Những năm tháng qua đi, ẩm thực Sài Gòn dần chiếm trọn trái tim, để tôi càng thêm yêu thành phố này nhiều hơn. Tôi nhận thấy thành phố hơn 300 năm tuổi như trẻ mãi, hấp dẫn và lôi cuốn vô cùng. Trẻ trung trong diện mạo, trong sự năng động và phát triển của một thành phố công nghiệp. Trẻ trong việc tiếp biến văn hóa ẩm thực cổ-kim, Đông-Tây để làm đẹp cho mình.
Nói về văn hóa ẩm thực thì mỗi vùng miền lại có những nét độc đáo riêng. Nếu như ẩm thực miền Bắc mang một nét thanh đạm, tinh tế, cầu kỳ; miền Trung với nét giản dị, mộc mạc và cái vị cay chẳng thể nhầm lẫn với bất kỳ vùng miền nào. Ẩm thực Nam Bộ lại mang màu sắc đậm đà, đa dạng mà giản đơn, hệt như cái cách sống bình dị, chân chất, thật thà nhưng nghĩa tình của con người vậy, đặc biệt là ở Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh.
    |
 |
Cơm tấm ở TP Hồ Chí Minh luôn được khách ưa chuộng |
TP Hồ Chí Minh nằm ở ngã ba đường của Bắc-Nam-Đông-Tây trên vùng Đông Nam Bộ. "Hòn ngọc Viễn Đông" một thời là nơi giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì thế, nó mang một nét riêng, hào phóng, sôi động và lộng lẫy, nhưng không kém phần lắng đọng, lan tỏa.
Khách trong và ngoài nước khi đến với TP Hồ Chí Minh đều có thể thỏa mãn hương vị ẩm thực của mình, nên người ta vẫn thường kháo nhau rằng: “Ở Sài Gòn muốn ăn gì mà chẳng có”. Từ khu phố tây Bùi Viện, cho đến những con đường ẩm thực của người Hoa ở quận 5, những nhà hàng sang trọng ở quận 1, quận 3, du khách đều có thể dễ dàng tìm cho mình những món ăn ưa thích. Mấy cô em gái miền Bắc nhớ nhà, lại lên khu sân bay để tìm chút dư vị quê hương, hay chiều về nhớ thương miền Trung thì đến chợ Bà Hoa, để tìm lại mùi bếp quê của mẹ trong những món xứ Quảng ở nơi Sài thành nhộn nhịp. Tôi nhớ lúc còn là sinh viên năm thứ hai có dạy tiếng Việt cho người bạn sinh viên Lào du học tại Việt Nam tên là Aphisit Phachanthavong. Vào sinh nhật của bạn, tôi dẫn Aphisit đến một quán ăn chủ yếu là các món Lào và Thái. Xúc động và bất ngờ, anh bạn Lào như tìm được cái hồn của đất nước mình trong lòng TP Hồ Chí Minh hoa lệ này vậy. Vừa ăn vừa khen ngợi hết lời, Aphisit cảm động: “Người Sài Gòn giỏi quá, nấu món Lào giống như người Lào vậy”. Sau này mỗi lần nhớ nhà, anh bạn lại xách xe đi ăn các món Lào với cảm xúc “ở đó có mùi bếp của người Lào”. Quả đúng là chỉ có ở TP Hồ Chí Minh thì mới được chiều chuộng tâm hồn mình mỗi khi nhớ nhà.
Tuy tiếp nhận nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, nhưng văn hóa ẩm thực ở TP Hồ Chí Minh vẫn mang cái cốt, cái hồn riêng của nó. Các món ăn ở đây hầu như đều mang vị ngọt, nước cốt dừa thường được sử dụng trong các món ăn để thêm vị béo nhưng không quá ngấy. Ngoài ra, họ còn thích cho tiêu vào món ăn để tăng thêm hương vị. Người miền Nam chuộng các món ăn kích thích vị giác, đã ngọt thì phải ngọt lịm, đã cay thì phải cay xè, đã mặn thì phải mặn đến chát, đã chua thì phải chua lè, đã đắng thì phải đắng ngắt. Các món lẩu bao giờ cũng nhiều loại rau đồng nội như: Bông điên điển, rau càng cua, rau rút, rau muống... Các món nướng cũng có nhiều kiểu hơn là: Nướng than hồng, nướng lu, nướng trui, nướng đất sét... Và nhắc đến Sài Gòn thì không thể bỏ qua những món ăn vặt vỉa hè như bánh xèo, bánh bột lọc, chè chuối, chè bà ba, hủ tiếu, bò viên... Nói ẩm thực chốn Sài thành đa dạng là thế, bởi mỗi mùa lại có những đồ ăn thức uống khác nhau, quanh năm ngày tháng dù là đêm muộn hay sáng sớm tinh mơ, dạo một vòng Sài Gòn sẽ chẳng bao giờ lo bị đói.
    |
 |
Sức hấp dẫn của cơm tấm Sài Gòn |
Nhiều du khách nước ngoài hay khách ngoại tỉnh đến TP Hồ Chí Minh thích ăn cơm tấm, chuối nướng nếp, hoặc bánh mì kẹp chả, thịt. Một số bạn sinh viên người Nhật, người Hàn hay người Pháp đến TP Hồ Chí Minh học tiếng Việt còn mê món cơm tấm hơn mê người yêu. Cơm tấm được hãng truyền thông CNN bình chọn là một trong những món ăn hấp dẫn nhất ở đây và được vinh danh vì giá trị ẩm thực của nó mang lại. Cơm tấm được nấu từ hạt tấm ở đầu hột gạo của các loại gạo nổi tiếng Nam Bộ như: Nàng Hương, Thơm Thái, Thơm Dừa, Tài Nguyên, Chợ Đào… Khi tấm chín, vị thơm của nó tỏa ra ngào ngạt hơn cả gạo tám. Cơm tấm ăn kèm với nhiều loại thức ăn như: Sườn nướng, trứng ốp la, thịt kho, hay các món cá, nhưng ngon nhất với 3 vị: Sườn-bì-chả. Sườn được chọn kỹ, ướp với nhiều loại gia vị: Dầu hào, ngũ vị hương, mật ong, hành, tỏi… trước khi nướng. Khi được nướng chín, miếng sườn tỏa mùi vị ngào ngạt, đánh thức tất cả các vị giác. Cùng với bì, chả, nó làm cho dĩa cơm tấm trở nên hoa mỹ, bắt mắt và cồn cào vào gan ruột. Và khi ngồi vào bàn ăn với đôi đũa, chiếc thìa trên tay, ta sẽ cảm nhận được tất cả vị ngon, ngọt, thơm, bùi mà cơm tấm mang lại, để yêu, để nhớ, để khắc khoải với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh nhiều hơn.
Giản dị nhưng đầy ấn tượng, bánh mì còn là một biểu tượng ẩm thực khó quên với du khách trong và ngoài nước khi đến với TP Hồ Chí Minh. Chẳng thế mà các báo quốc tế vẫn thường khen ngợi nó hết mực: “Một điều bí mật mà không mấy người biết, đó là món sandwich ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở thành phố Rome, Copenhagen hay New York mà ở Việt Nam”. Bánh mì Sài Gòn khá đơn giản. Sau khi được hơ qua than hồng cho vỏ ngoài giòn, bánh mì được kẹp với chả lụa, chả lạnh, chả chiên, một ít ruốc thịt heo, dưa leo xắt dài và mỏng. Và quan trọng là nước sốt để rưới trải lên bên trong. Mỗi hàng bánh mì lại có một kiểu nấu riêng đặc trưng của mình. Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 5-2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi đến với TP Hồ Chí Minh đã dành thời gian thưởng thức món bánh mì hấp dẫn này. Và cũng từ hình ảnh chiếc bánh mì nổi tiếng đó, người ta vẫn thường so sánh nó với hình ảnh tòa nhà Bitexco ở quận 1. Đó là những ấn tượng khó phai của TP Hồ Chí Minh trong tâm hồn mọi người.
Văn hóa ẩm thực chi phối không nhỏ trong cách ứng xử và giao tiếp của cộng đồng. Có lẽ vì thế mà món ăn ở Sài Gòn rất đa dạng vì có sự giao thoa của nhiều vùng miền, cũng như nhiều dân tộc khác nhau. Văn hóa ẩm thực của con người nơi đây cũng y như tính cách của họ vậy. Thế nên sẽ chẳng bao giờ tôi quên về những ngày đầu của tháng 12-2012, khi mới bỡ ngỡ bước vào TP Hồ Chí Minh học tập. Đám bạn học chung lớp 11 đều là người thành phố. Chúng thân thiện và dễ thương hơn những gì tôi tưởng tượng. Sau mỗi giờ tan học, bạn bè kéo tôi chạy qua con đường phía sau trường, lê la ở những quán ăn vặt vỉa hè với bao nhiêu là món mà đám học trò chúng tôi mê mẩn. Cho tới tận bây giờ, khi không còn ngồi trên ghế mái trường cũ và cũng ít gặp lại bạn xưa, nhưng nhớ thương về những kỷ niệm đó, tôi đều xách xe chạy về con đường Lý Chính Thắng, quận 3, gọi cho mình vài ba món để nhớ, để thương tuổi học trò.
    |
 |
Bánh mì - một biểu tượng ẩm thực của Sài Gòn |
Nếu như Hà Nội nổi tiếng với văn hóa “trà chanh chém gió”, thì TP Hồ Chí Minh lại được biết đến với văn hóa nhậu. Văn hóa nhậu ở đây mang một nét riêng, hào phóng, sôi động khác hẳn với vẻ trầm tư, thanh tao, nho nhã của xứ Bắc, hay dè dặt, chu đáo của người miền Trung. Người Sài Gòn cũng không tự bó buộc mình trong một quy chuẩn nào trên bàn nhậu, nơi đâu cũng có thể nhậu, nhưng ưa chuộng hơn cả là những không gian sân vườn rộng thoáng, cảnh sắc giản dị. Hơn nữa người Sài Gòn không có khái niệm đại gia hay chức vụ cao thấp. Một ông chủ đi siêu xe vẫn ngồi vỉa hè nhậu cùng những người công nhân bình thường, mọi thứ đều bình đẳng để thưởng thức những món ngon trên thành phố này. Và đồ nhậu thì khá đơn giản, chỉ là vài ba loại quả, dăm ba miếng mồi sơ sơ, có khi chỉ là vài ổ bánh mì chả, một đĩa chuối nướng nếp là có thể nhậu, mọi thứ đều dễ chịu, nhẹ nhàng và bình thản. Khi nhậu xong họ không cả nể, lễ nghĩa mà sòng phẳng chia tiền thanh toán ngay trên bàn nhậu. Người Sài Gòn rất ít nhậu trưa, chỉ có nhậu tối-đêm-sáng. Họ nhậu để chia sẻ những nỗi niềm của nhau, vui nhậu, buồn nhậu và không có cớ gì cũng nhậu. Họ coi đó là phương thức giao tiếp đặc biệt để tỏ lòng mến khách của mình.
Và có điều thú vị hơn cả là bữa cơm gia đình trong văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn. Trong bữa ăn, gia đình Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường tuân thủ theo một phép tắc nhất định, những thành viên nhỏ tuổi hơn sẽ phải “mời cơm” người lớn trước khi ăn - thể hiện một nét đẹp văn hóa, tôn ti trật tự và sự kính trọng trong gia đình. Trong khi đó, người dân Sài Gòn hầu như không có thói quen này. Bên cạnh đó, bữa cơm của người Bắc phải đầy đủ những món xào, mặn, canh... thì người Sài Gòn lại khá đơn giản, duy chỉ cần một món mặn và canh, nếu chẳng kịp chờ nhau thì mỗi thành viên trong gia đình cứ tự ăn cơm rồi đi học, đi làm. Cùng sự khác biệt về văn hóa đó, người Hà Nội ăn sáng đi làm, còn người Sài Gòn chỉ cần một ly cà phê sáng cho cả ngày tỉnh táo làm việc. Có lẽ cuộc sống tấp nập về đêm ở Sài Gòn đã hình thành nên những văn hóa khác biệt đó.
Văn hóa ẩm thực ở TP Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú và độc đáo là thế, nó góp phần không nhỏ thu hút khách du lịch và tạo nên sức hút cho bất kỳ du khách nào khi đến với TP Hồ Chí Minh. Là con gái miền Bắc, sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh được 7 năm thì từng ấy năm tôi yêu văn hóa ẩm thực nơi đây. Mỗi lần xa thành phố này, trong lòng tôi đều khắc khoải, thương nhớ khôn nguôi. Và tôi cũng tin rằng, những ai có dịp đến, rồi thưởng thức những món ngon của phương Nam, sẽ không bao giờ quên được. Bởi những điều độc đáo đó, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hoa lệ đã được nhiều người ban tặng cái tên mỹ miều: “Xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam”.
TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2018
Bài và ảnh: LÊ CÚC