Nối lại đường tơ
Những ngày này, đến với TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, du khách dễ dàng cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành tơ lụa-một ngành kinh tế quan trọng của địa phương vốn đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ hình thành, phát triển. Và khi nhắc tới sự chuyển mình của ngành tơ lụa nơi đây, không thể không nhắc tới doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1954, Giám đốc Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk, người đã góp nhặt những “mảnh vỡ” của con tàu tơ lụa trong cơn bão tố, lắp ghép lại và chèo lái nó vượt qua khó khăn, đạt được thành tựu ấn tượng.
Theo doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, cách đây hơn 10 năm, ngay cả trong lúc lạc quan nhất, ông cũng không thể hình dung Vietsilk lại có được diện mạo như ngày hôm nay. Khi ấy, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Nguyên nhân do những sai lầm về chiến lược phát triển và cơ chế quản lý nặng tính quan liêu, bao cấp. Đỉnh điểm là vào năm 2006, Viseri phải tuyên bố phá sản và cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên. Những món nợ khổng lồ khó trả và nhiều phiên tòa liên quan tới lĩnh vực dâu tằm tơ liên tục diễn ra biến “giấc mơ lụa là” tại thủ phủ tơ lụa Việt Nam khi ấy trở thành cơn ác mộng. Là một cán bộ của tổng công ty đã nghỉ hưu, ông Dũng cùng một số người bạn quyết định hùn vốn mua lại một số tài sản của Viseri để “khởi nghiệp”. Tuy nhiên, quyết định ấy khiến không ít người thân và bạn bè của ông lo lắng, phản đối, bởi cho rằng ông quá liều lĩnh, mạo hiểm, cố nhắm mắt đi vào ngõ cụt.
Khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012, Vietsilk gặp muôn vàn khó khăn do nhà xưởng xuống cấp, hệ thống máy móc lạc hậu, trong đó có quá nửa bị hư hỏng, đội ngũ công nhân, kỹ thuật lành nghề đã bỏ việc hoặc tản mát khắp nơi. Tuy nhiên, căng nhất vẫn là vấn đề đầu ra bởi với đa số người tiêu dùng Việt Nam khi ấy, lụa vẫn là thứ vải xa xỉ, đắt tiền, kén người mặc, trong khi các đối tác truyền thống nước ngoài đã quay lưng với lụa Bảo Lộc vì uy tín thương mại thấp.
Để vực dậy sản xuất, doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng cùng một số cộng sự quyết định đi tìm một số công nhân, kỹ thuật có tay nghề cao và thuyết phục họ trở lại làm việc. Tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, thay thế một số máy móc xuống cấp, hư hỏng. Từng là Trưởng phòng Kinh doanh và hợp tác quốc tế của Viseri, ông tìm cách kết nối, liên lạc với các đối tác nước ngoài trước đây và thuyết phục họ quay lại mua sản phẩm tơ lụa. Một số doanh nghiệp Nhật Bản sau khi tận mắt kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đã chấp nhận nhập khẩu lụa của Vietsilk.
“Sản phẩm lụa chúng tôi sản xuất cho họ để may trang phục kimono nên yêu cầu về chất lượng, mẫu mã vô cùng khắt khe. Tơ dệt lụa phải là loại tơ tằm tự nhiên chất lượng tốt nhất, có xuất xứ rõ ràng và không được pha tạp. Khổ lụa ngang để may kimono rộng 40cm, dệt trên loại máy được thiết kế riêng (trong khi khổ lụa phổ biến hiện nay mà các máy dệt đang thực hiện là 1,2m). Mẫu hoa văn do phía Nhật Bản cung cấp. Cứ 3 tháng một lần, phía Nhật Bản lại cử người sang kiểm tra xem công ty có thực hiện đúng quy trình, chất lượng mà phía họ yêu cầu hay không. Dù đã được kiểm định rất kỹ tại Việt Nam nhưng khi sang tới Nhật Bản, sản phẩm lại tiếp tục được kiểm tra một lần nữa. Mỗi sợi tơ dệt nên tấm lụa có đường kính chỉ vài micromet nhưng tại Nhật, nó được phóng to lên bằng ngón tay để tìm lỗi. Nếu vi phạm sẽ bị trả lại hàng, thậm chí bị phạt, bị cắt hợp đồng ngay lập tức”-doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
TP Bảo Lộc hiện có 6 doanh nghiệp dệt lụa. Tổng sản lượng lụa dệt mỗi năm đạt khoảng 120 tấn, tương đương 3,5 triệu mét vải. Riêng Vietsilk mỗi năm đã sản xuất 100 tấn vải lụa, chiếm khoảng 83% sản lượng. Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt gặp khó khăn vì thiếu đầu ra thì gần 150 cán bộ, nhân viên của Vietsilk mỗi ngày phải làm việc 3 ca, 100 chiếc máy dệt hoạt động hết công suất mới đáp ứng được số lượng đơn hàng từ phía đối tác. Với chất lượng cũng như sản lượng hằng năm làm ra, biệt danh “người dệt lụa hàng đầu” mà một số bạn bè, người thân ưu ái đặt cho doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng hẳn là có cơ sở.
Những tấm lụa đặc biệt
Không chỉ dệt lụa cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, Vietsilk còn là nơi sản xuất ra loại vải lụa đặc biệt để may quần áo mặc cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng cùng cán bộ, công nhân của công ty thì đây là nhiệm vụ thiêng liêng, là niềm vinh dự lớn khiến họ luôn dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho công việc này trong nhiều năm qua.
Theo ông Dũng, cách đây khoảng 10 năm, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm nơi có thể sản xuất ra một loại vải đặc biệt để may trang phục cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loại vải này trước đây phải nhập khẩu từ nước ngoài do những yêu cầu khắt khe về nguyên liệu và kỹ thuật dệt mà các nhà máy trong nước chưa thể thực hiện. “Nhận được một mẫu vải nhỏ từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, tôi rất bất ngờ khi thấy nó khác biệt so với các mẫu vải hiện hành. Đặc biệt nó còn được phủ bởi một chất liệu dẻo, mỏng, trong suốt. Để kiểm tra kết cấu bên trong, tôi đã đặt nó lên mặt kính, dùng giấy nhám mài nhẹ cho lớp vải lộ ra, sau đó nghiên cứu đường tơ, lấy mực đánh dấu, chọn tơ và bắt đầu dệt thử. Qua vài lần thử nghiệm, cuối cùng chúng tôi đã dệt ra được loại vải giống với mẫu vải do Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cung cấp. Sau khi kiểm tra, Ban quản lý đã đồng ý với mẫu vải mà chúng tôi làm ra, đề nghị chúng tôi viết quy trình công nghệ và tiến hành dệt theo yêu cầu”-doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại.
Tại nhà máy của Vietsilk, những tấm lụa đặc biệt này luôn được dệt bằng một loại tơ có chất lượng tốt nhất, được chọn ngay tại vùng đất Bảo Lộc, do những công nhân có tay nghề cao đứng máy, trải qua quy trình giám định chất lượng chặt chẽ và xếp đặt tại vị trí trang trọng nhất. Nâng niu những tấm vải lụa màu hồng nhạt, nhẹ như bông trên tay, doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng xúc động nói: “Việc tìm ra quy trình dệt nên loại lụa đặc biệt này là thành công, hạnh phúc lớn nhất của đời tôi và đó cũng là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn của tập thể cán bộ, nhân viên công ty Vietsilk”.
Khi được hỏi về bí quyết để đạt tới những thành công như hôm nay, doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ rằng, bản thân ông vốn là một người lính Cụ Hồ, từng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam, trải qua những phút giây sinh tử nên đã rèn luyện được cho mình sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, không đầu hàng trước những khó khăn, thử thách. Năm 1976, sau khi giải ngũ, ông đi học đại học nông nghiệp, ra trường gắn bó liên tục với mảnh đất Bảo Lộc và nghề tơ lụa, vì thế ông rất hiểu tiềm năng, thế mạnh và cả những khó khăn của ngành. Theo ông, việc Nhà nước ta chọn vùng đất Bảo Lộc để xây dựng ngành công nghiệp tơ lụa trên quy mô lớn ngay sau khi đất nước giải phóng là hoàn toàn đúng đắn bởi hiếm có vùng đất nào lại có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm như ở đây. Sự đổ vỡ, khủng hoảng của ngành tơ lụa trong những năm trước là do cách đi chứ không phải là hướng đi. Bởi thế, khi nhìn tơ lụa Bảo Lộc rơi vào cơn bĩ cực, ông không khỏi xót xa, tiếc nuối, chấp nhận mạo hiểm lãnh nhận một phần khi nó đang đổ vỡ, đắm chìm trong nợ nần, thua lỗ.
Giờ đây, dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng và đã ở cái tuổi gần 70 nhưng doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng vẫn dành trọn thời gian, tâm huyết, sức lực và luôn trăn trở, lo lắng về cái nghề “ăn cơm đứng”. “Chất lượng tơ lụa Bảo Lộc rất tốt, không hề thua kém bất kỳ loại tơ lụa nào trên thế giới nhưng chúng ta lại chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, phải gia công, “núp bóng” thương hiệu doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu. Công nghệ chế biến, nhất là công nghệ xe tơ, dệt, nhuộm của chúng ta còn lạc hậu, nguồn giống phụ thuộc vào nước ngoài, khâu thiết kế ứng dụng tơ lụa vào đời sống thiếu và yếu. Nếu có chiến lược phát triển phù hợp và sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ xứng đáng, tôi tin tơ lụa Bảo Lộc nói riêng, tơ lụa Việt Nam nói chung sẽ trở nên nổi tiếng thế giới, trở thành mặt hàng xuất khẩu mạnh, mang về cho đất nước nhiều ngoại tệ như các mặt hàng gạo, cao su, cà phê, thủy sản”-doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG