Chẳng hiểu run rủi thế nào, tại giải cờ tướng mở rộng của xã nơi đơn vị tôi đóng quân, Hậu lại quen được một nữ “kỳ thủ” trẻ tên là Kiều Trang, giáo viên dạy thể dục của trường trung học cơ sở. Nghe đâu chỉ sau một ván cờ giao lưu, Hậu đã được cô giáo chủ động mời đến nhà giao lưu cờ cùng bố nàng, một cựu chiến binh cũng rất mê môn cờ tướng.

Trưa hôm đó, vừa về, Hậu đã chạy đến phòng tôi phấn khởi khoe, rồi túm tay tôi, rủ rê:

- Cậu đi cùng tớ ra nhà Kiều Trang nhé!

- Cô ấy mời mình cậu, tớ đi cùng lại thành trở ngại thì sao?

- Tớ nghĩ rồi, cậu chín chắn, chững chạc, trình độ cờ tướng cũng thuộc loại kha khá nên đi cùng làm "chân gỗ" cho tớ. Đến đó, cậu giao lưu cờ với bố nàng, còn tớ thì sẽ tùy cơ ứng biến.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Phạm Hà

Nghe Hậu nói cũng có lý nên tôi chốt lịch để “vua cờ” báo cáo chỉ huy, xin phép cho hai đứa ra ngoài làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Sáng cuối tuần hôm đó, “vua cờ” ăn mặc chỉn chu, đón tôi rồi xăng xái lấy mũ bảo hiểm giúp, đon đả, ân cần đến lạ.

Đến nhà Trang, tôi thấy bố nàng đã ngồi ở ghế. Vừa nhấp chén trà nóng hổi, tôi vừa đưa mắt nhìn lên tường, nơi treo những bằng khen, huân, huy chương các loại. Theo “kế hoạch”, sau vài lời hỏi thăm xã giao, tôi giả vờ nhìn thấy bàn cờ, khen đẹp rồi ý tứ mời bố Trang giao lưu vài ván. Bố Trang phấn khởi ra mặt. Công nhận ông chơi cờ hay, chắc phải ngang ngửa với Hậu. Chỉ vài chục phút, tôi đã thua trắng 3 ván đầy chóng vánh.

Chẳng biết lo cho bạn hay vì nổi cơn ham cờ, đang ngồi hàn huyên với Trang, “vua cờ” lại mò ra chỗ chúng tôi. Vừa liếc nhìn bàn cờ, cậu đã oang oang:

- Kìa, pháo kìa. Chén đi.

Tôi quay sang, nói thầm:

- Nói nhỏ thôi! Kỵ đấy!

Giọng Hậu càng to hơn:

- Có gì đâu mà phải sợ! Chén đi! Pháo ngon thế mà không đập cho phát. Vào tay tớ là pháo kia tiêu đời rồi.

Kiều Trang nghe thấy vậy, cũng vội vàng lôi Hậu ra, nhưng không kịp nữa. Bố của Kiều Trang mặt đỏ phừng phừng, đứng lên đi ra ngoài. Hậu đứng như trời trồng. Lúc nghe tôi nói, Hậu mới biết bố của Kiều Trang tên là Pháo. Trên đường về, Hậu cứ liên hồi trách tôi:

- Tại sao cậu biết trước mà không nói cho tớ?

- Thì lúc uống nước, tớ tranh thủ đọc mấy cái bằng khen mới biết mà. Với lại, sự việc diễn ra nhanh quá, cậu cứ liến thoắng thế, sao mà tớ cản được!

“Vua cờ” không nói gì. Lát sau mới thủ thỉ:

- Cậu nghĩ cách giúp tớ đi, không lần đầu cũng là lần cuối mất!

- Gì mà nghe bi đát thế. Để tớ nghĩ xem nào.

Trấn an Hậu vậy, nhưng dọc đường đi, tôi nghĩ mãi mà chưa ra cách nào hiệu quả. Về đến cổng đơn vị, tôi mới nghĩ ra một cách:

- Tớ thấy nhà Trang ai cũng mê cờ tướng nên giờ cậu đến nhờ anh Tình, nhân viên doanh trại thiết kế cho một bộ cờ bằng gỗ thật đẹp, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Rồi làm riêng một quân “Pháo” thật to, như một dạng mẫu biểu trưng để tặng bố Trang và nói là chính tay cậu làm. Vừa tặng vừa "chém gió" nữa xem sao?

- Nhưng vậy thành nói dối à?

- Khổ! Cứ tạm thế đã. Sau này ổn rồi mình xin lỗi cũng được.

Hậu “cờ” thấy cũng chẳng còn cách nào khả quan hơn liền gật gù đồng ý. Ngay tối hôm đó, cậu ta xuống nhờ anh Tình tận dụng những phần gỗ thừa của đơn vị để đục, đẽo thành bộ cờ theo mẫu cậu ta vẽ. Hai tuần sau, Hậu hồi hộp một mình mang theo bộ cờ đến để “chuộc lỗi”. Tôi ở nhà đứng ngồi không yên, chỉ mong mọi thứ diễn ra theo kế hoạch. Gần trưa mới thấy Hậu gọi về, giọng phấn chấn: “Xong rồi cậu ạ! Thành công ngoài dự kiến. Cảm ơn cậu nhé!”.

Tôi thở phào, chúc mừng đồng đội rồi chợt nghĩ: “Đúng là “vua cờ”, đến chuyện yêu đương cũng liên quan đến cờ”.

Truyện vui của CHIẾN VĂN