Cụ Hoàng Xuân Ức có 5 người con trai đều là những bậc thông tuệ, học rộng, tài cao, chí lớn. Con trai cả là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là một nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục. Người con thứ hai là dược sĩ cấp cao Hoàng Xuân Hà, nguyên Giám đốc Xưởng Quân dược Liên khu 3-4 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nguyên Vụ trưởng Vụ Dược chính, Bộ Y tế. Người con thứ ba là Hoàng Xuân Mãn (bác sĩ). Người con thứ tư là Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và người con trai thứ năm là Hoàng Xuân Bình. Những người con lớn trong gia đình họ Hoàng đều là nhà nghiên cứu khoa học với nhiều công trình nổi tiếng trên các lĩnh vực. Riêng Hoàng Xuân Bình là sĩ quan cận vệ đặc biệt, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Hoàng Xuân Bình sinh ngày 20-8-1920, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Từ tấm bé, anh là người con được cụ Tú Ức luôn tự hào là thông minh nhất nhà. Năm 1945, đang là sinh viên năm thứ ba, Trường Dược Đông Dương (ở Huế), anh được giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào thanh niên tiền tuyến của Phan Anh (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Và cũng vì thế mà đồng chí Phan Anh đã sớm nhận ra những tố chất đặc biệt trong con người Hoàng Xuân Bình và tin tưởng giao nhiệm vụ cho Hoàng Xuân Bình làm Đội trưởng Đội bảo vệ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong lễ trao kiếm ấn của Hoàng đế Bảo Đại tại Hoàng cung Huế, tháng 8-1945.
Đó cũng là cơ duyên để cựu Hoàng đế Bảo Đại có thiện cảm và quý trọng người sĩ quan của chế độ mới đẹp trai, thông thạo tiếng Pháp, lịch lãm nên khi trên đường từ Huế ra Hà Nội gặp Bác Hồ, cựu Hoàng đế Bảo Đại đã đề nghị chọn Hoàng Xuân Bình làm vệ sĩ và sĩ quan liên lạc. Trong hồi ký của Nam Phương Hoàng hậu (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, năm 1998), bà cũng từng kể lại rằng, ra Hà Nội, gặp Bác Hồ, trong thư gửi về cho vợ, Bảo Đại hết lời ca ngợi sự thân thiện, đúng mực, tinh tế trong ứng xử, linh hoạt trong xử lý công việc, trí tuệ thâm hậu của Hoàng Xuân Bình.
Tháng 11-1945, Hoàng Xuân Bình nhận nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, mang tiền Đông Dương sang Thà Khẹt (Lào) để cùng đồng chí Dương Cự Tẩm, Chính trị viên liên quân Việt-Lào tại Thà Khẹt bí mật sang Thái Lan kết nối với Việt kiều yêu nước mua vũ khí chuyển về Tổ quốc phục vụ kháng chiến. Trong Hồi ký "Đường kháng chiến" của mình, Trung tướng Dương Cự Tẩm đã dành những lời tốt đẹp để ngợi khen trí thông minh, lòng quả cảm, sức thuyết phục kiều bào của chàng trai trẻ Hoàng Xuân Bình để chuyến đi thành công mang về gần 4 tấn súng đạn cho kháng chiến.
Về nước, Hoàng Xuân Bình lại được cử vào Huế cùng đồng chí Lê Thiệu Huy làm vệ sĩ giúp Hoàng thân Souphanouvong trở về Lào lãnh đạo kháng chiến. Đầu năm 1946, Mặt trận Thà Khẹt bị vỡ, Tham mưu trưởng liên quân Lào-Việt, Lê Thiệu Huy và Hoàng Xuân Bình đưa Hoàng thân Souphanouvong lên đò ngang vượt sông Mê Công sang đất Thái. Lính Pháp đuổi theo, nã đạn liên tiếp vào con đò nhỏ. Trong hoàn cảnh đó, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình chắn đạn cho Hoàng thân và đã anh dũng hy sinh.
Gần 40 năm sau, Hoàng Xuân Bình cùng gia quyến của Lê Thiệu Huy trở lại bến đò này để đưa hài cốt của Lê Thiệu Huy về mai táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đại Nài (Hà Tĩnh) và làm hồ sơ để hai nước Việt Nam và Lào truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Lê Thiệu Huy.
Sau chuyến đi mua vũ khí, Hoàng Xuân Bình lại được giao nhiệm vụ tiếp tục sang Thái Lan vận động thanh niên Việt kiều tòng quân, xây dựng đơn vị bộ đội hải ngoại mang tên Quang Trung trở về Nam Bộ. Đầu năm 1947, đơn vị bộ đội hải ngoại Quang Trung III của Hoàng Xuân Bình hành quân về tham gia chiến đấu cùng đồng bào Nam Bộ.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai, từ trái sang) và đồng chí Hoàng Xuân Bình (ngoài cùng, bên phải) năm 1982. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
|
Ngày 5-6-1947, đơn vị của ông bị phục kích khi vượt quốc lộ gần thị xã Phụng Hiệp. Ông bị địch bắt và giam tại khám Cần Thơ. Theo Hồi ký mang tựa đề “Tên phiến loạn” của Leon Fallon, nguyên Trưởng phòng Nhì tại Cần Thơ, có một chương khá ấn tượng kể về Hoàng Xuân Bình. Hoàng Xuân Bình được Fallon mô tả: “Thông minh, dễ cảm tình”, “Người tù ấy dễ làm người ta khâm phục vì lòng tin và quyết tâm”... Fallon kể: Khi bị đưa lên để hỏi cung, Hoàng Xuân Bình rất điềm tĩnh nói bằng tiếng Pháp rành rọt, âm sắc đẹp, đại ý rằng, ông là một quân nhân, ông biết rằng quân đội Pháp hay quân đội nước nào cũng có kỷ luật rất chặt chẽ. Đó là khi bị bắt làm tù binh thì những gì anh được nói, những gì anh không được nói đã được quy định chặt chẽ, giáo dục kỹ lưỡng. Vì vậy, xin ông đừng tốn thời gian với tôi.
Những lời nói của Hoàng Xuân Bình gây được cảm tình với Fallon và thay cho các câu hỏi về những bí mật quân sự Việt Minh, hai bên đi vào trao đổi các vấn đề về văn hóa Pháp, văn hóa Việt và chuyện phiếm.
Ngày 25-5-1948, Tòa án binh Sài Gòn của thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử Hoàng Xuân Bình và ông bị gán cho tội “phản quốc”, khung hình phạt này ít nhất 15 năm khổ sai hoặc tử hình. Tuy nhiên, tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã bào chữa cho Hoàng Xuân Bình với lập luận cứng rắn: “Luật pháp của nước Pháp chỉ có thể truy tố một người vì tội phản quốc nếu người đó là người dân Pháp hay mang quốc tịch Pháp. Trong lúc đó, thân chủ tôi là công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập ngày 2-9-1945”.
Báo Dân Thanh ngày 26-5-1947 đăng bài tường thuật chi tiết vụ án Hoàng Xuân Bình và ca ngợi câu nói nổi tiếng của ông: “Nếu đặt vào hoàn cảnh nước nhà bị nô lệ và khổ sở như chúng tôi, mấy ông có đấu tranh không?”. Không đủ yếu tố pháp lý, tòa buộc phải đổi tội danh và tuyên phạt ông 3 năm tù giam.
Sau khi ra tù, ông được tổ chức bố trí công tác ở Nha Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954, ông Hoàng Xuân Bình tập kết ra Bắc và làm việc ở Nhà xuất bản Ngoại văn rồi sau đó chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong quá trình công tác, Hoàng Xuân Bình có cơ duyên với một số sự kiện chính trị đặc biệt khi là chứng nhân của hai thời khắc chuyển giao lịch sử. Đó là lễ trao kiếm ấn của Vua Bảo Đại với Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa và thu thanh buổi lễ tướng Trần Văn Trà đọc quyết định trả lại quyền công dân cho các thành viên chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập ngày 2-5-1975.
Cuộc đời của đồng chí Hoàng Xuân Bình còn có những cơ duyên kỳ thú. Chuyện ông và kẻ thù của ông-đại úy Fallon như đã nói ở trên là một cơ duyên. Chị Hoàng Thị Phương Liên, con gái Hoàng Xuân Bình, công tác tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, trong bộ phim “Cha tôi, Hoàng Xuân Bình” kể lại: Năm 1991, chị sang tu nghiệp ở Pháp, khi đến Paris chị liên lạc với ông Fallon và được ông đích thân lái xe ra tận sân bay đón. Ông Fallon trân trọng giới thiệu chị với mọi người: “Đây là con gái vị tù binh mà tôi đã viết thành sách"... Ngày tiễn chị về nước, ông Fallon gửi chị tấm ảnh chân dung của ông Hoàng Xuân Bình mà chính cha chị đã tặng ông từ năm 1949. Phía sau bức ảnh có dòng chữ: “Gửi tặng đối thủ của tôi, đồng thời cũng là người bạn của tôi-đại úy Fallon”...
Năm 1993, ông Hoàng Xuân Bình mới gặp lại Fallon trong chuyến sang Pháp thăm anh trai Hoàng Xuân Hãn. Ngay trong căn hộ nhỏ của mình, ông Fallon tự tay nấu cơm thết đãi Hoàng Xuân Bình, trò chuyện và cùng nhau đi chơi thăm thú danh lam thắng cảnh ở Pháp như hai người bạn thân. Ngày Hoàng Xuân Bình trở lại Việt Nam, Fallon tiễn ông ra tận sân bay và tặng lại một kỷ vật vô giá. Đó là cuốn nhật ký của ông từng ghi chép tại Đại hội sinh viên Việt Nam ở Nam Bộ ngày 25-5-1947. Thì ra đọc cuốn nhật ký này, Fallon đã hết sức khâm phục, quý trọng người ghi nó vì thế mà ông không báo cáo cấp trên về những hành tung kháng chiến của Hoàng Xuân Bình. Nhờ hành động này của Fallon mà những địa chỉ, bút tích của rất nhiều cán bộ lãnh đạo ở Nam Bộ khi đó không bị kẻ thù truy tìm.
Năm 2000, đồng chí Hoàng Xuân Bình qua đời, hưởng thọ 80 tuổi, khép lại một cuộc đời thầm lặng cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc. Trong thư chia buồn với gia quyến Hoàng Xuân Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “... Hoàng Xuân Bình người cựu chiến binh thông minh, quả cảm đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt...”.
Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN