Đa dạng lợi thế, tiềm năng...
Ngày cuối tuần, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) khá đông du khách tham quan, tìm hiểu địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi ghi dấu tinh thần quật cường, dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ngoài những hình ảnh, tư liệu lịch sử được trưng bày thống nhất, trang trọng, khu di tích còn được chỉnh trang, nâng cấp, tu bổ hệ thống cảnh quan, cây xanh, hoa cảnh đẹp mắt.
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên Nguyễn Thị Thanh Tuyền: Từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng tấn công thành Gia Định (1859), nhân dân Hóc Môn-Bà Điểm đã liên tục tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trương Định, Trương Quyền, Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá. Sau Ngày thành lập Đảng (3-2-1930), vùng Hóc Môn-Bà Điểm được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 và là nơi Trung ương Đảng tổ chức 5 lần hội nghị quan trọng. Đặc biệt, tại Hóc Môn đã diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ quyết định Khởi nghĩa Nam Kỳ. Dù chưa thành công nhưng cuộc khởi nghĩa khẳng định lòng yêu nước và niềm tin son sắt của nhân dân Nam Bộ nói chung, đồng bào, chiến sĩ Hóc Môn-Bà Điểm nói riêng, đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã dựng lên 3 trường bắn để tử hình nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó có trường bắn lập ở Ngã ba Giồng. Tại đây, chúng đã sát hại các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng; Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và hàng trăm đồng bào, chiến sĩ yêu nước khác.
|
|
Một góc Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng. |
Với tấm lòng tri ân, tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng và đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và Huyện ủy, UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo hoàn thành dự án xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng. Đây là công trình mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử với các giá trị vật thể và phi vật thể, gồm các cụm tượng đài, di tích, đầm sen, vườn hoa, bãi cỏ, rặng tre và cả những vườn cau, trầu xanh mướt... tạo thành một quần thể di tích, một khu tham quan du lịch vô cùng ý nghĩa trên địa bàn huyện Hóc Môn...
Nếu như trong chiến tranh, người dân Hóc Môn một lòng theo Đảng, kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm, hình thành “vành đai đỏ” của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, thì trong xây dựng hòa bình, Hóc Môn trở thành một phần “vành đai xanh” bảo vệ môi trường trung tâm thành phố. Theo nhận định của TS Lê Hữu Phước, chuyên gia sử học, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Với lợi thế về diện tích đất nông nghiệp, cây xanh, sông ngòi, vị trí địa lý, tự nhiên... và đặc biệt là truyền thống văn hóa, lịch sử, hệ thống đình, chùa, miếu hàng trăm năm tuổi, có kiến trúc độc đáo cùng nhiều điểm đến hấp dẫn, Hóc Môn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách thập phương.
Hiện tại, huyện Hóc Môn có 9 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia và cấp thành phố cùng nhiều địa danh lý tưởng, như: Cánh đồng hoa Nhị Bình, Dinh Quận Hóc Môn, Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn... Những di tích, địa danh này là một phần trong tổng hòa giá trị đặc trưng của vùng đất “18 thôn vườn trầu”. Lợi thế, tiềm năng và đặc trưng ấy còn được thể hiện trong văn bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng, do GS Vũ Khiêu lúc sinh thời đã viết: Thuận dòng tấp nập, kênh rạch ven đô/ Xuôi hướng dọc ngang, tàu xe xuyên Việt/ Phối hợp cùng Gò Vấp, Sài Gòn, Chợ Lớn: địa giới liền kề/ Chung sức với Long An, Bình Dương, Tây Ninh: vùng ven kế tiếp... Bởi vậy, việc khơi dậy giá trị, tiềm năng “vành đai đỏ”, “vành đai xanh” và vị trí địa lý, tự nhiên để phát triển kinh tế, du lịch là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của huyện Hóc Môn hướng tới mục tiêu trở thành đô thị sinh thái trong tương lai.
|
|
Học sinh tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng được hướng dẫn kỹ thuật têm trầu. |
Khơi dậy lợi thế, tiềm năng
Mặc dù giàu lợi thế, tiềm năng và giá trị lịch sử, văn hóa nhưng Hóc Môn cũng gặp không ít thách thức từ nội tại và tác động khách quan. PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng: Giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Hóc Môn là vô cùng lớn, thuận lợi để khai thác phát triển kinh tế, du lịch, nhưng thách thức cũng không nhỏ bởi tác động của quá trình đô thị hóa và một số điểm giao thông chưa được đầu tư nâng cấp. Cho nên, vấn đề quan trọng là quá trình phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa theo định hướng phát triển thành đô thị sinh thái phải gắn với quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, bảo tồn di tích, lưu giữ bản sắc văn hóa; phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để chuẩn bị cho mục tiêu phát triển đô thị sinh thái, những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Hóc Môn tăng cường chuẩn hóa nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức của huyện cơ bản có năng lực, trách nhiệm, tận tụy với công việc và có kỹ năng tiếp cận khoa học-công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính quyền đô thị. Các ngành, các cấp trong toàn huyện tích cực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, hoạch định chiến lược phát triển dài hạn. Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, với đặc thù và lợi thế hiện hữu, Hóc Môn cần khai thác tốt giá trị “vành đai xanh”, đánh giá kỹ vai trò của nông thôn trong đô thị, giữ lại một phần “tam nông” và phát huy giá trị “vành đai đỏ” thông qua các di sản lịch sử, văn hóa. Điều cần làm là đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, quảng bá mạnh mẽ di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và những điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách; kết nối giao thông thuận tiện giữa các di tích với những địa danh giải trí mang đặc trưng của Hóc Môn-Bà Điểm. Cùng với đó, phải chuẩn bị nhân lực có chuyên môn cao về du lịch sinh thái đáp ứng định hướng quy hoạch tổng thể cửa ngõ Tây Bắc TP Hồ Chí Minh.
|
|
Học sinh tham gia thi vẽ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng. |
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, huyện cần ưu tiên dự án du lịch sử dụng nhiều diện tích đất để tạo cảnh quan thoáng, đẹp và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thông minh; khuyến khích các chủ thể tham gia du lịch ứng dụng phần mềm làm công cụ để giới thiệu, quảng bá du lịch nói chung và các chương trình du lịch kết nối các điểm đến trên địa bàn huyện nói riêng; đồng thời nghiên cứu giải pháp phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm đường bộ và đường sông; du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm trồng trọt và một số công việc của nhà nông... để tạo dấu ấn, thu hút du khách.
Mới đây, UBND huyện Hóc Môn phối hợp với UBND huyện Củ Chi và quận 12, quận Gò Vấp tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch, hướng đến xây dựng tour du lịch liên quận, huyện. Chuyến khảo sát nhằm rà soát và phát huy các tài nguyên du lịch tiềm năng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Trong đó, huyện Hóc Môn có hai địa chỉ là Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng và Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn nằm trong ý tưởng kết nối hành trình du lịch “Gò Môn”. Đây được coi là một động thái tích cực tiếp tục cụ thể hóa đề án phát triển du lịch huyện Hóc Môn, tầm nhìn đến năm 2030.
Bài và ảnh: YẾN LONG - THANH TUYỀN