GS Đào Duy Anh, hiệu là Vệ Thạch, quê ở làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) nhưng gia đình ông sinh sống ở Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp bằng Thành chung tại Trường Quốc học Huế và sau đó hành nghề dạy học. Ông tham gia hoạt động cách mạng với các nhà yêu nước như: Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Trần Đình Nam... từng soạn và dịch nhiều sách liên quan tới triết học, lịch sử, chính trị kinh tế học, văn học...

Trong cuốn sách kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội (1906-2006), GS Phan Huy Lê có bài "GS Đào Duy Anh, nhà sử học và văn hóa lớn", trong đó có đoạn viết: "Trên chặng đường dài từ năm 1928 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, GS Đào Duy Anh đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều trước tác trong nhiều lĩnh vực, từ từ điển, ngôn ngữ, văn hóa, văn học đến sử học, khảo cổ học, văn bản học, dân tộc học, địa lý học lịch sử. Ông là một học giả uyên bác với vốn tri thức mang tính bách khoa về khoa học xã hội-nhân văn, với tinh thần lao động khoa học không biết mệt mỏi biểu thị một niềm đam mê, một hoài bão lớn và một nghị lực phi thường. Bao trùm lên tất cả, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa lớn với những công trình nghiên cứu mang tính khai phá đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam".

Quả thực, chỉ điểm qua những công trình chính của GS Đào Duy Anh, ta cũng thấy ông không chỉ là một sử gia mà còn là “nhà bách khoa” trong nhiều lĩnh vực. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

leftcenterrightdel

Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988). Ảnh tư liệu 

Nói đến các công trình khảo cứu của ông, chúng ta sẽ thấy một khối lượng khổng lồ như: "Việt Nam văn hóa sử cương"; "Khổng giáo-Phê bình tiểu luận"; "Trung Hoa sử cương"; "Khảo luận về Kim Vân Kiều"; "Lịch sử Việt Nam" (giáo trình đại học); "Cổ sử Việt Nam" (giáo trình đại học); "Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam"; "Lịch sử cổ đại Việt Nam" (4 tập); "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX" (2 tập), "Đất nước Việt Nam qua các đời"; "Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến"... Đặc biệt, 3 công trình "Hán-Việt từ điển", "Pháp-Việt từ điển" và "Từ điển Truyện Kiều" đã khẳng định ông là một nhà từ điển học xuất sắc. Ngoài ra, GS Đào Duy Anh còn tham gia hiệu đính, biên dịch, chú giải cho một loạt tác phẩm văn học chữ Hán, chữ Nôm, như: "Lịch triều hiến chương loại chí", "Đại Nam thực lục", "Phủ biên tạp lục", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Nguyễn Trãi toàn tập"; "Đại Nam nhất thống chí", "Thơ chữ Hán Nguyễn Du"... Tất cả những cuốn sách của Đào Duy Anh đều rất giá trị, hữu ích đối với bạn đọc về nhiều lĩnh vực, trong đó có một công trình hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng của ông, đó là cuốn "Từ điển Truyện Kiều".

"Từ điển Truyện Kiều" là một cuốn từ điển tác phẩm (còn gọi là từ điển chuyên thư) đầu tiên ở Việt Nam. Trong "Lời đầu sách" (bản in năm 1974), Đào Duy Anh viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với "Quốc âm thi tập" là người đặt nền móng cho văn học dân tộc thì Nguyễn Du với "Truyện Kiều" lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta” và “Nhằm đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc ấy trong lịch sử của ngôn ngữ và văn học, chúng tôi trân trọng biên soạn "Từ điển Truyện Kiều" này". Đó thực sự là cuốn khảo cứu công phu mà qua đó, ta thấy giá trị của nó ở rất nhiều phương diện khác nhau.

 "Từ điển Truyện Kiều" còn là một cuốn từ điển ngôn ngữ. Từ điển ngôn ngữ (hay còn gọi là từ điển ngữ văn) bao gồm từ điển giải thích, từ điển chính tả, từ điển đồng nghĩa-trái nghĩa, từ điển đối dịch (hai hay nhiều thứ tiếng), từ điển ngược, từ điển vần... "Từ điển Truyện Kiều" không phải là cuốn từ điển tường giải như ta vẫn thấy ("Từ điển tiếng Việt", "Từ điển tiếng Anh", "Từ điển tiếng Pháp"...), tức là thu thập và giải nghĩa các từ làm nên hệ thống từ ngữ vốn có của một ngôn ngữ. Trong cuốn từ điển này, Đào Duy Anh chỉ thống kê và giải nghĩa các từ xuất hiện trong "Truyện Kiều". Qua con số khảo sát của ông, ta hình dung ra “bức tranh từ vựng” mà Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm của mình. Các từ đó, dù nhiều dù ít, có mặt ở tất cả các vần chữ cái của tiếng Việt. Nó được thống kê trước hết ở: Một là tần suất xuất hiện, hai là khả năng kết hợp (với các từ khác) để tạo nên ngữ nghĩa mới (trong đó có nghĩa tự thân và nghĩa văn cảnh), ba là nghĩa liên quan đến điển cố.

 Lấy ví dụ ở một số từ đầu tiên trong từ điển, như: Ả, ào ào, áo,... (vần A); ba, bà, bàn... (vần B); cá, cay, cành... (vần C)... đều là những từ có nét nghĩa giống như người Việt vẫn dùng. Nhưng rất nhiều từ, người Việt có dùng nhưng dùng ít và ngữ nghĩa cũng chưa thật đa dạng, sinh động trong các ngữ cảnh sử dụng. Lấy ví dụ 3 từ: "Má" được dùng tới 10 lần; "nàng" được dùng 199 lần; "hoa" được dùng 107 lần... Mỗi một từ, đến lượt mình lại phái sinh những nét nghĩa mới hoặc từ mới. Chẳng hạn, từ "má", vốn dùng chỉ “phần hai bên mặt, từ mũi và miệng đến tai và ở phía dưới mắt” (phân biệt với những bộ phận khác trên khuôn mặt: Cằm, mắt, môi, miệng, tai..), thì lại được Nguyễn Du “mở rộng kết hợp” thành những từ mới với nghĩa mới: Má đào, má hồng (chỉ cô gái đẹp, quyền quý); má phấn (má đánh phấn, thường chỉ cô gái ở lầu xanh); má hồng đánh ghen (hàm ý tạo hóa hay ghen ghét người đẹp). Hay từ "hoa", vốn là danh từ, dùng để chỉ “một bộ phận của cây, thường có màu sắc và hương thơm”. Trong "Truyện Kiều" có rất nhiều từ hoa, như: Hoa đèn (chỉ ngọn đèn tỏa sáng); hoa nguyệt (hoa và trăng); hoa quan (mũ hoa-mũ có trang trí bông hoa bằng vàng hay ngọc); hoa râm (hoa cây râm, có những sắc trắng lốm đốm); hoa rơi (người con gái đẹp bị lưu lạc); hoa tàn (người con gái đẹp phải trải qua nỗi khổ ải, nhan sắc đã suy giảm); kiệu hoa (kiệu trang điểm bằng hoa); trướng hoa (bức trướng thêu hoa, chỉ "buồng ở của phụ nữ")...

leftcenterrightdel
 Giáo sư Đào Duy Anh (ngồi giữa) trong buổi chúc mừng thượng thọ 80 tuổi (năm 1984). Ảnh tư liệu

Đặc biệt, có rất nhiều từ trong "Truyện Kiều" được cấp thêm nghĩa mới từ điển cố. Dùng điển cố là một thói quen rất phổ biến trong văn chương trước đây. Người đọc muốn hiểu từ, ngữ hay cả câu thơ, phải biết xuất xứ của chúng. Nguyễn Du đã rất tài tình khi đưa các điển cố lồng vào trong các câu thơ miêu tả sự tình. Chẳng hạn, từ “đoạn trường”, một từ rất điển hình trong "Truyện Kiều", thậm chí là từ chủ đạo, bao quát toàn bộ cuộc đời và thân phận chìm nổi của nàng Kiều. Xuất xứ của “đoạn trường” theo sử sách thì vào đời Tấn (266-420) có một vị quan tên là Hoàn Ôn. Một lần quân sĩ của ông bắt được một chú khỉ con và bỏ vào thuyền đùa giỡn. Khỉ mẹ thấy con bị bắt, liền chạy men theo bờ sông và cứ thế khóc gào. Tuy mệt và sức yếu, khỉ mẹ vẫn cố đuổi theo thuyền của quân sĩ và ráng hết sức bình sinh nhảy lên thuyền. Nhưng khỉ mẹ cũng chỉ cố gắng được đến thế. Nó gắng gượng nhìn đứa con thân yêu lần cuối rồi lăn ra chết. Quân sĩ rút gươm mổ bụng khỉ mẹ và kinh ngạc thấy tất cả ruột của nó đều bị đứt ra từng đoạn. Người đời sau dùng thành ngữ “can trường thốn đoạn” (can: gan, trường: ruột, thốn/ đoạn: đứt, có nghĩa là “ruột gan đứt từng đoạn”) để chỉ nỗi đau thương khủng khiếp, quá mức bình thường. Nguyễn Du đã rất nhiều lần dùng từ "đoạn trường" để mô tả nỗi gian truân, khổ cực khôn cùng trong cuộc đời trầm luân dâu bể của nàng Kiều. Hay là tích “chắp cánh liền cành”. Chắp cánh liền cành, hiểu rộng ra là “chim chắp cánh cùng bay, cây kết liền cành cùng sống” và câu chuyện liên quan đến xuất xứ của điển tích này cũng được Đào Duy Anh đưa vào từ điển giúp bạn đọc rõ hơn...

 Có thể nói, rất nhiều từ ngữ Nguyễn Du dùng đều liên quan tới điển cố. Đấy không chỉ là một từ ngữ bình thường mà còn là một câu chuyện, một bài học hết sức thấm thía. Đào Duy Anh đã dụng công lần lượt thống kê, mô tả với những thông số cụ thể trong "Từ điển Truyện Kiều", qua đó mà ta hiểu tác phẩm này một cách đầy đủ và sâu sắc.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH