Cà Mau gần lại

Chúng tôi trở lại mũi Cà Mau, mảnh đất chót vót tận cùng phía Nam trên đất liền của Tổ quốc khi mùa xuân Quý Mão đang đến rất gần. Con đường nhựa êm ru từ TP Cà Mau về đất mũi khiến cho khoảng cách dường như ngắn lại.

Nhớ lại 13 năm trước, vào dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Dần (năm 2010), tôi được theo đoàn công tác của Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI của Đảng đến tìm hiểu thực tế tại Cà Mau. Đoàn do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI dẫn đầu. Hồi đó chưa có đường ô tô đến mũi Cà Mau, đoàn công tác phải đi bằng xuồng máy. Trên đường về mũi Cà Mau, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về vùng đất này. Đồng chí cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau kể rằng, Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tới 3 mặt giáp biển. Cà Mau theo tiếng Khmer có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng của sông nước vùng này trước kia do lá tràm bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau vốn là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Chính vì lẽ đó, từ thuở xưa đã có câu ca dao: “Cà Mau là xứ quê mùa/ Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”.

Đến thăm nhân dân xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với bà con những khó khăn đặc thù của xã cực Nam Tổ quốc, ghi nhận những kiến nghị chính đáng của nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là những khó khăn chung với nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau. Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ và nhân dân xã Đất Mũi; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 680 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) và Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý về phương án giảm nghèo, làm giàu bền vững của bà con nhân dân như phát triển hàng hóa đặc sản mà Cà Mau có thế mạnh, làm du lịch cộng đồng, liên kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp...

13 năm sau, những gợi ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hiện thực sinh động ở Cà Mau.

13 năm trước, khách du lịch đến mũi Cà Mau bình quân hằng ngày rất ít, nay thì nườm nượp. Các xe điện phục vụ du khách tham quan đất mũi luôn chật kín. Nếu như trước kia chỉ có biểu trưng hình ảnh mũi Cà Mau mô phỏng theo câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” và mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 thì nay ngoài hai biểu trưng đó (đã được xây dựng và tu bổ lại rất đẹp) còn có rất nhiều địa điểm “check in” yêu thích của du khách như: Cột mốc Đường Hồ Chí Minh-điểm cuối Cà Mau, Km 2436; cột cờ được thiết kế mô phỏng Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau; đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ... Đặc biệt, biểu tượng con cua Cà Mau được mô phỏng với kích thước lớn, mang màu sắc, hình dáng y như con cua thật khiến du khách rất thích thú, hào hứng.

Không chỉ có đất Mũi, rất nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau đã được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cải tạo hệ thống đường thủy nên việc đi lại thuận lợi hơn. Vì thế, một thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi đã ngẫu hứng “sửa lời” bài hát nổi tiếng “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn rằng: “Xưa nói Cà Mau xa lắm/ Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/ Đến nay Cà Mau đã khác/ Cà Mau giờ đây rất gần...”.

leftcenterrightdel

Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu 

Làm giàu trên vùng đất khó

Cùng các đồng nghiệp của Báo Cà Mau đến thăm những vùng đất trước kia được mệnh danh là “vùng khó khăn”, chúng tôi ngạc nhiên và thán phục trước cách thức làm ăn mới của bà con nơi đây. Tại huyện Thới Bình, bà con có sáng kiến kết hợp nuôi tôm với trồng lúa đặc sản ST24, ST25. Cả con tôm và lúa đều là sản phẩm hữu cơ rất sạch, bán được giá. Ở huyện Trần Văn Thời có cơ sở sản xuất chuối khô Bảy Hoàng tận dụng nguồn nguyên liệu chuối xiêm tại địa phương phát triển thành công sản phẩm chuối xiêm ép khô và được công nhận OCOP 4 sao, trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Huyện U Minh và Ngọc Hiển phát triển việc nuôi cua đặc sản và mô hình du lịch sinh thái.

Trên đường về đất Mũi, chúng tôi gặp những ruộng bồn bồn xanh tươi ngút ngàn trải dài. Hàng quán bán các loại đặc sản vùng đất phương Nam, trong đó dưa bồn bồn (ngâm muối), bồn bồn tươi luôn được du khách chọn mua làm quà khi đến vùng đất này. Bồn bồn vốn hoang dại dễ trồng, cắm xuống đâu là đâm rễ, vươn mình phát triển mạnh mẽ đến đó. Nay cây bồn bồn đã trở thành một trong những loại cây làm giàu cho nơi đây. Trồng bồn bồn không cần phân bón vô cơ, không lo nắng hạn, lũ ngập, quanh năm suốt tháng cho ra sản phẩm. Ruộng trồng bồn bồn còn được kết hợp nuôi cá lóc, cá thát lát... Ông Nguyễn Văn Bằng ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết, so với trồng lúa, trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá cho thu nhập gần gấp đôi.

Huyện U Minh, một trong những “địa chỉ đỏ” của bộ đội ta trong những năm kháng chiến, hội đủ tiềm năng, lợi thế là nơi có "rừng vàng, biển bạc", thế nhưng trong quá khứ, U Minh từng được ví là "túi nghèo" của Cà Mau. Chục năm gần đây, bằng các cơ chế, chính sách mới, U Minh khai thác được tiềm năng về điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện khuyến khích người dân trồng rừng theo phương pháp mới-thâm canh kê liếp, kết hợp nuôi cá đồng; trồng rừng, gác kèo ong trên cùng diện tích... mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Những trà lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả đã được bà con tiến hành cải tạo thành các ao nuôi cá đồng, trồng bồn bồn, trồng chuối... Thương lái chạy xe đến tận nhà thu mua nông sản, nhờ đó mà bà con có thu nhập hằng ngày, từng bước thực hiện giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

“Cắt đuôi cái nghèo đeo bám”

Hơn chục năm về trước, Cà Mau là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ đói, nghèo lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu của UBND tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Cà Mau có tới 35.451 hộ nghèo, chiếm 12,14% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Bằng nhiều giải pháp tổng hợp và quyết liệt, Cà Mau đã “cắt đuôi cái nghèo đeo bám” và vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2016-2020, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,94% xuống còn 2,52%, bình quân giảm 1,9%/năm, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (bình quân hằng năm 1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của Cà Mau đầu kỳ 2022-2025 (theo tiêu chí mới) là 9.569 hộ, chiếm 3,12%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,26%. Tỉnh đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hằng năm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%...

Năm 2022 là một trong những năm không thuận lợi về mặt thời tiết nhưng bà con Cà Mau vẫn bội thu trên nhiều lĩnh vực. Đến Cà Mau lần này, tôi được các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho đi thăm một số gia đình nông dân tỷ phú. Không ngờ ở các làng quê giờ đây có nhiều tỷ phú thế. Chỉ tính riêng Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú xã Tân Thành (TP Cà Mau) cũng đã có vài chục người. Theo số liệu của Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 366.900 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ đồng trở lên. Nông dân Cà Mau đã thực hiện hiệu quả các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm, cua kết hợp; nuôi cá chình, cá bống tượng; sản xuất đất sạch NaTa và trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel; trồng dưa hấu và trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP; trồng rau màu an toàn trong nhà lưới, trên sân thượng; trồng nấm bào ngư...

Xuân Quý Mão 2023 này, Cà Mau như được thay áo mới khi sắc trời đất phương Nam xanh ngắt với những mùa vụ mới, công trường mới rộn ràng sông nước... Sức vươn lên của Cà Mau đã được hình tượng hóa bằng hình ảnh cánh buồm đang căng lên trong gió, đưa mũi tàu Cà Mau hùng dũng vươn ra biển khơi...

Ghi chép của ĐỖ PHÚ THỌ