Bán nước sôi, thu... tiền tỷ
Trong đợt dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai “xui xẻo” trở thành một trong những ổ dịch. Tại đây ghi nhận 46 ca mắc, trong đó có 27 ca là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cấp suất ăn, nước sôi đi khắp mọi nơi trong bệnh viện. Là bệnh viện hạng đặc biệt, quy mô gần 3.000 giường bệnh (năm 2019, tỷ lệ sử dụng giường bệnh là 154,28%), chỉ tính đơn giản mỗi giường sử dụng 1 phích nước sôi/ngày, với giá 5.000 đồng/phích thì Công ty Trường Sinh sẽ có khoản thu 15 triệu đồng/ngày, 450 triệu đồng/tháng. Công ty này còn cung cấp dịch vụ cho một số đơn vị ngành y tế, mỗi năm thu nhiều tỷ đồng chỉ riêng việc bán nước sôi.
Dư luận khá bức xúc, khi mà nhiều cơ sở y tế trên cả nước, thậm chí đến nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã cung cấp nước miễn phí cho người bệnh bằng các cây lọc nước thì tại một bệnh viện Trung ương như Bạch Mai vẫn duy trì việc bán phích nước sôi thủ công. Chỉ đến khi vụ việc lây nhiễm dịch Covid-19 xảy ra, cả cộng đồng quan tâm, thấp thỏm theo dõi thì câu chuyện phích nước sôi mới được dẹp bỏ, điều mà mấy thế hệ giám đốc bệnh viện chưa thực hiện được. Việc Công ty Trường Sinh là doanh nghiệp tư nhân, cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai nhiều năm nay, trong đó có việc duy trì cung cấp nước sôi thủ công khiến dư luận hoài nghi về sự ưu ái của bệnh viện dành cho doanh nghiệp này.
    |
 |
Khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai không còn tình trạng lộn xộn. |
Sự vào cuộc của cả tập thể
Đến Bệnh viện Bạch Mai lúc này, các dịch vụ “bòn rút tiền người bệnh”, trong đó có dịch vụ ăn uống, dịch vụ dọn vệ sinh và đặc biệt là dịch vụ bán nước sôi với giá 5.000 đồng/phích gây bức xúc trong dư luận vừa qua đã bị dẹp bỏ. Bệnh viện đã cho lắp đặt 100 máy lọc kết hợp đun sôi, làm lạnh tự động, mỗi máy 35 lít/giờ, như vậy đáp ứng được 3.500 lít nước nóng mỗi giờ cho bệnh nhân miễn phí… Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tiến hành ngừng dịch vụ bán báo, đóng cửa dịch vụ nhà tang lễ, dừng dịch vụ vệ sinh công cộng thu tiền, sắp xếp lại xe cộ trong bệnh viện, không còn tình trạng xe máy đi lại trong bệnh viện, giảm lưu lượng ô tô vào viện, chỉ ưu tiên xe chở người bệnh, xe cấp cứu...
Người nhà của một bệnh nhân đến từ Thái Nguyên đang nằm tại nhà P, phòng điều trị nội trú số 317 chia sẻ: “Tôi đưa con vào nhập viện hôm qua. Các bác sĩ làm thủ tục nhanh, tôi không phải trả chi phí gì thêm. Làm các thủ tục xong, chúng tôi được chở miễn phí bằng xe điện, đi khám luôn. Lúc đi khám có nhân viên y tế đi kèm hướng dẫn nên rất nhanh. Tôi thấy khá hài lòng”.
Một bệnh nhân mới đi khám tại đây kể: “Tôi đi nội soi dạ dày, định đăng ký gây mê cho đỡ đau nhưng bác sĩ khuyên không cần gây mê vì chỉ mấy phút là xong, lại tiết kiệm. Khi thực hiện, anh kỹ thuật viên cũng nhẹ nhàng động viên, trò chuyện. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, kết quả tốt, không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tôi thấy không sợ đi viện như trước kia nữa!”.
Những tín hiệu trên là kết quả của một sự chuẩn bị rất công phu và chu đáo, thậm chí là những quyết định khó khăn nhưng buộc phải làm của cả tập thể y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động của Bệnh viện Bạch Mai.
    |
 |
Bệnh nhân không còn tình trạng nằm giường ghép. |
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 25-5, TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin: Bệnh viện luôn mong cung cấp dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của người bệnh, nhưng thực tế không thể ôm hết các dịch vụ mà phải để đơn vị khác đảm nhận. Tiêu cực xảy ra khi người nhà tự thỏa thuận với các đơn vị dịch vụ, đôi khi vụ việc không xảy ra trong khuôn viên bệnh viện. Sau dịch Covid-19, bệnh viện đã dừng hợp đồng với Công ty TNHH Trường Sinh, đồng thời giải thể đơn vị dịch vụ trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Việc giải thể, sắp xếp lại một số bộ phận, thay đổi nền nếp công tác, sinh hoạt cũ đã ảnh hưởng đến lợi ích của rất nhiều người. Cũng theo TS Dương Đức Hùng, việc này được tính toán kỹ lưỡng và bảo đảm quyền lợi của người lao động. Chủ trương của bệnh viện là những người có trình độ chuyên môn tốt thì chỉ làm công tác chăm sóc người bệnh.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai không có tình trạng nằm giường ghép, nhưng theo TS Dương Đức Hùng, nguyên nhân là bởi đang ở giai đoạn hậu Covid-19, số bệnh nhân chưa cao. Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối nên không thể tránh được bệnh nhân cấp cứu và từ tuyến dưới chuyển lên, mà số giường bệnh là cố định, do đó xảy ra tình trạng nằm ghép. Vì vậy, bệnh viện sẽ có mô hình để hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng nằm ghép. Một giải pháp đưa ra là cho bệnh nhân nằm tạm trên cáng 24 tiếng, sau đó xếp giường bệnh hoặc chuyển về tuyến dưới. Đặt ra mục tiêu trong vòng 24 giờ, bệnh nhân cấp cứu phải có được giường nằm. Đồng thời, bệnh viện cũng tổ chức hội chẩn các ca bệnh bởi hội đồng chuyên môn để đánh giá, bệnh nhân thực sự cần nằm viện mới được nhập viện. Bên cạnh đó, được sự cho phép của Bộ Y tế, bệnh viện có thể mở rộng mô hình điều trị trong ngày để giải quyết nhu cầu của người bệnh.
Một vấn đề khác được dư luận quan tâm là giường bệnh dịch vụ. Lâu nay, việc tồn tại giường bệnh dịch vụ trong các cơ sở y tế công lập như một phong trào, không ít nơi đã lạm dụng nó để tăng thêm nguồn thu. Thực tế này dẫn đến cảnh trớ trêu, thậm chí bất công: Đối nghịch với những căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi là cảnh vạ vật, chen chúc trong những căn phòng cộng đồng với hàng chục giường bệnh.
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí này, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, trong những năm tới, số giường bệnh dịch vụ ở cơ sở này sẽ giảm dần, tiến tới “xóa sổ”. Xóa bỏ giường bệnh dịch vụ là một chủ trương đúng đắn, để bất công không còn tồn tại trong bệnh viện công. Tuy nhiên, muốn thực hiện mục tiêu xóa sổ giường dịch vụ phải đáp ứng được vấn đề cân đối nguồn thu. “Bệnh viện sẽ có nguồn thu chính đáng và hợp pháp thông qua chất lượng điều trị, tổ chức bộ máy đơn giản, hiệu quả, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảm bộ phận trung gian và sắp xếp đúng người, đúng việc”-TS Dương Đức Hùng cho biết.
Cơ chế duy trì - yếu tố quyết định
GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, đơn vị hợp tác toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai, bày tỏ: Bệnh viện Bạch Mai đang chuyển biến rất mạnh mẽ theo chiều hướng phát triển các dịch vụ tiên tiến đúng với vị thế bệnh viện Trung ương tuyến cuối. Những thay đổi từ lãnh đạo bệnh viện hướng tới sự minh bạch, phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình chuyển biến này là từ Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Theo đó, các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Đầu năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu tiến hành những bước đầu chuyển đổi phương thức quản trị cũ sang mô hình tự chủ hoàn toàn.
    |
 |
Hành lang ở các khu điều trị nội trú. |
Tuy nhiên, để những chuyển biến trên không “đầu voi đuôi chuột”, chỉ giải quyết phần nổi, các bệnh viện công sẽ phải đối mặt với nhiều vướng mắc. Những bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai về cơ bản đã bị quá tải. Muốn giảm áp lực cho họ thì cần nâng cao tay nghề tuyến dưới mới là gốc rễ.
Ngoài ra, quá trình chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn sẽ còn nảy sinh các vướng mắc trong một số khâu như triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, công tác tổ chức bộ máy, biên chế… Việc thực hiện tự chủ tài chính cũng đặt lên các vấn đề về cân đối nguồn tiền, sức hút bệnh nhân, tỷ lệ số giường điều trị, tình trạng lạm dụng xét nghiệm, sự công khai, minh bạch các nguồn thu… Hơn nữa, nếu ở đâu đó thiếu sự minh bạch, gương mẫu, xảy ra vấn đề trục lợi v.v.. thì đương nhiên việc thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ sẽ dẫn đến nguy cơ lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật, càng khiến tình trạng “móc túi” người bệnh diễn ra trầm trọng. Đồng thời, ngoài nỗ lực của lãnh đạo bệnh viện cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhất định phải có sự đồng hành, chia sẻ và tuân thủ nghiêm quy định tại bệnh viện của bệnh nhân (đặc biệt là người nhà bệnh nhân) khi đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, cũng cần xác định đúng việc xã hội hóa ở những khâu nào để không đưa bệnh viện vào thế khó, thiếu kinh phí và không đẩy người bệnh (đa số là người có thu nhập thấp) vào thế kẹt.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT