Trong khi đó, Đảng Cộng hòa vốn đang tranh cãi hỗn loạn tại Quốc hội và chia rẽ xung quanh bản án hình sự với ông Donald Trump lại thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ với việc Đại hội đảng toàn quốc chính thức đề cử ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống.

Quyết định rút lui của ông Joe Biden vào thời điểm diễn ra bầu cử chỉ còn hơn 100 ngày tạo ra cú sốc chưa từng có trên chính trường nước Mỹ. Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, chưa có ứng cử viên nào đang ở vị trí đại diện chắc chắn của một đảng lại rút lui khỏi cuộc đua vào thời điểm cận kề đến như vậy. Trường hợp tương tự gần nhất là với Tổng thống Lyndon Johnson, nhưng ông này thông báo không tìm kiếm một nhiệm kỳ mới ngay từ tháng 3-1968 vì sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ phòng Bầu dục Nhà trắng, ngày 24-7. Ảnh: Reuters

Công bằng mà nói, ông Joe Biden đã làm được nhiều việc. Dưới sự chèo lái của ông, nước Mỹ đã vượt qua cơn đại dịch Covid-19 khủng khiếp từng cướp đi sinh mạng hơn một triệu người và cuộc khủng hoảng kinh tế được coi là trầm trọng nhất kể từ thời kỳ đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Việc thông qua được các đạo luật lưỡng đảng mang tính định hướng quốc gia trong nhiều năm tới, rồi biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế-sức khỏe, nỗ lực vượt qua tranh cãi xung quanh dự luật về khí hậu, cùng các bước đi nhằm củng cố mạng lưới liên minh của Mỹ trên toàn cầu có thể coi là những di sản đáng giá mà ông Joe Biden để lại. Đây là những thứ có vai trò tạo dựng nền móng mà phải hàng chục năm sau mới có thể đánh giá hết.

Thế nhưng, màn trình diễn thiếu thuyết phục trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cùng vị trí luôn tụt lại phía sau của ông Joe Biden so với đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây khiến các thành viên chủ chốt trong Đảng Dân chủ và các nhà tài trợ lo ngại. Nhiều người bắt đầu công khai nghi ngờ về khả năng thắng cử của ông Joe Biden. Từ ứng cử viên duy nhất của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden rơi vào tình thế phải chiến đấu với hai cuộc chiến cùng một lúc, vừa chống lại đối thủ Donald Trump và Đảng Cộng hòa, vừa chống lại sức ép trong chính đảng của mình. “Điều đó là quá sức để duy trì một chiến dịch tranh cử hướng đến cuộc tổng tuyển cử”, ông Thomas Gift, Phó giáo sư khoa học chính trị tại University College London, đánh giá.

Với sự rút lui của ông Joe Biden, Đảng Dân chủ hy vọng có thể lật ngược tình thế trong giai đoạn nước rút hiện nay, đồng thời duy trì ảnh hưởng trong Quốc hội vốn đang phải đối mặt với thách thức nặng nề từ phía Đảng Cộng hòa. Vào ngày 5-11-2024, cử tri Mỹ không chỉ đi bầu tổng thống mà còn bầu lại một số nghị sĩ ở Hạ viện và Thượng viện. Từ hai năm nay, Hạ viện đã nằm trong tay Đảng Cộng hòa. Nếu không tạo được sức hút với cử tri, Đảng Dân chủ có nguy cơ mất nốt quyền kiểm soát tại Thượng viện.

Đây không phải là điều dễ dàng bởi giờ đây, Đảng Dân chủ phải gấp rút tìm cách tái ổn định quá trình đề cử và thuyết phục cử tri trong khoảng thời gian ngắn đến mức kinh ngạc rằng ứng cử viên mới của họ có thể đảm đương công việc và đánh bại đối thủ Donald Trump. Trước mắt, việc ông Joe Biden ngừng chiến dịch tái tranh cử mở đường cho một số gương mặt mới trong Đảng Dân chủ bước ra ánh sáng, trước hết là bà Kamala Harris, 59 tuổi, đương kim Phó tổng thống. Vào thời điểm hiện nay, Đảng Dân chủ khó có thể tìm thấy ứng cử viên nào phù hợp và có uy tín hơn bà Kamala Harris, người được coi là biết tường tận bộ máy cũng như mọi hoạt động của chính quyền Mỹ, đồng thời khá quen biết với đa số nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Với Đảng Cộng hòa và ứng cử viên Donald Trump, sự thay đổi muộn màng từ phía Đảng Dân chủ đang khiến họ bất ngờ. Kể từ sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Đảng Cộng hòa đã tập trung mọi nỗ lực cho màn tái đấu Trump-Biden và đang tràn đầy hy vọng vào một chiến thắng dễ dàng trước sự “mong manh” của đối thủ. Giờ đây, họ phải làm lại từ đầu sau khi ông Joe Biden từ bỏ ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Không những thế, mũi nhọn mà Đảng Cộng hòa thường tập trung chĩa vào ông Joe Biden là vấn đề tuổi tác giờ lại quay ngoặt thành điểm yếu với ông Donald Trump trong cuộc đua với đối thủ tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ là bà Kamala Harris vốn trẻ hơn 18 tuổi.

Trước mắt, Đảng Cộng hòa và ông Donald Trump đang tập trung công kích bà Kamala Harris về chính sách nhập cư dưới thời ông Joe Biden, điều mà Đảng Cộng hòa cho là nguyên nhân khiến hàng triệu người vượt biên giới phía Nam vào Mỹ bất hợp pháp. Mũi nhọn tấn công thứ hai sẽ là tiếp tục xoáy sâu vào vấn đề kinh tế. Các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy đa phần người dân Mỹ hiện không hài lòng với tình trạng chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, cũng như lãi suất khiến việc mua nhà trở nên khó khăn hơn.

Một cuộc đua mới đã bắt đầu. Sau cú ngoặt trên đường đua với sự rút lui của ông Joe Biden, chính trường Mỹ tưởng chừng sẽ chứng kiến một trận tái đấu tẻ nhạt bỗng dưng trở nên hấp dẫn và khó lường.

TƯỜNG LINH