Lo Thị Chín sinh năm 2002, tại xã Kim Tiến, khi chuyển xuống bản Văng Môn thì mới học mẫu giáo. Dù khó khăn nhưng cô gái Ơ Đu này vẫn cố gắng theo học đến trung học phổ thông. Năm 2018, khi đang học lớp 11 thì Chín xin nghỉ học về lấy chồng nhưng không đăng ký kết hôn được vì chưa đủ tuổi. Sau khi sinh con, em về ở với bố mẹ đẻ. Cuộc sống gia đình của Chín vô cùng khó khăn. Nhà không có đủ ruộng nương, bố mẹ đi làm thuê cũng ít việc. Khi con của Chín được gần 2 tuổi thì vợ chồng chia tay. Lúc đó, Chín đành để lại con cho bố mẹ và ra tận tỉnh Thái Nguyên tìm việc làm.

leftcenterrightdel
 Lo Thị Chín trong ca làm việc tại công trường ở Thái Nguyên.

Nhờ có người quen trong họ làm bên xây dựng ở Thái Nguyên nên Chín được vào làm ở công trường xây dựng. Công việc của Chín là làm chỉ dẫn cho xe cộ ra vào công trường đi đúng đường và đổ vật liệu đúng chỗ đã định. Có lúc làm ca ngày, có lúc làm ca đêm; cứ đi qua đi lại trong công trường đầy bụi bặm. Nhiều đêm khuya vẫn phải làm ở công trường khiến em rất lo lắng. “Nhưng chẳng thể khác được vì về quê cũng không có việc làm, lấy gì mà nuôi con và giúp bố mẹ. Thế nên em cứ làm liều, làm cố. Nhiều khi tủi quá lại nằm khóc một mình. Hằng ngày chỉ được gặp con qua điện thoại, làm cho con em cũng chỉ biết mẹ trong điện thoại. Khi em về, nó không cho em bế mà cứ đòi mẹ trong điện thoại. Những lúc như vậy tự dưng thấy tủi và nằm khóc...”, Chín thổn thức tâm sự.

Cũng giống như Chín, Lo Thị Mỹ phải rời quê ra tỉnh Bắc Ninh làm công nhân khi mới 20 tuổi. Sinh năm 1997, học hết trung học cơ sở thì Mỹ nghỉ học để giúp đỡ bố mẹ vì gia đình quá khó khăn. Sau đó, Mỹ được người quen đưa ra Bắc Ninh làm công nhân. Làm trong khu công nghiệp, công việc vất vả, áp lực mà chi tiêu cũng khá tốn kém. Mỹ chia sẻ: “Bạn bè toàn thanh niên xa nhà, tập trung đông ở các khu trọ nên nhiều khi cuộc sống phức tạp. Có lúc làm về mệt mà muốn nghỉ cũng không được. Được nghỉ thì tụ tập ăn uống. Tiền kiếm được chẳng dành dụm được bao nhiêu để gửi về gia đình. Phần thì thuê trọ, phần ăn tiêu, rồi còn bạn bè, dăm ba bữa lại tổ chức ăn nhậu. Trai cũng như gái, đều tham gia và cùng nhau chia sẻ chi phí. Cùng chơi với nhau cả nên mình từ chối thì khó. Cứ thế năm này qua năm khác chẳng để dành được gì”.

leftcenterrightdel

 Nông nghiệp ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhưng cũng khó phát triển vì trồng trọt hạn chế nên không đủ nguồn thức ăn.

Chín hay Mỹ là một vài trường hợp trong số hàng trăm người Ơ Đu ở bản Văng Môn đang rời bản mưu sinh. Theo thống kê của chính quyền địa phương, bản Văng Môn hiện nay có 129 người đi ra ngoài bản học tập và làm việc trong tổng số 315 nhân khẩu (chiếm gần 41%). Ngoại trừ 11 người đi học, số còn lại đi làm ở các đô thị lớn, khu công nghiệp mà chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai... khu công nghiệp Bắc Vinh và ở TP Vinh. Điều này cho thấy, hơn 1/3 người Ơ Đu ở Văng Môn lựa chọn con đường đi kiếm việc làm xa quê, trong đó có 16 người đi xuất khẩu lao động. Phần lớn gia đình ở đây đều có 1-2 người đi làm ăn xa. Vì phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn nghề nghiệp nên chủ yếu là lao động phổ thông. Phụ nữ thì đi làm công nhân trong các xí nghiệp; đàn ông ngoài làm công nhân còn đi làm thợ xây, phụ hồ ở các công trường, bê vác ở những bến xe, bến tàu...

Đi làm việc ở các đô thị mang lại nguồn thu nhập quan trọng đối với người dân ở Văng Môn. Anh Lo Văn Tuấn, người dân bản Văng Môn cho biết, do có quá ít ruộng đất để canh tác nên anh và hai cô con gái phải đi làm ăn xa. Anh chủ yếu làm phụ hồ hoặc bê vác ở các công trường, có lúc vào Đà Nẵng, Nha Trang hay lên Tây Nguyên làm việc. Con gái anh, một cô làm ở Bắc Ninh, một cô làm ở Bình Dương. Trước đây, gia đình chỉ nuôi hai con bò nên vợ anh ở nhà chăn bò và lo việc nhà. 3 cha con đi làm xa mỗi tháng cũng gửi về nhà được 6-7 triệu đồng. Sau đó tích cóp lại mua được thêm hai con bò. Từ đầu năm 2020, do dịch bệnh nên anh không đi làm xa nữa vì ít việc. Hiện tại chỉ còn hai cô con gái đi làm, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ khoảng 3 triệu đồng. 3 triệu đồng trở thành nguồn tiền quan trọng của gia đình anh Tuấn.

Với người Ơ Đu ở Văng Môn, không đi làm xa thì không có tiền mua gạo. Những vật nuôi quan trọng như trâu, bò, dê, lợn chỉ đem bán khi cần tiền lo việc lớn chứ không mấy khi đem bán để mua gạo phục vụ cuộc sống hằng ngày. Có người đi làm ăn xa gửi tiền về mua gạo trở thành điểm tựa sinh kế quan trọng. Tuy nhiên, hầu như những người ở nhà, chủ yếu là cha mẹ, dù cần tiền của con cái để mua gạo nhưng vẫn luôn nghĩ đến việc tiết kiệm một phần để dành cho con lo việc tương lai.

leftcenterrightdel
Các ngành thủ công nghiệp khó phục hồi và kén chọn người tham gia nên việc làm tại chỗ cho người dân ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trở nên khó khăn hơn nhiều. 

Tương tự như anh Tuấn, vợ chồng anh Lo Văn Hà cũng sống chủ yếu dựa vào số tiền của 3 người con đi làm công nhân xa nhà. Gia đình không có nương rẫy để trồng, trỉa; anh lại đau yếu nên không đi làm thuê được. Thành ra mọi chi tiêu trong gia đình anh Hà đều dựa vào các con. Hằng tháng, các con gửi tiền về cho vợ chồng anh mua gạo và nhu yếu phẩm. Đồ đạc trong nhà từ ti vi, tủ lạnh hay bộ bàn ghế, con bò, con lợn đang nuôi đều từ nguồn tiền do các con cung cấp hoặc mua sắm gửi về.

Ở bản Văng Môn, hoàn cảnh như gia đình anh Tuấn, anh Hà kể trên là phổ biến. Đi làm ăn xa thì có thêm thu nhập. Và phần lớn số tiền kiếm được gửi về lại tập trung vào việc mua lương thực. Nhưng con cái họ đi làm ăn xa cũng đối diện với nhiều rủi ro hơn. Theo nhiều người trong bản, không phải ai đi xa cũng kiếm được việc làm tốt. Thường phải có anh em, bạn bè đi trước rồi đưa đi cùng thì may ra kiếm được việc có lương khá hơn. Cũng có trường hợp đi làm đến Tết còn không có tiền về nên cha mẹ phải gửi viện trợ để mua vé xe về. Có những trường hợp không may bị trộm cắp, lừa đảo nên đi làm cả năm cũng không có tiền. Cá biệt, đã có trường hợp đi làm xa rơi vào nghiện ngập, bài bạc, lô đề nên không những không có tiền gửi về mà còn làm khổ gia đình.

“Người Ơ Đu trước giờ sống dựa vào nương rẫy, vào núi rừng nên đi ra đô thị là một thử thách lớn. Tại địa phương, nương rẫy ít không sản xuất đủ lương thực, công việc làm thêm cũng không có nên bà con phải đi làm thuê xa nhà. Đó có lẽ là sự lựa chọn duy nhất dù nhiều người vẫn muốn được ở nhà làm nương, làm rẫy nếu vẫn nuôi được gia đình”. Tâm sự đầy trăn trở của Bí thư Chi bộ bản Văng Môn Lo Xuân Tình và có lẽ cũng là tâm tư của nhiều người Ơ Đu xa quê khác.

Bài và ảnh: BÙI HÀO