Theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Văn Đại, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, tôi gặp được Thiếu tá QNCN Nguyễn Tài Thắng, nhân viên Đội Tìm kiếm, quy tập (TKQT) HCLS của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, nhân dịp anh ra Hà Nội để giải quyết việc gia đình. Thế là cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra giản dị tại quán nước, dưới sự chứng kiến của bà cụ chủ quán. Trước đó, tôi mời anh Thắng đến một quán cà phê, nhưng anh bảo thích ngồi trà đá hơn.
Anh Thắng vốn là lính trinh sát của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa. Năm 2019, anh được điều về Đội TKQT HCLS hết sức bất ngờ. Tính đến nay, anh đã có 5 năm làm công việc đặc biệt này. Trong thời gian ấy, đôi chân không mỏi của anh Thắng cùng đồng đội in dấu khắp các nẻo đường của tỉnh Hủa Phăn (Lào), đi qua nhiều cánh rừng, nhiều con suối, nhiều đồi núi không tên.
Mùa khô 2023-2024, anh Thắng và đồng đội đã đi bộ hàng trăm ki-lô-mét đường rừng núi, đến 44 bản thuộc 10 huyện của tỉnh Hủa Phăn để tìm kiếm, cất bốc HCLS. Trong suốt 8 tháng ở nước bạn, các anh tìm thấy 15 HCLS ở 8 huyện: Sầm Nưa, Viêng Xay, Mường Hiệm, Mường Sỏn, Hủa Mường, Mường Ét, Xiềng Khọ, Sốp Bầu. Anh Thắng kể, tỉnh Hủa Phăn có diện tích tự nhiên khoảng 16.500km2. Hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều khó khăn. Xe ô tô chỉ đến những điểm chính, nhưng không phải loại nào cũng vào được. Chỉ những loại rất dã chiến mới vượt qua đoạn đường đất gồ ghề chạy lòng vòng qua các sườn đồi núi. Thế nên, để đến được các trận địa, căn cứ thời kháng chiến hoặc nơi từng diễn ra các trận chiến đấu ác liệt trong chiến tranh, phương tiện duy nhất là đôi chân, sức người và chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.
Quá trình hành quân, mỗi người phải mang trên lưng tư trang, lương thực, thực phẩm, phương tiện nấu ăn, đào bới và nhiều loại dụng cụ không tên khác khoảng 20-30kg. Ngày đi, đêm nghỉ. Nghỉ ở đâu là tổ chức tìm kiếm nguồn nước nấu ăn, sinh hoạt.
- Giữa rừng xanh núi đỏ, giữa mùa khô cạn kiệt, các anh tìm nguồn nước thế nào, chắc là khó lắm? - Tôi tò mò cắt ngang câu chuyện của anh Thắng.
- Vâng! Với ai chưa quen thì hơi khó đấy. Nhưng với chúng tôi thì đó là chuyện nhỏ.
Suy nghĩ một hồi, anh Thắng nói tiếp:
- Có nhiều cách tìm ra nguồn nước. Cách đơn giản là tìm các mó nước của bà con các bản người Lào, nhưng khá hiếm. Cách thứ hai khá phổ biến là tìm một con suối cạn. Chỗ nào trũng thì tập trung đào hố tụ nước. Đợi một thời gian nhất định, nước lên và trong hơn thì lấy, trữ vào các phương tiện mang theo, sau đó hòa thuốc khử trùng do quân y cấp. Đợi một thời gian rồi sử dụng.
|
|
Bữa ăn của Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa.
|
Anh Thắng lấy điện thoại, tìm một clip rồi đưa cho tôi xem. Trong chiếc hố các anh đào sâu vài chục cen-ti-mét giữa lòng suối cạn là thứ nước màu nâu lẫn bùn đất. Nhìn cảnh đó, tôi thấy sống mũi cay cay. Ở giữa những cánh rừng bên đất Lào, những người đi tìm HCLS chỉ có thể sử dụng loại nước được lọc tạp chất bằng phương pháp thủ công, thô sơ nhất.
Ấy nhưng, khó khăn đó chỉ là vặt vãnh. Những lần tìm kiếm HCLS cuối mùa khô rất nguy hiểm. Gặp mưa, lực lượng tìm kiếm rất dễ bị cô lập, không xác định thời gian về. Các anh phải tiết kiệm từng hạt lạc, ít cá khô trong khẩu phần ăn dự trữ, chờ mưa ngớt mới cắt rừng về nơi tập kết. Bị mưa cô lập ở bản thì cũng không khả quan hơn. Bà con bản địa rất nghèo và sử dụng phương thức tự cấp, tự túc là chủ yếu nên cũng không có nhiều điều kiện giúp bộ đội Việt Nam. Họ chỉ bán gia cầm, thủy cầm khi chúng không còn khả năng sinh sản. Tìm mua được loại thực phẩm như thế rất khó.
Nghe câu chuyện, bà cụ bán nước thở dài thương cảm!
Anh Thắng nói:
- Đã thấm gì đâu, cụ ơi! Chúng cháu phải vượt qua những đoạn đường dốc ngoằn ngoèo có nơi lên đến 50-60% là chuyện thường. Đi tìm HCLS, chúng cháu phải "chiến đấu" với ruồi vàng, bọ chó. Mỗi lần nó đốt gây ngứa ngáy khó chịu, ai nấy nhảy cẫng như phát điên, “gảy đàn” đến trầy da tróc vẩy là chuyện cơm bữa.
- Thế các anh ngủ thế nào? - Bà cụ thắc mắc.
- Cách ngủ cũng đơn giản nhất có thể, cụ ạ. Nếu nghỉ trưa thì chỉ cần trải tấm ni lông ra nền rừng và đánh một giấc. Nếu nghỉ qua đêm thì phải mắc tăng võng.
Câu chuyện của anh Thắng khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Nếu như ở nhà, sau một ngày lao động, chúng ta quăng mình vào chăn ấm nệm êm. Mùa hè thì có điều hòa mát lạnh. Mùa đông thì có thêm máy sưởi ấm. Còn những người đi tìm đồng đội như anh Thắng thì chẳng có gì ngoài chiếc tăng, võng. Với họ, đêm trong rừng già mà được thấy ánh sáng của đèn hay được ngồi trước luồng gió mát của quạt điện là ước mơ xa vời. Những ngọn nến mà các anh mang theo chỉ đủ phục vụ nhu cầu tối thiểu và còn phải dành cho những việc đột xuất chờ ở phía trước.
Ấy nhưng, những khó khăn ấy chẳng là gì trong thực hiện nghĩa cử cao cả mà các anh canh cánh mang trong mình như một mệnh lệnh trái tim. Đó là công việc không dành cho những người thiếu tính kiên trì, thiếu bản lĩnh và nản lòng trước thất bại.
Rồi anh Thắng tâm tình, nhân dân Lào rất quý bộ đội Việt Nam. Khi đi làm nương, nếu phát hiện các di vật của bộ đội tình nguyện Việt Nam thời chiến tranh là họ báo với chính quyền ngay. Anh Thắng hỏi tôi đoán xem những người đi tìm kiếm đồng đội sợ nhất là gì? Chưa cho tôi suy nghĩ và trả lời, anh Thắng đã nói, điều sợ nhất là nhận được thông tin không chuẩn xác.
Anh giải thích, thường thì HCLS nằm lại trên đất bạn Lào không có sơ đồ mộ chí. Việc phát hiện, dẫn đường chủ yếu dựa vào nhân dân, trong khi những người biết thông tin chính xác đã già yếu, trí nhớ giảm; nguồn thông tin chủ yếu là nghe thế hệ con cháu kể lại, hoặc người dân đi làm nương rẫy, săn bắn phát hiện di vật, mô tả lại. Do vậy, độ chính xác của các thông tin về mộ liệt sĩ không cao. Nhưng trước thông tin được cung cấp, nếu không đi thì không thể an lòng.
|
|
Phút nghỉ giải lao dọc đường của Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Thông tin mộ chí chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, rừng núi, nơi có các cứ điểm trọng yếu trong chiến tranh, như: Pha Thí, sân bay Nong Khạng, sân bay Na Kut, Na Khằng, sân bay Cò Hay, các điểm cao: Phu Kum, Phu Lơi, Phu Tre, Rừng Ma. Một số khu vực trước đây là bệnh viện mặt trận, các khu căn cứ hậu cần phía sau của các đơn vị... ở địa bàn các huyện: Mường Hiệm, Mường Sỏn, Hủa Mường, Viêng Xay, Mường Quắn, Xiềng Khọ...
Tuy nhiên, ngoài những thông tin giá trị thì có không ít thông tin không chính xác. Mùa khô năm 2022-2023, anh Thắng và đồng đội mất tới hơn nửa tháng tìm kiếm trên đỉnh một quả núi, nhưng điều không mong muốn vẫn đến.
Chuyện là, đầu tháng 2-2023, từ một nguồn tin cung cấp bởi người đi rừng, Đội tổ chức lực lượng hành quân vượt 180km đường ô tô từ Sầm Nưa đến bản Khuôn Ngua của huyện Mường Hiệm. Sau khi nghỉ một ngày tại đây để lấy sức, Đội hành quân bộ 3 ngày mới tới được địa chỉ xác định có mộ chí. Đó là một trận địa cũ còn ngổn ngang các loại vũ khí, đạn, phương tiện chiến đấu trong chiến tranh.
Những ngày sau, toàn Đội phải dò gỡ mìn, vật cản tồn sót và tiến hành đào các rãnh từ rìa vào trong tâm trận địa có kích thước 60x60cm. Ngay sau khi đào được khoảng 10m thì triển khai các rãnh thứ hai. Các rãnh cách nhau 50-60cm. Gần một tuần đào bới và tìm kiếm hết sức thận trọng, có những lúc các anh tưởng thu được kết quả khi chạm vào các di vật cá nhân Quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu ở đây, nhưng xác minh kỹ lưỡng thì không phải. Đó chỉ là những đồ vật bị rơi, hoặc bị bỏ lại khi trận chiến đấu kết thúc. Anh Thắng và đồng đội cho rằng, có thể trước lúc rời trận địa, HCLS đã được thu gom đưa ra phía ngoài chôn cất. Cuối cùng, các anh lại vượt núi, cắt rừng về vị trí tập kết ở bản Khuôn Ngua để tiếp tục hành trình đến địa chỉ mới.
Trong lúc anh Thắng kể nốt câu chuyện, mây đen từ đâu ùn tới, bầu trời báo hiệu cơn mưa lớn. Tôi đành tạm chia tay Thiếu tá QNCN Nguyễn Tài Thắng và hẹn sẽ gặp lại vào mùa khô năm sau, để được nghe anh kể nhiều chi tiết hơn về công việc đầy nhân văn này.
Những bước chân của các anh ở cánh rừng, ngọn núi trên đất Hủa Phăn cứ khiến tôi thao thức khôn nguôi!
XUÂN QUỲNH