Bỏ ngàn đô-la để được làm... nông dân

Nắng sớm đã kịp phủ vàng ruộm trên cánh đồng Cẩm Châu, cách trung tâm phố cổ Hội An không xa. Những bông lúa nặng trĩu uốn móc câu. Thấp thoáng bóng áo nâu nhà nông chuẩn bị cho mùa bội thu. Đó là khung cảnh quen thuộc nơi đồng ruộng Hội An. Điều khác lạ là những nông dân đó không phải là... nông dân. Họ là những du khách giàu có từ Mỹ, bỏ cả ngàn đô-la bay sang Việt Nam, ở khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế và ước ao một lần được cầm cây liềm gặt lúa, được leo lên lưng trâu rong ruổi trên bờ ruộng...

leftcenterrightdel
Bỏ ngàn đô-la để được trải nghiệm cảm giác “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. 

 

Vợ chồng bà Elizabeth Susan là những người đầu tiên bước xuống ruộng. Gương mặt rạng rỡ, bà cho biết: “Trước khi đến Hội An, tôi mường tượng đó chỉ là một đô thị cổ đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Đến đây, được biết có tour du lịch làm nông dân, vợ chồng tôi vô cùng hào hứng. Tôi sắp được biết cảm giác cắt những cây lúa như thế nào. Gặt lúa xong, vợ chồng tôi sẽ được cưỡi trâu nữa”.

Với những du khách Âu-Mỹ, công việc nhà nông ở Việt Nam là một điều xa lạ. Vì thế, việc được trực tiếp lao động như những nông dân “một nắng hai sương” đem lại cho họ nhiều trải nghiệm rất mới, rất phấn khích. Rất nhiều việc nhà nông như: Phơi thóc, phơi ngô, đi làm ruộng, cuốc đất, cấy lúa, gặt lúa, đập lúa sau khi thu hoạch... đều từng được các vị khách nước ngoài thử nghiệm. Họ luôn sẵn sàng rời bỏ hình ảnh du khách “sang chảnh”, ở khách sạn xịn, để “chân lấm tay bùn”. Đặc biệt, cưỡi trâu là một trải nghiệm đáng nhớ với bất cứ du khách nào. Emanuel Collier, du khách người Pháp cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi trên lưng một con trâu. Thật ấn tượng! Hội An có rất nhiều thứ đáng khám phá. Tôi sẽ còn trở lại”.

leftcenterrightdel
Cấy lúa - hoạt động trải nghiệm ấn tượng với du khách nước ngoài. 

 

Nắm bắt được nhu cầu của du khách, những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ở Hội An ngày càng nở rộ. Thậm chí, loại hình du lịch này đã được một số công ty lữ hành tổ chức rất chuyên nghiệp thành tour cố định. Chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng ưu tiên, tạo điều kiện mở rộng du lịch nông nghiệp vì vừa thu hút được thêm du khách, tăng doanh thu vừa tôn vinh văn hóa và bảo vệ môi trường.

Tiềm năng lớn - hạn chế nhiều

Du lịch nông nghiệp thực chất là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa, con người giữa đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương. Du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, người nông dân và cảnh quan nông thôn. Loại hình này có thể cung cấp trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn cũng như mang tính giải trí và giáo dục.

Việt Nam, với một nền nông nghiệp lâu đời, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp. Thực tế, trải dài trên địa bàn cả nước, các sản phẩm du lịch nông nghiệp đã và đang hấp dẫn du khách như: Tour tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang); hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); canh nông ở Đà  Lạt (Lâm Đồng)...

Tại các điểm du lịch trên, lượng du khách tăng đều qua mỗi năm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, du lịch nông nghiệp đang ngày càng góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Bằng cách đưa các yếu tố giáo dục vào trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du khách sẽ hiểu sâu hơn về truyền thống và văn hóa cũng như tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, thúc đẩy mối liên hệ có ý nghĩa hơn với điểm đến.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của du lịch nông nghiệp Việt Nam hiện tại là khả năng khai thác. Về điểm đến, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa tạo thành một sản phẩm có thương hiệu. Về chủ thể sở hữu tài nguyên, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa được đào tạo các kỹ năng để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp. Trong khi các sản phẩm du lịch nông nghiệp vừa ít vừa không mang nhiều giá trị để có thể khiến du khách tăng khả năng chi tiêu. Mặt khác, hoạt động quảng bá và tiếp thị cho du lịch nông nghiệp được coi là chưa đủ và chưa chuyên biệt. Những chiến lược hiện tại chủ yếu tập trung vào quảng bá du lịch nói chung mà bỏ qua sức hấp dẫn riêng của các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Du khách nước ngoài hào hứng với việc bắt cá.

 

Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam”, du lịch nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng, được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Du lịch được đánh giá là có khả năng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp cần phải giải quyết những vấn đề hạn chế đã nêu ở trên. Mặt khác, đặc biệt quan tâm việc xây dựng một quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước cho loại hình du lịch này. Quy hoạch sẽ phân chia các vùng du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên của mỗi vùng. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp chuyên biệt, có thương hiệu. Và khi kết nối các vùng với nhau, sẽ có được một bản đồ du lịch nông nghiệp toàn quốc đặc sắc, có khả năng thu hút và giữ chân du khách.

 NGỌC MỸ