Triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa nguyên tắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược, giữa đường lối cách mạng và sách lược cách mạng.

Theo Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, năm 2021, “biến” (trang 78), thay đổi hoặc làm cho thay đổi từ trạng thái, hình thức này sang trạng thái, hình thức khác. “Vạn” (trang 1.390), số đếm, bằng mười nghìn. “Bất biến” (trang 62), ở trạng thái không hề thay đổi, không phát triển.

"Dĩ bất biến ứng vạn biến" tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể.

Triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" còn một khía cạnh nhận thức luận khá quan trọng là cái bất biến trong nhận thức chính là cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, trong sáng, sáng suốt, minh mẫn. Với cái tâm bất biến thì có thể ứng với cái vạn biến, tức nhìn nhận sự vật hiện tượng biến đổi bên ngoài rõ ràng hơn, khách quan hơn, đúng đắn hơn. 

PHẠM TUẤN