Ấn tượng về đất và người

Năm 2004, trên chuyến tàu chuyển quân và chở hàng ra quần đảo Trường Sa dịp cuối năm, tôi có quen một người con của đất Triệu Sơn (Thanh Hóa). Phải nói, qua câu chuyện về quê hương và gia đình của những người lính, nhất là lính đảo thường để lại ấn tượng mạnh cho người nghe. Chuyện là, năm 1990, đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ra Hà Nội nhập học được chừng một học kỳ thì anh bỏ ngang vì không thể chịu được cái cảnh cả gia đình phải ăn rễ khoai để dành tiền cho một mình anh ăn học. Vậy là, thay vì lên giảng đường, anh ra “chợ người” lúc đó ở đầu đường Giảng Võ (Hà Nội) tìm việc làm rồi chắt chiu từng đồng gửi về cho gia đình. Nhờ đó mà các em của anh ở quê tiếp tục được đi học. Sau này, thi đỗ vào Học viện Hải quân, anh lại dành dụm tiền phụ cấp nuôi các em học đại học... Còn nhớ, lúc đó nghe xong câu chuyện, chúng tôi đã trầm trồ khâm phục ngợi khen, nhưng anh lại bình thản nói: Ở xóm anh ai cũng vậy!

Chuyện vốn bâng quơ, giết thời gian rỗi rãi trong hải trình nhưng gây xúc động cho người nghe. Qua câu chuyện, tôi rút ra được hai điều. Một là bản lĩnh người Triệu Sơn thật đáng nể, hai là quê hương anh nghèo quá!

leftcenterrightdel

Người dân tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Nưa - Am Tiên. Ảnh: QUANG HÒA

Mấy năm gần đây, huyện Triệu Sơn đổi mới đi lên rất nhiều. Nhà báo Lê Quang Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đưa chúng tôi đi thăm nông thôn mới. Anh kể về những mô hình kinh tế nổi bật của Triệu Sơn với niềm xúc động. Cách đây chừng 10 năm, ở Triệu Sơn rộ lên mô hình nuôi thỏ. Thời ấy, giá thỏ giống tuy không cao nhưng nhiều hộ gia đình cũng không mua nổi. Vậy là nhiều xã nổi lên một phong trào tự phát, ấy là chia sẻ những cặp con giống, chia sẻ phương pháp chăn nuôi, thậm chí bao tiêu sản phẩm cho các hộ nghèo.

Sau này phong trào phát triển thành mô hình “kết nghĩa thoát nghèo” để phát triển tăng gia sản xuất. Hiện mô hình này đã phát triển ra cấp vùng, ví như huyện Triệu Sơn kết nghĩa với hai huyện: Lang Chánh, Nông Cống để giúp nhau thoát nghèo. Cùng với sự mở rộng của TP Thanh Hóa, nhiều địa phương lân cận rộ lên câu chuyện “bán đất” lấy tiền đầu tư trước mắt. Người Triệu Sơn thì nghĩ khác, họ bảo nhau giữ đất vì rằng cơ sở hạ tầng càng phát triển thì tài nguyên đất càng quý. Quả vậy, nông dân Triệu Sơn chuyển hướng vật nuôi, cây trồng theo hướng tạo ra giá trị cao, nhìn lại càng thấy quý hóa tài nguyên đất.

Khi nghe tôi kể những trải nghiệm và ấn tượng của mình về đất và người Triệu Sơn, đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn nói: “Huyện Triệu Sơn xác định lợi thế từ tiềm năng con người. Huyện sẽ dựa vào tiềm năng này để phát triển. Hiện, lợi thế này đã được Huyện ủy đưa vào nghị quyết, theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Triệu Sơn đạt hơn 75,5%”.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Sơn bắt đầu với những khó khăn chồng chất khi khởi điểm bình quân 5,3 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1/4 dân số; có 4 xã miền núi đặc biệt khó khăn. Nhưng cũng chính từ trong gian khó, người Triệu Sơn càng thêm đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chung sức, đồng lòng tạo nên những thành công. Hiện tại, huyện đã có 33/33 xã, thị trấn đạt nông thôn mới, trong đó 6 xã là xã nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ xây dựng nông thôn mới nâng cao vào trước năm 2024, tuy nhiên Thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm “chuyển hướng chiến lược”, đó là xây dựng đô thị loại 4 vào trước năm 2030, để theo sát sự phát triển của TP Thanh Hóa cũng như cả nước.

Khơi dậy hào khí “Na Sơn thần tốc”

Bước “chuyển hướng chiến lược” cũng như tầm nhìn về một không gian đô thị Triệu Sơn có cơ sở thành hiện thực dựa trên nhiều yếu tố. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động... để khơi dậy niềm tin và lan tỏa trong nhân dân. Huyện Triệu Sơn về đích nông thôn mới năm 2020, sớm trước một năm so với kế hoạch ban đầu. Đây chính là tiền đề để hệ thống chính trị xác định mục tiêu xây dựng đô thị loại 4. Bởi những lợi thế rất rõ ràng, trước hết là tiềm năng con người; thứ đến là điều kiện địa lý gần các trung tâm du lịch, đô thị lớn; và cuối cùng là cơ sở hạ tầng. Mới đây, Huyện ủy Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết 12 vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông. Theo đó, những đường xóm ngõ sẽ được mở rộng 4,5m; đường liên thôn 6,5m; đường liên xã trên 10,5m. Qua thời gian thực hiện (từ tháng 8-2022 đến nay), Nghị quyết 12 được nhân dân nhiệt tình ủng hộ với tổng diện tích đất được hiến lên đến 22ha và 240km đường được mở rộng.

leftcenterrightdel

Lễ hội Ngàn Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: QUANG HÒA

Sự lan tỏa, đi vào cuộc sống của Nghị quyết 12 đem đến cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn niềm tin và gợi mở đến những mục tiêu cao và xa hơn. Đó là xác định tính chất của đô thị tương lai và để đạt mục tiêu đó, ngay từ bây giờ phải có quy hoạch về ngành nghề. Đồng chí Lê Văn Tuấn nói: “Theo tầm nhìn của huyện, Triệu Sơn sẽ là đô thị có tính chất của đô thị du lịch, dịch vụ và công nghiệp thân thiện với môi trường. Khi đề ra mục tiêu này, chúng tôi có cơ sở để tin tưởng điều đó trở thành hiện thực. Bởi với những tiềm năng, lợi thế sẵn có như giao thông, cơ sở vật chất, quỹ đất và nhất là con người, huyện Triệu Sơn hoàn toàn có quyền lựa chọn những nhà đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị tương lai”.

Lấy ví dụ về công nghiệp, huyện đã kêu gọi những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, chế tạo và những ngành nghề kỹ thuật cao tạo ra thu nhập tốt. Trong lĩnh vực du lịch, huyện mong muốn được chào đón những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư chuyên nghiệp và toàn diện... Hay các ngành khác như hậu cần, vận tải, thương mại, huyện cũng ưu tiên những doanh nghiệp lớn. Để thu hút những nhà đầu tư chất lượng, huyện cam kết giải quyết thủ tục hành chính, đồng hành với doanh nghiệp. Hiện tại, huyện tăng cường tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà đầu tư; đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà tư vấn.

Lý giải cho sự táo bạo của Triệu Sơn, nhiều người cho rằng đó là bản lĩnh của con người nơi đây đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Từ thời Bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc Ngô, nghĩa quân từ núi Ngàn Nưa cho đến những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, Triệu Sơn là nơi luyện quân của những sư đoàn chủ lực, thiện chiến của Quân đội ta như: Sư đoàn 325, 338... Truyền thống cần cù, bất khuất, kiên cường trên quê hương của những phong trào: “Na Sơn nổi gió”, “Na Sơn thần tốc”, nơi từng vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về thăm, như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh... một lần nữa được phát huy trong thời kỳ mới.  

ĐÔNG LÊ