Treo trên cái cây sào được người miền Tây gọi là cây bẹo ấy là cả... miền Tây Nam Bộ. Ấy là đầy đủ thế giới rau, củ, quả. Là những vật dụng dành cho cuộc sống hằng ngày. Là cuộc đời thương hồ neo theo con nước...
Nơi miền Tây Nam Bộ, về độ xôm tụ, chợ nổi Long Xuyên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) chỉ đứng sau chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ). Chợ họp từ 5 giờ sáng, tan vào khoảng 10 giờ. Thế nhưng, cái không khí nhộn nhịp kẻ mua người bán chỉ diễn ra chừng đôi tiếng, từ lúc mở chợ đến khoảng 7 giờ. Khoảng thời gian còn lại là cảnh “tàn canh mãn võ”.
    |
 |
Cây bẹo đặc thù của chợ nổi miền Tây Nam Bộ. Ảnh: TRẦN LONG
|
5 giờ, miền Tây trên sông là cuộc đấu tranh giữa màn đen và ánh sáng. Ánh nắng le lắt xuyên qua bóng đêm, tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo. Se mình trong cái lạnh của sương mai, thả mắt ra vô hạn là cảnh bình minh trên sông, là những vệt mây trắng hồng đan xen, hòa quyện vào nhau trên nền trời, tất cả như tô điểm thêm dư vị cho cuộc sống của những người dân lao động đang từng ngày lênh đênh trên sông nước.
Chợ nổi Long Xuyên bắt đầu ngày mới bằng những tiếng cười, nói tỏa khắp mặt sông. Cũng nhộn nhịp đấy, cũng ghe, xuồng neo đậu chằng chịt, san sát bên nhau nhưng cảnh mua bán nơi đây có vẻ “dịu dàng” hơn nhiều chợ nổi khác ở miền Tây Nam Bộ. Dường như, người mua từ tốn hơn. Người bán cũng không kém phần nhã nhặn. Việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng, theo kiểu nói sao bán vậy chứ ít có chuyện mặc cả. Văn hóa vùng sông nước và tính cách của người dân An Giang chính là như thế.
Để “quảng cáo” sản phẩm của mình, các thương lái dùng cây sào dài, buộc tượng trưng loại hàng hóa muốn bán, rồi cắm ở đầu ghe, thuyền. Người mua nhìn vào đó là có thể tìm được thứ muốn mua. Người miền Tây gọi đó là cây bẹo. Người mới đến, những tưởng, cây bẹo treo gì thì bán nấy. Thế nhưng, thực tế có đến 4 loại cây bẹo khác nhau. Tất nhiên, treo gì bán nấy là nguyên tắc chung số một. Cây bẹo thứ hai khá phổ biến là treo mà không bán. Không chỉ là phương tiện đi lại, chở hàng buôn bán, ghe, thuyền còn là ngôi nhà, nơi sinh sống của gia đình tiểu thương. Chính vì vậy, trên ghe có thể treo quần áo và một số vật dụng sinh hoạt... Đó là những thứ treo mà không bán. Cây bẹo thứ ba không treo mà bán. Đó là những chiếc ghe bán hàng ăn uống phục vụ người đi chợ và du khách. Cây bẹo kỳ cục nhất là treo cái này bán cái khác. Đó là những chiếc ghe, thuyền cắm cây bẹo có tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa. Mặt hàng bày bán chính là những ghe, thuyền đó. Loại này được gọi là bẹo lá bán ghe.
Những cây bẹo đi dần qua năm tháng, trở thành một nét đặc trưng, một mã văn hóa của chợ nổi miền Tây nói chung và chợ nổi Long Xuyên nói riêng. Nhìn vào đó, người ta thấy cuộc sống của những kiếp ghe, thuyền lênh đênh.
Chợ nổi Long Xuyên là nơi hội tụ vô vàn mặt hàng, nhưng nhiều nhất là trái cây và nông sản đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Người bán chủ yếu là các thương lái trực tiếp thu mua hàng từ nhà vườn, rồi vận chuyển ra chợ nên bảo đảm tươi ngon và chất lượng. Cũng có một số ít người bán là người dân tự thu hoạch nông sản của mình rồi mang ra chợ. Vì thế, so với những chợ nổi khác ở miền Tây Nam Bộ, giá cả ở chợ Long Xuyên “mềm” hơn và đặc biệt là không có chuyện "chặt chém" du khách.
Với du khách, kinh nghiệm quan trọng nhất khi đi chợ nổi Long Xuyên là chọn mùa nào thức nấy. Mua trái cây chính vụ, vừa ngon vừa rẻ, vừa bảo đảm sạch. Cuối năm là mùa của bưởi, đầu năm có hồng xiêm, giữa năm là xoài và sầu riêng, chôm chôm...
Để trọn vẹn chuyến trải nghiệm thú vị ở chợ nổi Long Xuyên, du khách rất không nên bỏ qua ẩm thực. Bữa sáng ở chợ nổi Long Xuyên có bún riêu, bún xào, hủ tiếu, cháo lòng, bún thịt nướng, bánh mì... Hầu hết đều được du khách đánh giá cao bởi hương vị đậm đà. Hơn thế, việc được ngồi ăn sáng chông chênh trên ghe, trong không khí bán buôn tấp nập buổi sáng mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Ấm cái bụng rồi, lại nhâm nhi ly cà phê, ngắm cảnh người bán kẻ mua rạng dần trong ánh bình minh, tự dưng tràn về cảm giác tĩnh tại.
Người miền Tây bảo, chợ nổi giờ chỉ bằng vài phần ngày xưa. Âu cũng là lẽ thường, khi cuộc sống vận động lên phía trước, khi sông nước không còn là giao thức vận chuyển thuận tiện duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, chợ nổi sẽ vẫn luôn tồn tại. Bởi đó không chỉ thuần túy là một địa chỉ giao thương mà còn là nơi hội tụ của văn hóa, cuộc sống và con người miền Tây Nam Bộ.
BẢO HÂN