Trong cuốn “Đi tìm điển tích thành ngữ” của Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2020 ghi lại câu chuyện, một cục sắt han gỉ, được người thợ rèn cho vào bễ nung đỏ, quai búa, đập rèn trở thành một chiếc dao sáng loáng. Rồi lại được tra thêm khúc gỗ làm thành cái chuôi.

Kể từ đó, con dao được dùng vào nhiều việc như chặt cây, gọt quả... Con dao lấy làm hãnh diện lắm, dần dần trở nên tự cao, nhìn thấy cái gì nó cũng chê. Cái cột trong nhà nó cho là to quá mới cậy sắc đẽo bớt đi. Cái càng cối nó chê dài quá, chặt ngắn lại, thành thử không thể nào xay được lúa.

Một hôm, cái chuôi mới bảo nó rằng:

- Anh thật tài cán, cái gì cũng làm được, ấy vậy nhưng anh xem cái chuôi anh đây, vừa xù xì, thô kệch, khiến tay nắm vào không gọn, cầm một lúc là rã ra. Anh xem chuôi dao khác được gọt đẽo tử tế nhẵn nhụi, vừa đẹp, cầm lại chả chắc hơn không?

Con dao nhìn ra thấy phải, liền nói:

- Ta sắc thế này, làm gì chả được.

Nói xong, nó loay hoay nhưng không làm sao mà lộn đầu lưỡi trở lại chuôi để đẽo gọt theo ý mình. Sau một hồi vật lộn nó trở nên bất lực.

Thấy vậy, một con dao khác giải thích:

- Vốn chúng ta sinh ra là như vậy. Anh có sắc mấy đi nữa thì chỉ đẽo gọt được đồ vật khác, chứ làm sao mà gọt được chuôi của mình. Anh không nghe người ta nói “dao sắc không gọt được chuôi” à. Từ nay bớt hãnh diện đi nhé!

VĂN TUẤN