn là một loại côn trùng có đuôi dài, hai đôi cánh màng dạng mỏng. Sinh ra trên mặt ao, hồ hay ruộng nước, khi là ấu trùng sống dưới nước, trưởng thành ra khỏi mặt nước, lột xác thành chuồn chuồn. Sống ở nước lâu nhưng khi lên cạn, tuổi thọ của chuồn chuồn lại rất ngắn, chỉ khoảng vài ba tháng. Chuồn chuồn có thói quen vừa bay vun vút vừa ngấu nghiến nhai con mồi bắt được. Mặt nước là cái nôi mà chuồn chuồn từ đó sinh ra, lớn lên và gắn bó. Đến mùa đẻ trứng, chuồn chuồn cái sau khi giao phối thường có động tác chao liệng trên cao rồi sà xuống chạm nhẹ cái đuôi vào mặt hồ ao đang lăn tăn gợn sóng. Thời khắc chạm nước và đẻ trứng của chúng rất nhanh. Đây chính là cơ sở tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu thành ngữ này.
Theo quyển Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2000, trang 151, “chuồn chuồn đạp nước”: Làm ăn lớt phớt, chiếu lệ cho qua chuyện, không sâu sắc, kỹ càng.
Trong dân gian có tích truyện, có cô chuồn chuồn sinh ra trên mặt nước, sống ở đó hai năm rồi mà vẫn chẳng hơn gì loài bọ gậy gọng vó. Chuồn chuồn buồn lắm. Đến năm thứ ba, đôi cánh mỏng trong suốt của nó mới bắt đầu mọc ra. Chuồn chuồn lấy làm sung sướng lắm, nói với con gọng vó, mình đuôi dài, lại có đôi cánh đẹp, chẳng thèm sống ở dưới ao tù này nữa. Nghe vậy, gọng vó nói, chuồn chuồn sống ở ao lâu ngày, chớ có quên nơi mình sinh ra.
Vào một buổi sáng đẹp trời, chuồn chuồn từ dưới ao bắt đầu cất cánh bay lên. Nó cứ bay lượn mãi trên cao, du lịch khắp đó đây. Rồi chuồn chuồn cũng đến kỳ sinh nở. Trong cuộc hành trình vô định đó, chỉ có đến lúc này nó mới nhớ đến xứ sở của mình, nơi nó đã sinh ra. Nghĩ vậy, nó bèn chao mình xuống mặt nước, trong chốc lát lẹo cái đuôi xuống, đẻ ra bao nhiêu là trứng.
Có một con bọ nước thấy chuồn chuồn cứ chớp nhoáng như vậy, mới bảo, chuồn chuồn đúng là chẳng có tổ có tông. Đạp nước như vậy thì có tích sự gì...
VĂN TUẤN