Những tín hiệu tích cực

Tín dụng xanh là một trong nhiều công cụ tài chính tài trợ cho các chương trình, dự án, sáng kiến thân thiện với môi trường, bảo vệ sinh thái nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm tới những vấn đề về phát triển bền vững. Tại Việt Nam, chính sách khuyến khích tín dụng xanh lần đầu tiên được đề cập tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Các khoản tín dụng xanh thường có mức lãi suất ưu đãi và kỳ hạn thanh toán dài hơn so với các khoản vay thông thường mang các đặc tính tương đương. Cụ thể, mức cho vay vốn tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là 50-100 triệu đồng; cho phép cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm. Nhờ đó, những rào cản tiếp cận vốn tín dụng của các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn... đã được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do NHNN Việt Nam xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 47%), nông nghiệp xanh (hơn 30%)... Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (khoảng 46%), lĩnh vực quản lý nước bền vững (khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế. 

Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN của NHNN Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tuy đã cho thấy những dấu hiệu tích cực qua từng năm, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn. Việc dư nợ tín dụng xanh/tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ nền kinh tế đã quan tâm nhiều hơn tới những dự án phục vụ cho môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, mức tăng hơn 4,32% vẫn là khá thấp. Tín dụng xanh không đơn thuần chỉ gói gọn trong những dòng vốn trực tiếp tài trợ cho một số lĩnh vực như năng lượng sạch (gió, mặt trời...) mà còn là những dự án có các điều khoản cam kết không sử dụng vốn tín dụng phục vụ những hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Căn cứ Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6-8-2015 của NHNN Việt Nam về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, có 67/84 tổ chức tín dụng triển khai các nội dung có liên quan về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh trên cơ sở lồng ghép những quy định, văn bản chỉ đạo điều hành trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao như: Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, VietinBank, VPBank... Với những thành tựu trên, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững.

Các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao cũng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ những tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Điển hình như BIDV đã tiếp cận được 147,76 triệu USD là nguồn vốn ủy thác nước ngoài tài trợ lĩnh vực tín dụng năng lượng xanh; TPBank ký hợp đồng khoản vay dài hạn 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu, tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn có lãi suất hấp dẫn cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2 và thân thiện với môi trường. Các tổ chức cung cấp tín dụng xanh cũng được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí...

Thiếu quy định cụ thể

Bên cạnh những kết quả tích cực, tín dụng xanh để phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn còn những hạn chế. Khuôn khổ pháp lý về ngân hàng xanh chưa được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh và thông lệ quốc tế. Hiện nay, các quy định về ngân hàng xanh cơ bản mới mang tính định hướng, vẫn thiếu những quy định cụ thể, chưa có định nghĩa/khái niệm thống nhất về ngân hàng xanh, thiếu các tiêu chuẩn/điều kiện về ngân hàng xanh. Những chính sách về phát triển ngân hàng xanh mới chỉ mang tính chất hướng dẫn, khuyến khích, chưa mang tính bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện.

NHNN Việt Nam chưa áp dụng các biện pháp liên quan tới nghiệp vụ như sử dụng những công cụ giám sát thận trọng vĩ mô và vi mô đối với các ngân hàng khi cho vay có mức độ rủi ro môi trường cao (như một số quốc gia: Anh, Brazil, Hà Lan, Na Uy, Trung Quốc... đang áp dụng). Hiện nay chưa có quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng cho vay đối với dự án gây hại cho môi trường (hiện chỉ quy trách nhiệm của những đơn vị trực tiếp gây ra ô nhiễm môi trường). Đối với các ngân hàng thương mại, hoạt động tín dụng xanh chưa thực sự được quan tâm do lãi suất cho vay thấp, các điều kiện vay liên quan đến môi trường rất chặt chẽ, làm giảm tính cạnh tranh so với ngân hàng khác.

leftcenterrightdel

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH TRÀ 

Các chính sách hỗ trợ phát triển ngân hàng xanh giai đoạn vừa qua chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện tín dụng xanh và nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ phát triển ngân hàng xanh. Việc đầu tư vào những ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn rất lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn. Nguồn lực tài chính hiện nay cho tín dụng xanh cơ bản vẫn dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế như: Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) của Chính phủ Thụy Sĩ.

Ở Việt Nam, hiện nay những dự án cho năng lượng tái tạo vẫn chưa nhiều và tín dụng xanh đôi khi vẫn bị hiểu theo nghĩa hẹp. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tín dụng xanh nằm ở việc những dự án về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... thường đòi hỏi nguồn vốn khá lớn trong một thời gian dài, do đó phần nhiều tín dụng xanh mới chủ yếu tập trung ở các ngân hàng có quy mô lớn. Đó là chưa kể những dự án xanh phải đáp ứng được mọi điều kiện môi trường xã hội khá khắt khe, tính thẩm định theo đó cũng rất phức tạp đòi hỏi ở mỗi ngân hàng buộc phải có một bộ phận chuyên biệt để thẩm định được các dự án dạng này.

Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Đội ngũ nhân viên của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế. Nhiều tổ chức tín dụng chưa có một đơn vị phòng, ban chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường, xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của dòng tiền huy động được từ nguồn tín dụng xanh trong suốt vòng đời dự án. Trên thị trường Việt Nam cũng chưa có các đơn vị cung cấp dịch vụ xác nhận tín dụng xanh...

Cần hoàn thiện chính sách

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh cũng như đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, thời gian tới cần phải tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm tín dụng xanh thông qua hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh, đưa ra những tiêu chuẩn tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh được hưởng ưu đãi tín dụng xanh. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận mọi nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để cung cấp sản phẩm tín dụng xanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... thực hiện những dự án xanh hoặc hoạt động trong các ngành, lĩnh vực xanh.

Việc tăng cường phát triển thị trường vốn xanh thông qua phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh là nội dung rất quan trọng. Hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán xanh, cơ chế khuyến khích nhà đầu tư và các tổ chức phát hành tham gia vào thị trường trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm mở rộng danh mục sản phẩm tài chính xanh.

Đồng thời có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và ít rủi ro nhằm huy động vốn từ xã hội nhiều hơn cho kinh tế tuần hoàn... Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh góp phần giúp các ngân hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Riêng với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng nên thiết kế những sản phẩm tín dụng xanh khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa sản phẩm cần phải đặt trong tương quan với nguồn lực hiện có của ngân hàng. Cuối cùng là triển khai đồng thời chương trình, hoạt động nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức về kinh tế tuần hoàn.

TS HỒ THANH THỦY