Đây là câu thành ngữ được dùng thuần theo từ Hán Việt nên đọc thoáng qua, có người cho rằng “khinh tài” trong câu thành ngữ này là chỉ tài năng của một người. Đây là cách hiểu có phần sai lệch.

Tìm hiểu chiết tự từng thành tố trong câu thành ngữ, theo quyển “Hán Việt từ điển giản yếu”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2009, trang 867, “trọng” có nhiều nghĩa, trong đó hai nghĩa chính là nặng, coi là nặng; tôn kính, tôn quý. Trong thành ngữ nói trên, trọng nghiêng về nghĩa “nặng”.

Đối ngược với “trọng” là “khinh” (trang 370) nghĩa là nhẹ, xem nhẹ, coi nhẹ. Ngoài ra, mở rộng nghĩa “xem nhẹ” nói trên, “khinh” còn có nghĩa là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với ai hoặc điều gì đó, chẳng hạn khinh thường, khinh bỉ, khinh miệt, khinh mạn. Trong câu thành ngữ mà chúng ta đang nhắc tới, nghĩa chính của “khinh” là nhẹ, xem nhẹ.

“Nghĩa” (trang 502) là một việc phải làm, việc đúng, việc nên làm bởi hợp đạo lý; một chủ trương đúng; sự hào hiệp. Chúng ta thường nói việc nghĩa, sống có nghĩa. Làm điều lớn hoặc điều nhỏ đều cần nghĩa. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp không phải bởi cô ấy đẹp mà là “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người có dũng-sức mạnh). Cứu nước, cứu dân là việc lớn phải làm, nên người ta dựng cờ đại nghĩa.

“Tài” (trang 655) là tài năng, năng lực vượt trội của ai đó so với người khác; của cải, vật chất; sự trồng trọt... Nguyễn Du viết “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”, “tài” trong những câu ấy có nghĩa là tài năng, khả năng tốt để làm việc. Nhưng chúng ta thường nghiêng về nghĩa tài năng của từ “tài” mà quên đi nghĩa chỉ vật chất, của cải. Ta vẫn thường đọc: Tài nguyên (nguyên là nguồn) tức nguồn của cải, tài trợ (trợ là giúp) tức giúp của cải cho ai đó, gia tài là của cải của gia đình, về sự giàu có vật chất. Trong câu thành ngữ “Trọng nghĩa khinh tài” thì tài nhấn vào nghĩa vật chất, của cải.

Tiền bạc, của cải, địa vị là những cám dỗ mạnh mẽ mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để khước từ. Thậm chí một số người còn từ bỏ đạo đức, tình nghĩa, chuẩn mực cách sống để theo đuổi những thứ xa hoa, phù phiếm dẫn đến bị tha hóa, biến chất, thân phải vướng vào vòng lao lý.  

Từ lâu, cha ông ta đã sớm hiểu được vấn đề này nên truyền đạt lời răn dạy thông qua câu thành ngữ “Trọng nghĩa khinh tài”, chính là phải coi trọng những việc làm chính nghĩa, những việc có ý nghĩa lớn lao, cần thiết, cần phải làm. Đồng thời nên xem nhẹ tài lợi, cám dỗ vật chất để hướng đến sự cao đẹp hơn trong cuộc sống và xã hội.

VĂN TUẤN