Sắc thu Nha Trang ru hồn lữ khách và khiến cho những cựu học viên khóa 1983-1986 của Trường Sĩ quan Chỉ huy-Kỹ thuật (CHKT) Không quân (nay là Trường Sĩ quan Không quân) xao xuyến, bâng khuâng.

Đã 40 năm trôi qua, khi những bước chân đầu tiên của chúng tôi đặt trên con đường Biệt Thự để vào cổng 3 của Trường Sĩ quan CHKT Không quân, cảnh quan, con người đã thay đổi quá nhiều. Không còn những ngôi nhà phố nhỏ xinh với giàn hoa giấy rực rỡ trước cổng, thay vào đó là những tòa nhà, những căn hộ cao tầng lấp lánh trong nắng vàng. Khi xe chở chúng tôi dừng lại và mở cửa trước nhà truyền thống, mọi người nhanh chóng bước xuống đường. Một cảm giác rạo rực, lâng lâng tràn ngập trong tâm hồn những cựu học viên năm xưa. Trên một số gương mặt, đã xuất hiện giọt lệ long lanh bên khóe mắt. Chỉ ít phút giây, cựu học viên các khóa quen biết ào vào vòng tay của nhau trong niềm xúc động khôn tả. Bao ký ức về một thời trai trẻ, trắng trong, ùa đến bổi hổi trên những mái đầu muối tiêu và gương mặt hằn nhiều nếp nhăn của thời gian...         

                                                                                          *

                                                                                      *        *

Tháng 9 năm 1983, TP Nha Trang đón chào chúng tôi với mùa thu phảng phất gió heo may trên những con đường trải đầy nắng vàng. Từ ga tàu về tới cổng Trường Sĩ quan CHKT Không quân, những giàn hoa giấy đua nhau khoe sắc, khiến các chàng trai tuổi 17, 18, đôi mươi tròn mắt ngẩn ngơ. Đâu đó có vài tốp thiếu nữ mặc áo dài trắng đạp xe đi học về nhìn chúng tôi cười khúc khích. Bấy giờ, bác xích lô giới thiệu với tôi rằng: “Nha Trang không chỉ là phố biển xinh đẹp, mà còn là nơi được mệnh danh là xứ sở của hoa giấy”. Chúng tôi bước qua cánh cổng trường nằm trên đường Biệt Thự, là thấy ngay máy bay các loại ngay ngắn trên sân bảo tàng. Với tôi, đây là lần đầu tiên được nhìn tận mắt những "con chim sắt”.

Theo sắp xếp của nhà trường, lứa học viên mới khóa 1983-1986 được phân về các chuyên khoa khác nhau. Người thì về học chỉ huy tham mưu, người học các chuyên ngành kỹ thuật, hoặc học chính trị. Còn số ít anh em đã qua tuyển chọn kỹ lưỡng tại các địa phương và đủ tiêu chuẩn đào tạo trở thành phi công quân sự thì học ở Tiểu đoàn 1. Tôi được điều về Đại đội học viên 61, Tiểu đoàn 6, đào tạo để thành sĩ quan chỉ huy kỹ thuật (chuyên ngành Vũ khí hàng không). Để thực sự trở thành học viên sĩ quan không quân, chúng tôi còn phải qua một đợt kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng nữa tại trường và không ít người đã bị loại.

Những ngày đầu nhập học tại Trường Sĩ quan CHKT Không quân với chúng tôi chẳng dễ dàng gì. Đó là phải thích nghi với 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần với giờ giấc ăn, ngủ, lên giảng đường, ra bãi tập, sinh hoạt, vui chơi, tăng gia sản xuất... khít khịt. Nhiều chàng trai tơ đã phải rơi lệ khi nhớ nhà, nhớ người thương. Ngày nghỉ, mỗi tiểu đội chỉ được phát 3 giấy ra vào cổng, anh em phải bình bầu, phân chia nhau để ra phố mua sắm, thăm người thân, hay có chút thời gian ngắm biển, ngắm phố phường. Thế rồi những ngày lên giảng đường học chuyên ngành; ra bãi tập học điều lệnh, học chiến thuật bộ binh; ra sân vận động học các môn thể thao hàng không với cường độ cao, làm cho cánh học viên trẻ rất mau đói. Để rồi những buổi trưa xuống lớp là nhanh chóng cất sách vở, xếp hàng xuống bếp ăn. Và tiếng kẻng báo giờ ăn trở nên háo hức, mong chờ đến nao lòng...

leftcenterrightdel

Lớp sĩ quan Vũ khí hàng không khóa 1983-1986 bên bờ biển Nha Trang năm 1985. (Ảnh chụp lại) 

Ba năm học dưới mái trường để tiếp thu những kiến thức về kỹ thuật hàng không, trong chúng tôi hầu như chả ai tính toán là học ngành này, ngành kia tốt, ra trường sẽ có sự nghiệp phát triển cả. Tất cả đều tập trung cao độ vào học tập, rèn luyện để có được nhiều thành tích cao trong học tập, với niềm tự hào mãnh liệt: Mình là học viên sĩ quan không quân. Những giờ trên giảng đường với bao nhiêu sơ đồ, mô hình học cụ, đến thời gian thực hành trực tiếp trên máy bay ở Trung tâm thực hành, giờ đây các bảng điều khiển trong buồng lái với cả trăm nút ấn, công tắc, đồng hồ... không còn làm khó chúng tôi nữa. Đội ngũ giảng viên của nhà trường, từ các khoa như: Cơ sở cơ bản, Xã hội-Nhân văn, Chỉ huy tham mưu, Quân sự-Thể thao, đến các khoa kỹ thuật là: Máy bay động cơ, Thiết bị hàng không, Vũ khí hàng không, Vô tuyến điện tử hay Trung tâm thực hành đã tận tình truyền đạt, trang bị những kiến thức cần thiết để chúng tôi dần trở thành sĩ quan không quân phát triển toàn diện.

Tôi nhớ rất nhiều đến Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Ngọc Đỉnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan CHKT Không quân. Ông từng là phi công chiến đấu mưu trí, quả cảm, bắn rơi 5 máy bay của địch (là một trong 16 phi công Aces của Việt Nam). Khi là hiệu trưởng, Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh nổi tiếng là người có trí nhớ tuyệt vời, nghiêm khắc và chỉn chu trong công việc. Tuy không trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên, nhưng hễ phát hiện ra điều gì chưa đúng của chúng tôi là ông chấn chỉnh, xử phạt ngay. Có lần mấy cậu lớp tôi đứng trên giảng đường lỡ nghêu ngao một câu hát tự chế đúng lúc ông đi ăn cơm trưa và nghe thấy, ông yêu cầu Thiếu tá Huỳnh Trung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 quản lý học viên của chúng tôi đạp xe lên gặp ngay. Tôi nghe loáng thoáng hiệu trưởng nói với Thiếu tá Huỳnh Trung đại ý rằng, anh quản lý học viên thế nào mà để hát linh tinh như vậy? Thế là sau bữa trưa hôm đó, chúng tôi phải đứng xếp hàng gần hai giờ đồng hồ để nghe cấp trên chấn chỉnh. Rồi một số học viên bay vượt rào ra phố chơi, cũng bị hiệu trưởng phạt dọn vệ sinh và cho ra quân. Nhưng đến giờ ai cũng phải thừa nhận, chính sự nghiêm khắc của Hiệu trưởng Vũ Ngọc Đỉnh đã góp phần rất lớn để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của Trường Sĩ quan CHKT Không quân ngày đó chất lượng đến mức nào.

Tôi nhớ đến thầy Trần Bình Trọng, Trưởng khoa Vũ khí hàng không và các thầy: Hồ Ngọc Sơn, Vũ Quốc Uy hay thầy Điều, thầy Chiến, thầy Đôn, thầy Quân... là giáo viên Khoa Vũ khí hàng không, cùng nhiều thầy cô ở các khoa giáo viên luôn coi học viên của mình như con em trong gia đình mà dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, để chúng tôi trở thành người sĩ quan không quân. Những sơ đồ kỹ thuật máy bay, hệ thống mạch điện điều khiển, tổ chức thông điện kiểm tra các chế độ hoạt động của máy bay... đều được các thầy tận tụy giảng giải, hướng dẫn. Rồi có cả các cô giáo người Nga dạy tiếng Nga, các chuyên gia nước bạn hướng dẫn kỹ thuật, đã trang bị cho chúng tôi nhiều kiến thức bổ ích. Đến khi được cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi, đeo trên ve áo quân hàm sĩ quan cấp trung úy, hay thiếu úy, chúng tôi lại bâng khuâng, bịn rịn tạm biệt mái trường, đồng đội để bay về mọi miền Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Các cựu học viên sĩ quan không quân khóa 1983-1986 bên mô hình máy bay L39 tại Trường Sĩ quan Không quân (tháng 9-2023). Ảnh: HUY QUANG 

Bốn mươi năm qua, chúng tôi về lại Nha Trang đa số với tâm thế là các cựu chiến binh, chỉ còn một số ít vẫn tại ngũ. Các thầy, các cô, cán bộ quản lý cũng đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Có những người đã lìa xa trần thế như chú Huỳnh Trung, nhưng vẫn đọng lại trong tâm hồn một tình cảm dạt dào về mái trường của những cánh bay, về tình thầy trò, bạn bè, đồng chí, đồng đội sâu nặng.

Dù rất quấn quýt, bận rộn, nhưng tôi vẫn dành một khoảng thời gian đi bộ ra công viên Yến Phi, rồi xuống dạo trên bờ cát ào ạt tiếng sóng vỗ về, ngắm ban mai đánh thức cỏ cây và mặc nhiên cảm xúc dâng đầy. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vẫn còn đó hình ảnh người con gái Nha Trang có tên của loài chim yến quả cảm tự thiêu phản đối chiến tranh. Đó là một ngày đầu năm 1965, bên bờ biển hình cánh cung xinh đẹp này, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân, phật tử thuần thành Đào Thị Yến Phi mới tròn 17 xuân xanh đã ngẩng cao đầu dõng dạc lên án chiến dịch thảm sát phật tử và đàn áp phật giáo của Mỹ-ngụy rồi biến mình thành ngọn đuốc sống phản đối chiến tranh. Sau này, tượng của liệt sĩ Yến Phi đã được dựng tại nơi chị đã hy sinh. Cùng với đó, chính quyền cách mạng cũng quyết định xây dựng công viên Yến Phi dành riêng cho thiếu nhi thành phố.

Tôi dạo bước trên đường Trần Phú, ngẩng nhìn đàn chim én đang liệng từ tháp Trầm Hương, rồi đuổi nhau về phía núi Cô Tiên mà thấy lòng nao nao, xốn xang khôn tả. Tôi nhớ về những cánh bay L39 cất lên từ sân bay Nha Trang những năm trước đây, xuyên mây qua đỉnh Hòn Tre, nghiêng cánh bay về phía Diên Khánh rồi vòng xuống Phan Rang, Cam Ranh và trở về. Đó là những năm tháng tươi đẹp khi được là học viên sĩ quan không quân. Đến bây giờ khi đã trải qua cuộc đời quân ngũ, chúng tôi vẫn tự hào về Trường Sĩ quan Không quân, vẫn dành thật nhiều tình cảm cho phố biển để rạo rực về một thời đã qua và tiếp tục có những năm tháng tươi đẹp với quê hương, đất nước và với bầu trời. Để rồi câu nói của Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân lúc chia tay cứ đi theo chúng tôi suốt chặng đường về nơi sinh sống: "Mái trường sẽ luôn chào đón các anh trở về. Thành phố biển Nha Trang cũng luôn nhớ đến các anh".

Bút ký của LÊ PHI HÙNG