1. Sau cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân kéo dài 30 năm, đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về tới Pác Bó (còn gọi là Cốc Bó)-đầu nguồn cách mạng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay trên mảnh đất thiêng liêng, địa đầu Tổ quốc. Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) làm nơi dừng chân đầu tiên. Hang Cốc Bó nằm ở lưng chừng núi, bên cạnh rừng Khuổi Nậm. Người sống và làm việc ở trong hang với tên gọi mới là Già Thu, mặc bộ quần áo chàm giản dị của người Nùng; dùng một tảng đá bằng phẳng làm bàn làm việc. Người đặt tên núi là Các Mác và tên dòng suối là Lênin. Dù sinh hoạt vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng Người vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Đây là những vần thơ Người viết về Pác Bó hùng vĩ: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”...

Nguồn thi hứng của Người còn làm nên những vần thơ chân thực và cảm động, bình dị mà sâu lắng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Cuối tháng 4-1941, cùng với việc chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Người đề nghị triệu tập Hội nghị Cán bộ tỉnh Cao Bằng để tổng kết kinh nghiệm tổ chức thí điểm các hội quần chúng của Việt Minh như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc.

Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa I) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, khai mạc bên dòng Khuổi Nậm, vào ngày 10-5-1941 và bế mạc vào ngày 19-5-1941. Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời vào thời điểm kết thúc hội nghị, đó cũng là dịp ngày sinh lần thứ 51 của Người. Kỷ niệm thiêng liêng này cho thấy điều cảm động giữa cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với lịch sử sinh thành và phát triển của Mặt trận-linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhờ sức mạnh đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân mà Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã thành công và đại thành công.

Thành lập Mặt trận Việt Minh tại Hội nghị Trung ương 8 là một sự kiện lịch sử trọng đại, một sáng kiến vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Đảng ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 nêu rõ: Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Đối với vấn đề nội dung và tổ chức Mặt trận, điều đặc biệt quan trọng là hội nghị chủ trương đặt vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước, Việt Nam, Lào, Campuchia, làm cho nhân dân mỗi nước phát huy cao độ lòng yêu nước của dân tộc mình, đồng thời càng gắn bó với các dân tộc bạn ở Đông Dương, chống kẻ thù chung... Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) để vận động quần chúng đấu tranh cách mạng, đồng thời vẫn phải luôn nêu cao tính tiên phong của Đảng. “Càng mở rộng mặt trận càng phải củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng” (trích Hồ Chí Minh, Tiểu sử, NXB Lý luận Chính trị. H.2006, tr.276).

Quan điểm chỉ đạo này của Đảng được thể hiện nhất quán trong thực tiễn cách mạng qua các thời kỳ, các bước ngoặt chuyển tiếp của Đảng, từ lãnh đạo đến cầm quyền, từ khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân đến xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đến công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc, phối hợp cách mạng hai miền chống đế quốc Mỹ xâm lược và phá hoại, cho đến đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và giờ đây là tiếp tục đổi mới sáng tạo, ra sức thực hiện khát vọng phát triển, đưa nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp bằng con đường cách mạng và chiến lược đại đoàn kết, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận. Cống hiến to lớn và vai trò tập hợp quần chúng của Mặt trận phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong mọi thời kỳ cách mạng đã nói lên mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, với Mặt trận, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học với nghệ thuật trong sứ mệnh lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, giữa tư tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu thiếu nhi và phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai, ngày 23-9-1958. Ảnh: TTXVN

2. Mặt trận Việt Minh ra đời cùng với bản tuyên ngôn lịch sử, có giá trị như một cương lĩnh, một thông điệp về đoàn kết cứu nước. Tuyên ngôn nêu rõ: Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập.

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo Chương trình cứu nước của Việt Minh, nhằm vào thực hiện hai mục tiêu mà toàn thể đồng bào mong ước: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Làm cho dân tộc Việt Nam được sung sướng tự do. Hai mục tiêu đó được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ và biện pháp hành động, hành động thiết thực và hiệu quả như một chính phủ của dân, vì dân, lại do dân xây dựng và góp sức thực hiện từ chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, lập quân đội cách mạng, thi hành đường lối ngoại giao hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các dân tộc trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp soạn thảo "Mười chính sách của Việt Minh" bằng thơ lục bát để dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó sẵn sàng hành động: “Việt Nam độc lập đồng minh/ Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây/ Quyết làm cho nước non này/ Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”.

Những lời thơ mộc mạc mà sâu sắc như thế đã “chạm” đúng nỗi niềm, nguyện vọng và mơ ước của quần chúng nên quần chúng nồng nhiệt ủng hộ từ chương trình đến điều lệ. Phong trào phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng rãi chưa từng có.

Để đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, tổ chức, nhân dân vào các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển căn cứ địa cách mạng, Nguyễn Ái Quốc còn quyết định ra Báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt lập). Người trực tiếp chỉ đạo và viết rất nhiều bài cho báo, nhằm tuyên truyền cổ động cho Việt Minh, thức tỉnh lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của đồng bào, chiến sĩ, quy tụ lòng dân, sức dân cho hoạt động của Mặt trận, cho phong trào cách mạng đang sôi sục trong cả nước. Với Việt Minh và Việt lập, dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc nổi bật và đặc sắc, bởi Người đã gieo niềm tin, truyền cảm hứng cho cả dân tộc, cổ vũ toàn dân đoàn kết, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người nói rõ mục đích của Báo Việt Nam độc lập ngay ở số đầu tiên: “Báo Việt Nam độc lập” cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do (Báo Việt Nam độc lập, số 101, ngày 1-8-1941 (Hồ Chí Minh).

Tổng kết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Người cũng nhấn mạnh: Tinh thần cách mạng của dân mình lớn lắm. Tinh thần đó rất quý. Đảng phải khơi lên đầy đủ chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi lực lượng giải phóng dân tộc, đánh đuổi Pháp, Nhật, hướng mọi hoạt động công tác của Đảng vào khâu trọng tâm cứu quốc (“Đầu nguồn”, NXB Văn học, H.1977, tr.172). Sau hội nghị, ngày 6-6-1941, Người có thư “Kính cáo đồng bào” gửi đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Trong thư, Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm... người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”.

Người kêu gọi: “Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí! Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên! Đoàn kết, thống nhất, đánh đuổi Pháp, Nhật” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, H.2011, tập 3, tr.198).

Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Người tập trung viết “Lịch sử nước ta”-diễn ca lịch sử bằng thơ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cuối tác phẩm này, Người đưa ra dự báo: “1945-Việt Nam độc lập” và lịch sử đã xác nhận dự báo thiên tài đó của Người. “Lịch sử nước ta” trở thành tài liệu phổ thông, tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng. Đó cũng là tài liệu giáo khoa lịch sử để huấn luyện cán bộ. Tác phẩm góp phần trực tiếp vào việc tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh và lan tỏa rộng khắp ánh sáng tư tưởng đại đoàn kết của Người: “Chúng ta có Hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh”.
Người nhấn mạnh bài học lớn-đoàn kết. Đó là nguyên tắc chiến lược của cách mạng mà cũng truyền đi một thông điệp tới toàn thể đồng bào: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

3. Lịch sử đã chứng minh, nhờ có Mặt trận Việt Minh do Đảng sáng lập và lãnh đạo; nhờ sức mạnh đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân mà Mặt trận là nòng cốt, Hồ Chí Minh là linh hồn, biểu tượng nên Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trải qua bao bước ngoặt phát triển, dân tộc đạt tới những kỳ tích, Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn cờ dẫn đường để cách mạng nước ta đi tới mọi thắng lợi. Tư tưởng và tấm gương mẫu mực thực hành đại đoàn kết của Người mãi mãi phát huy giá trị và tỏa sáng. Từ lịch sử Mặt trận, tư tưởng ấy gắn liền quyết tâm-tín tâm với đồng tâm để thực hành dân chủ-đoàn kết và đồng thuận. Đó là chân giá trị Hồ Chí Minh, là con đường và quy luật phát triển của cách mạng nước ta, của dân tộc ta.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO