Số 4 và số 5 thoát hiểm
Cuộc đào thoát hoàn hảo của D.Maclean và G.Burgess ngay trước mũi phản gián Anh đã gây rúng động cho toàn bộ giới điệp báo cũng như hệ thống các cơ quan chính phủ Anh. Cuộc đào thoát của hai người cũng lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên còn lại trong Bộ Ngũ.
Ngay sau khi hai người đào thoát, A.Blunt được lệnh tới căn hộ của G.Burgess thủ tiêu tất cả những tài liệu có thể làm chứng cứ để chống lại Bộ Ngũ. A.Blunt đã hoàn thành công việc này nhưng phạm phải một sơ suất chết người: Để sót lại không hủy một tài liệu ghi lại cuộc thảo luận bí mật giữa các thành viên chính phủ Anh diễn ra hồi năm 1939. MI5 lập tức vào cuộc. Tài liệu này không ghi rõ ai là người cung cấp nhưng khi bị các nhân viên MI5 tra vấn, Sir John Colville, một người được đề cập đến trong tài liệu, cho rằng tác giả của nó rất có thể là J.Cairncross!
Khi bị các nhân viên MI5 thẩm vấn, J.Cairncross thừa nhận có chuyển cho người Nga thông tin, nhưng phủ nhận việc mình là điệp viên của Liên Xô. Sau một thời gian theo dõi và thẩm vấn liên tục mà không nhận được lời thú tội đủ để làm bằng chứng chống lại J.Cairncross, MI5 đành bỏ cuộc.
Cũng ngay sau cuộc đào thoát của D.Maclean và G.Burgess, Trung tâm tình báo Moscow lệnh cho Y.Modin đề nghị với A.Blunt cũng sẽ theo chân hai người đào thoát sang Liên Xô để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, A.Blunt từ chối đề nghị này. A.Blunt biết rằng mình hoàn toàn không thể phù hợp được với cuộc sống kham khổ ở Liên bang Xô viết trong thời điểm đó. Nhưng điều quan trọng là A.Blunt biết chắc MI5 cũng không có bằng chứng đủ mạnh để có thể kết tội gián điệp cho mình. Các cuộc thẩm vấn A.Blunt do MI5 tiến hành diễn ra liên miên nhưng không thu được kết quả gì đáng kể.
Trung tâm tình báo Liên Xô đánh giá rằng, kể từ khi bắt đầu được tuyển mộ trong những năm 1934-1935 cho tới khi kết thúc hoạt động, trong suốt hơn 15 năm, chỉ riêng ba người là Kim Philby, D.Maclean và G.Burgess trong Bộ Ngũ đã gửi về Moscow hơn 20.000 trang tài liệu mật “có giá trị”, có nghĩa là mang lại những lợi ích tình báo. Một con số khổng lồ!
Chuông báo động đã điểm
Với Kim Philby, việc G.Burgess bất ngờ đào thoát theo D.Maclean mà không quay trở lại rõ ràng là một thảm họa. Cả Geoffrey Paterson, với tư cách đại diện của MI5 lẫn Kim Philby, đại diện của MI6 ở Mỹ, lập tức được triệu tới Tổng hành dinh FBI để gặp Robert J.Lamphere, khi ấy mới 32 tuổi, là Cục phó phụ trách công tác phản gián của FBI. Đấy là một cuộc gặp không mấy dễ chịu. Robert J.Lamphere tỏ vẻ vô cùng bực tức vì cho rằng MI5 đã giữ kín các hoạt động điều tra về D.Maclean, không thông báo cho FBI biết và vì thế mới xảy ra cơ sự tệ hại về cuộc đào thoát của hai điệp viên Xô viết ngay dưới mũi phản gián Anh.
Cũng vì vậy mà FBI hầu như không có mấy dư địa để có thể hành động điều tra các hoạt động của Bộ Ngũ vì thông tin nhận được quá ít.
Kim Philby ở London năm 1951. Theo The DailyMail
Dẫu vậy, cả Kim Philby lẫn sĩ quan tình báo Xô viết điều khiển ở Mỹ đều biết là tiếng chuông báo động đã điểm. Có quá nhiều những điểm đáng ngờ tập trung vào Kim Philby. Mới vài tuần trước, G.Burgess còn là khách trú trong nhà Kim Philby ở Washington. Chính Kim Philby là một trong số ít người nắm được quá trình điều tra liên quan đến điệp viên mang mật danh
Homer
và như vậy, ở vào vị trí lý tưởng để có thể báo động cho D.Maclean chạy trốn. Cả ba người đều từng học ở Cambridge. Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi MI5 đào bới quá khứ cũng như tình bạn giữa Kim Philby với G.Burgess. Rất có khả năng Kim Philby sẽ phải nằm dưới sự giám sát, bị sa thải, thậm chí có thể bị bắt ở bất cứ thời điểm nào.
Một kế hoạch khẩn cấp bố trí cho Kim Philby chạy trốn nhanh chóng được lập ra. Nếu có dấu hiệu MI5 sắp sửa động thủ, tình báo Xô viết sẽ cung cấp tiền và giấy tờ giả cho Kim Philby trốn qua ngả Trung Mỹ hoặc Mexico.
Nhưng khi ấy, Kim Philby đã đi tới một quyết định dứt khoát: Không đào thoát giống như hai người bạn mình trong Bộ Ngũ. Cho đến lúc ấy, Kim Philby biết chắc là phản gián cả của Mỹ và Anh đều chưa xác định được điệp viên Stanley-mật danh của Kim-là ai. Người Mỹ, sau vụ đào thoát của G.Burgess, dĩ nhiên cũng lập tức hướng mọi sự nghi ngờ vào Kim Philby. Tuy nhiên, họ vẫn phải e dè trước cương vị đại diện cho tình báo Anh tại Mỹ của Kim. Bởi vậy, tướng Walter Bedell Smith, khi ấy là Giám đốc Cục Tình báo trung ương CIA, đánh một bức điện mật cho tình báo Anh, thông báo rằng phía Mỹ không chấp nhận một sĩ quan liên lạc giữa hai cơ quan tình báo ở Washington. Ngày 12-6-1951, Kim Philby bị triệu hồi về London.
Về tới London, Kim Philby lập tức phải trải qua hàng loạt cuộc thẩm vấn liên tục, nhưng không để lộ bất cứ một sơ hở nào khiến các nhân viên phản gián Anh có thể căn cứ vào đó để kết tội mình. Nhưng cũng kể từ đó, Kim Philby còn phải trải qua hàng loạt cuộc thẩm vấn gắt gao và nằm dưới sự theo dõi giám sát không ngừng nghỉ của phản gián Anh. Tuy nhiên, Kim Philby vẫn vượt qua hết các cuộc thẩm vấn với những câu hỏi hóc hiểm mà người thực hiện hầu hết đều là những người Kim quen biết trong MI5 và MI6. Sau một quá trình dài điều tra, MI6 không thể tìm được bằng chứng để kết tội Kim nhưng mùa thu 1952, vẫn quyết định sa thải Kim Philby với một khoản tiền trợ cấp ít ỏi.
Trong suốt thời kỳ khủng hoảng từ năm 1951 đến 1954, tình báo Liên Xô hoàn toàn chấm dứt mọi tiếp xúc với Kim Philby.
Bị lộ
Mùa hè năm 1956, Nicholas Eliott, một điệp viên cao cấp của MI6, đồng thời là người bạn lâu năm của Kim, đề nghị với David Astor, chủ bút tờ Observer, thu xếp cho Kim Philby chân phóng viên tự do của tờ Observer ở thủ đô Lebanon. David Astor, vốn cũng từng có thời gian hoạt động cho tình báo Anh, vui vẻ nhận lời. Không những thế, David Astor còn liên hệ với Donald Tyerman, chủ bút tờ Economist, người cũng đang tìm kiếm một chân phóng viên cho khu vực Trung Đông. Vậy là một thỏa thuận được hình thành: Hai tờ Observer và Economist sẽ chia sẻ khoản 3.000 bảng tiền lương hằng năm trả cho Kim Philby, chưa kể tiền công tác phí, đi lại. Kim nhanh chóng nhận lời và tới Beirut, nơi cha mình cũng đang sống tại đó.
Trong thời gian ở Beirut, uy tín của Kim Philby trong giới truyền thông ở đây tăng cao nhờ hàng loạt những bài phân tích sắc sảo trên hai tờ Observer và Economist.
Nhưng cũng ở đây, Kim Philby đã bắt liên lạc lại được với cơ quan tình báo Liên Xô, lúc này đã mang tên gọi là Ủy ban An ninh quốc gia KGB, thông qua Đại diện thương mại Petukhov, một điệp viên KGB. Hai người thỏa thuận rằng nếu Kim Philby muốn có một cuộc gặp với KGB thì vào giờ đã định trước, sẽ đứng trên ban công căn hộ của mình với một cuốn sách trên tay.
Đến cuối năm 1961, đầu 1962 đã có hai sự biến lớn ảnh hưởng đến sự nghiệp tình báo của Kim Philby.
Ngày 22-12-1961, một người đàn ông đã gõ cửa phòng Frank Freibergm, Trưởng đại diện của CIA tại Helsinki, Phần Lan. Bằng một thứ tiếng Anh cực tồi, người đàn ông này tuyên bố muốn đào thoát sang phương Tây. Người này là Thiếu tá Anatoly Golitsyn, một điệp viên từng có nhiều năm làm việc tại Tổng cục Một KGB. Anh ta đã dự định đào thoát sang phương Tây từ lâu và cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc đào thoát là nhớ càng nhiều càng tốt những thông tin bí mật thu lượm được trong thời gian làm việc bàn giấy ở Tổng hành dinh KGB.
Anatoly Golitsyn là một món quà quý đối với CIA bởi rất nhiều thông tin mà anh ta mang theo trong đầu và một chiếc cặp khi đào thoát ở Phần Lan. Tháng 3-1962, chính người đứng đầu bộ phận phản gián trong CIA là J.Angleton cho phép A.Golitsyn sang London để trả lời các câu hỏi chất vấn của tình báo Anh.
Một thông tin mà A.Golitsyn cung cấp khiến cho phản gián Anh đặc biệt chú ý là khi ở KGB, anh ta đã nghe về “một đường dây gián điệp tối quan trọng ở Anh được gọi là Bộ Ngũ”, gồm những sinh viên học ở đại học tổng hợp và mạng lưới này đã cung cấp những thông tin tình báo cực kỳ giá trị cho phía Xô viết. A.Golitsyn không nêu được rõ tên hay thậm chí mật danh điệp viên Stanley là Kim Philby, nhưng chỉ riêng những thông tin mà anh ta cung cấp đó cũng khiến cho cuộc săn lùng gián điệp do MI5 tiến hành trước đấy lại được tiếp tục.
Nếu những thông tin do Anatoly Golitsyn cung cấp chưa đủ để các nhà điều tra Anh vào cuộc thì những thông tin do Flora Solomon, một người phụ nữ là bạn lâu năm của gia đình Kim Philby, cung cấp, đã là những mảnh ghép thích hợp cuối cùng để dựng nên một bức tranh hoàn chỉnh về hoạt động tình báo của Kim.
Flora Solomon là một phụ nữ có quan điểm ủng hộ Israel. Khi biết tin Kim Philby làm việc cho tờ Observer, Flora Solomon quyết định hành động chống lại Kim do cho rằng tờ Observer có quan điểm chống Israel. Trong một cuộc gặp gỡ ở Trung Đông với Victor Rothschild, cũng là một người bạn chung của F.Solomon và Kim Philby, F.Solomon nói: “Làm sao mà cái tờ Observer đó lại dùng một người như Kim được nhỉ? Chẳng lẽ họ không biết anh ta là cộng sản sao?”.
Victor Rothschild lắng nghe một cách cẩn thận và khi F.Solomon quay về London, đề nghị cô ta gặp một nhân viên MI5 tại căn hộ của V.Rothschild. Trong cuộc gặp này, F.Solomon khẳng định từ cuối năm 1937 và trong năm 1938, ngay trong thời gian trước khi ký Hiệp ước Munich, Kim Philby đã định tuyển mộ cô ta làm gián điệp cho tình báo Liên Xô.
Chừng đó là phản gián Anh thấy đã có đủ dữ liệu để tiếp tục lần theo dấu vết hoạt động của Kim Philby. Tuy nhiên, dù đã xác định được hầu như chắc chắn Kim Philby là điệp viên Liên Xô, nhưng vấn đề không đơn giản là bắt giữ rồi tiến hành một phiên toàn xét xử Kim tội làm gián điệp. Ngay cả khi F.Solomon khai có tuyên thệ trước tòa đi chăng nữa thì những thông tin cô ta cung cấp vẫn chủ yếu dựa trên những lời đồn đoán. Kim có thể hoàn toàn phủ nhận mọi lời buộc tội và như vậy thì bất kỳ một phiên tòa nào cũng sẽ gây nên sự bối rối nếu không kết tội được Kim, đặc biệt là khi ấy Kim vẫn còn được MI6 trả lương! Một phiên tòa như vậy sẽ là thảm họa về mặt chính trị và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Bảo thủ Anh.
Cũng có một lựa chọn khác mà phản gián Anh cân nhắc, đó là lừa cho Kim Philby quay về Anh, có thể bằng một lệnh triệu hồi của tòa soạn báo nơi Kim đang công tác, rồi ép Kim Philby phải thú tội. Tuy nhiên, phản gián Anh cho rằng Kim không đời nào lại sa chân vào một cái bẫy như vậy.
Thậm chí đã nảy sinh những phương án cực đoan hơn như bắt cóc Kim Philby từ Beirut, hoặc tiến hành thủ tiêu Kim. Tuy nhiên, với việc "Chiến tranh lạnh" đang dần được đẩy lên đỉnh cao căng thẳng, việc bắt cóc hoặc ám sát một điệp viên Xô viết có thể gây nên những hậu quả khó lường trước được. Hơn nữa, chỉ để Kim còn sống thì mới hy vọng tiếp tục phăng ra những điệp viên Xô viết đang hoạt động trong hệ thống các cơ quan mật và chính quyền Anh.
Vậy là chỉ có một lựa chọn khả dĩ duy nhất để có được lời thú tội của Kim Philby: Arthur Martin, một sĩ quan phản gián dày dạn kinh nghiệm của MI5, người chịu trách nhiệm theo sát vụ Kim Philby từ năm 1951, sẽ bay tới Beirut càng sớm càng tốt và trưng ra những bằng chứng chống lại Kim. Cuộc mặc cả sẽ diễn ra như thế này: Để đổi lấy việc không bị truy tố ra tòa, Kim Philby sẽ phải thú tội và hoàn toàn hợp tác với phản gián Anh.
(còn nữa)
YÊN BA (tổng hợp)