Năm khó khăn của kinh tế thế giới 

Từ đầu tháng 4-2022, nhiều nước về cơ bản đã khống chế được đại dịch Covid-19, tuy vậy, cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine kéo dài làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm; chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, biện pháp trừng phạt mà Mỹ, EU áp dụng đối với Nga làm tăng giá xăng dầu, năng lượng, lương thực, gây ra lạm phát cao tại Mỹ, EU, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được điều chỉnh theo xu hướng giảm kéo theo thương mại và đầu tư của thế giới cũng sụt giảm.

Báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” phát hành tháng 9-2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 bị hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm. Dự báo tháng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 là 4,1% thì tháng 8-2022 giảm xuống 2,8%; hơn 90% nền kinh tế phát triển và 80% các nước đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng.

leftcenterrightdel

Ninh Thuận được xây dựng thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Ảnh: BẰNG HƯƠNG 

Mặc dù những dự báo này không chỉ ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2022 nhưng bài học từ những cuộc suy thoái trước đó cho thấy, có ít nhất hai nhân tố cảnh báo suy thoái có thể diễn ra: Tăng trưởng toàn cầu suy yếu đáng kể trong năm trước; tất cả cuộc suy thoái toàn cầu trước đây đều trùng khớp với sự suy thoái ở một số nền kinh tế lớn.

Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4-2022. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh tăng lên 5,1% so với dự báo 4,9% vào tháng 4. IMF đánh giá 5 rủi ro lớn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế: Cuộc xung đột ở Ukraine làm tăng giá năng lượng; lạm phát cao; điều kiện tài chính bị thắt chặt; sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc ảnh hưởng đến các nền kinh tế; nền kinh tế thế giới phân chia thành nhiều nhóm khác nhau.

Tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng năm 2022 của nước ta với một số tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, khai khoáng tăng 6,5%...

Thống kê cũng ghi nhận, có 194,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm; vốn FDI thực hiện ước đạt 19,68 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán năm, bội thu 279,9 nghìn tỷ đồng. 

Cùng với những điểm sáng đó, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chứa đựng một số bất ổn như thị trường chứng khoán với VNindex liên tục giảm dưới 1.000 điểm; giá nguyên liệu, xăng, dầu biến động khó lường; các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng thay đổi chính sách có tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu và thu hút FDI. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu tư và kinh doanh trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế do đơn hàng xuất khẩu năm 2023 về sản phẩm dệt may, da giày, nội thất, sắt thép, xi măng sụt giảm. Kênh huy động vốn của doanh nghiệp gặp khó do các ngân hàng đã chạm tới giới hạn cho vay từ đầu quý III-2022. Doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh đó, điểm nghẽn lớn nhất đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Trong quý IV-2022, gần như không doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới do các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường...

Dự báo kinh tế thế giới và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023

Các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% của các năm trước đại dịch. Tuy nền kinh tế thế giới sẽ không diễn biến quá tệ như nhiều người lo sợ nhưng khó khăn và thách thức vẫn rình rập phía trước. 

leftcenterrightdel

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: TUẤN HUY 

Đối với Mỹ, một câu hỏi lớn là lạm phát có thể hạ nhiệt nhanh thế nào? Tốc độ hạ nhiệt lạm phát sẽ quyết định Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất cao đến mức nào và duy trì ở mức đó trong bao lâu? Năm 2022, FED đang thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ thập niên 1980. Nhiều nhà kinh tế dự báo, lãi suất tiếp tục tăng có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới và đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Các nền kinh tế châu Âu sẽ đối mặt với thách thức lớn nhất trong những tháng tới. Tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom dọa sẽ siết chặt dòng chảy khí đốt sang châu Âu qua Ukraine. Đây là một trong những tuyến khí đốt cuối cùng còn lại từ Nga sang châu Âu.

Ở châu Á, triển vọng năm 2023 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được đánh giá là tương đối mờ mịt khi nước này có thể đối mặt với các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Các nhà kinh tế dự báo, Trung Quốc chỉ có thể phục hồi tăng trưởng trong năm 2023 khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như hiện tại. 

Khảo sát hằng quý được thực hiện vào tháng 9-2022 của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) và Báo Nikkei Asia, tổng GDP của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan được dự báo tăng khoảng 4,3% trong năm 2023, giảm so với dự báo vào tháng 6-2022 là 4,8%. Theo các thống kê, khảo sát, năm 2022 quy mô GDP của Việt Nam đạt 413,81 tỷ USD, đứng thứ năm ASEAN, sau lần lượt các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Cùng với những dự báo về khó khăn của các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực, IMF cũng đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng kinh tế nước ta trong năm 2023. IMF đưa ra dự báo quy mô GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 424,45 tỷ USD, đứng thứ ba ASEAN và thứ 35 trên toàn thế giới, vượt qua Singapore và Malaysia. Năm 2023, Indonesia vẫn dẫn đầu ASEAN với GDP đạt 1.388,68 tỷ USD, Thái Lan đứng thứ hai với 580,69 tỷ USD.

Mới đây, báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm nhận định: Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Từ đó chúng ta đề ra mục tiêu: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế...

Từ phân tích, đánh giá, dự báo về những thuận lợi, khó khăn của kinh tế thế giới và một số tín hiệu, triển vọng tích cực của nền kinh tế trong nước, Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của Quốc hội đã xác định một số chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh và triển khai đồng bộ các giải pháp để chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số và Chính phủ số, để khắc phục những điểm nghẽn, rào cản trong quá trình phát triển, không chỉ có quy định liên quan đến bộ máy, con người mà cần đầu tư quy mô lớn vào công nghệ để xây dựng hạ tầng kinh tế số, hình thành mạng lưới kết nối ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp; chuyển nhanh việc vận hành hệ thống quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp sang Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đây chính là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023.

GS, TSKH NGUYỄN MẠI