Và, khi Mã Giám Sinh được tin có giai nhân bán mình chuộc cha nên đã lần đến mặc cả, Nguyễn Du một lần nữa dùng từ “Lam Kiều”: “Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều/ Sinh nghi, xin dạy bao nhiêu cho tường?” (câu 643-644).
“Lam Kiều” được Nguyễn Du dùng trong hai trường hợp trên có ý là nơi gặp gỡ duyên lành và nơi trao sính lễ để xe duyên cầm sắc. “Lam Kiều” được lấy từ điển tích truyện Bùi Hàng đến Lam Kiều dâng chày ngọc cưới nàng Vân Anh làm vợ. Vào đời nhà Đường, có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, tướng mạo khôi ngô, học rộng tài cao. Sau khi thành danh, chàng đi khắp nơi kén vợ. Một hôm, Bùi Hàng đi về phía Tây Bắc thành Thiểm Tây, thấy một giai nhân không còn trẻ nhưng rất khả ái. Bùi Hàng lân la hỏi thăm được biết nàng là Vân Kiều phu nhân. Vân Kiều nghe chuyện chàng nho sĩ Bùi Hàng cố tâm tìm người xe duyên kết tóc, nên nàng viết mấy câu thơ, sai người nhà đem ra cho Bùi Hàng. Bài thơ đại ý: “Uống chén quỳnh lương trăm cảnh sanh/ Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh/ Lam Kiều vốn chỗ thần tiên ở/ Hà tất đi tìm đến ngọc kinh”.
Đọc bài thơ, Bùi Hàng kinh ngạc, không biết vì sao Vân Kiều phu nhân lại hiểu rõ tâm trạng của mình. Tò mò, chàng lên ngựa hỏi thăm hướng Lam Kiều mà tiến. Đi mãi, một ngày chàng đến một quán lá bên cầu. Chủ quán là một bà lão tóc bạc phơ, dáng vẻ thanh thoát như tiên. Bà lão niềm nở chào khách và gọi con gái đem nước ra. Từ phía sau nương dâu, một giai nhân bước ra, sắc đẹp tuyệt trần. Bùi Hàng hỏi thăm bà lão thì được biết giai nhân trong quán tên là Vân Anh, em ruột của Vân Kiều, còn bà lão là thân mẫu của Vân Anh, Vân Kiều. Bùi Hàng mừng rỡ, lấy bức thư có nét chữ của Vân Kiều trao cho bà lão xem và xin cưới Vân Anh làm vợ.
Bà lão mỉm cười đồng ý nhưng với điều kiện phải nạp sính lễ là chiếc chày ngọc vừa chiếc cối ngọc giã thuốc bà đang có. Thế là Bùi Hàng một người một ngựa, nhiều ngày tháng lang thang khắp nơi tìm chày ngọc. Một hôm, Bùi Hàng đến một quán nhỏ ven đường, gặp bà lão tay cầm chày ngọc miệng hát: “Chày sương ta có/ Ai muốn cần dùng/ Duyên thắm chỉ hồng/ Cầu Lam đợi khách”. Bùi Hàng mừng rỡ kể lại câu chuyện đi tìm chày ngọc làm vật sính lễ ở cầu Lam cho bà lão nghe. Bà lão nói rằng, đây cũng là duyên tiền định nên đồng ý trao chày ngọc cho Bùi Hàng.
Bùi Hàng cảm tạ bà lão rồi trở lại cầu Lam Kiều. Mẹ của Vân Anh cầm chày ngọc ướm thử vào cối ngọc, thấy chày và cối vừa khít nhau. Bà lão mừng rỡ, cho đôi trẻ làm lễ tơ hồng, Bùi Hàng sánh duyên cùng Vân Anh.
VĂN TUẤN