Ngày 22-12-2024, tại Hội nghị America Fest kéo dài 4 ngày do nhóm chính trị theo khuynh hướng bảo thủ Turning Point USA tổ chức tại bang Arizona, ông Donald Trump tuyên bố rằng, ngay lập tức sau khi chính thức vào Nhà Trắng , ông sẽ cho đóng cửa biên giới đối với người nhập cư trái phép: “Mỗi một thành viên của băng đảng ngoại quốc và người xa lạ bất hợp pháp, tất cả mạng lưới tội phạm đang hoành hành trên đất Mỹ sẽ bị giải tán, trục xuất và tiêu diệt”.

Có tin rằng đội hình của ông Donald Trump cũng đang nghiên cứu các biện pháp khác nhau để bãi bỏ quy chế cấp hộ chiếu cho những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ từ những cha mẹ không có hộ chiếu cũng như thắt chặt hơn việc cấp visa du lịch... Trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ cũng sẽ chỉ công nhận hai giới tính: Nam và nữ! Ông nhấn mạnh: “Thế chắc sẽ không quá phức tạp, phải không?”. Ai cũng biết rằng, vấn đề giới tính luôn là chủ đề rất nhạy cảm và phức tạp, có thể gây nên những dư luận nhiều chiều nhất ở nước Mỹ.

leftcenterrightdel

Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Donald Trump còn công bố nhiều dự định làm xôn xao dư luận như sẽ mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới, hiện đang thuộc về Đan Mạch là Greenland hoặc sẽ đưa Mexico và Canada trở thành những tiểu bang mới của Hoa Kỳ. Phát biểu trước các cử tri ủng hộ mình và giới tinh hoa chính trị tại Arizona, ngày 22-12-2024, ông Donald Trump cũng tuyên bố rằng, bộ máy chính quyền tương lai của ông là một “đội tuyển trong mơ” và bên cạnh các nhiệm vụ khác thì có một nhiệm vụ rất quan trọng là giành lại quyền sở hữu kênh đào Panama cho nước Mỹ. Ông Donald Trump cho rằng, nước Mỹ đã đánh mất kênh đào Panama chỉ vì một “hiệp định ngu ngốc”. Lý do mà ông nêu ra để biện minh cho dự tính làm chủ lại kênh đào Panama là mức phí quá cao mà Chính phủ Panama đưa cho đối với các tàu, thuyền đi qua đó, gây ảnh hưởng tai hại, nặng nề cho lợi ích kinh tế của các công ty Mỹ (!) Theo ông Donald Trump, kênh đào Panama vô cùng quan trọng đối với nền thương mại Mỹ cũng như việc kịp thời triển khai các đơn vị hải quân Hoa Kỳ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ông Donald Trump cho biết, Washington là khách hàng sộp nhất của kênh đào này, chiếm tới 72% tổng lượng tàu, thuyền đi qua đấy.

Tất nhiên, Chính phủ Panama ngay lập tức phản bác dự định của ông Donald Trump. Tổng thống Panama, Jose Raul Mulino đã cho công bố luôn video clip mà trong đó ông nhấn mạnh rằng sẽ không bao giờ có việc xem xét lại hiệp ước năm 1999 giữa Mỹ với Panama, và Panama sẽ không để mất đi một mét vuông đất nào của mình. Ông Mulino cũng khẳng định: Nền độc lập và chủ quyền của Panama là những điều không bao giờ được bàn lại! Trước quan điểm này, ông Donald Trump chỉ đáp lại ngắn gọn trên mạng xã hội Truth Social: “Để rồi xem!”.

Có tin rằng, ngay sau khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump cũng sẽ tuyên bố đưa nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay cả đối với các đồng minh vẫn được cho là rất thân cận với Mỹ là các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Donald Trump cũng đang dành những đề nghị rất không dễ chịu, đặc biệt trong lĩnh vực “tiền liền với ruột”. Chi phí quân sự của các nước thành viên NATO từ năm 2014 tới nay thường ở mức khoảng 2% GDP. Một số nguồn tin nội bộ cho biết, NATO đang cố gắng nâng ngưỡng này lên khoảng 3%. Theo báo điện tử Ba Lan Fakt, các nước thành viên NATO có mức chi phí quân sự cao hơn cả (tính theo tỷ lệ đối với GDP) là Ba Lan, Estonia, Hoa Kỳ, Latvia và Hy Lạp. Ba Lan hiện đứng đầu danh sách này và đang cố gắng đạt tới tỷ lệ 4% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, ông Donald Trump lại muốn các nước thành viên NATO phải mau chóng đạt mức chi phí quân sự lên tới 5% GDP ngay từ bây giờ! 

Quan điểm của ông Donald Trump về các mối quan hệ với những siêu cường hàng đầu khác trên thế giới như Trung Quốc và Nga cũng đang gây nên mối lo ngại về triển vọng không dễ suôn sẻ. Đã xuất hiện thông tin ông Donald Trump gửi tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lời mời tham dự lễ nhậm chức của mình vào ngày 20-1-2025, nhưng dường như Bắc Kinh đã từ chối (?). Trên truyền thông Mỹ cũng xuất hiện tin ông Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin có vẻ như đang rất muốn gặp nhau để thảo luận về các vấn đề song phương và quốc tế, trong đó đặc biệt có việc tìm phương thức chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, cho đến những ngày cuối cùng của năm 2024, Điện Kremlin vẫn khẳng định Moscow chưa hề có kế hoạch gì về cuộc gặp với Tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Khúc dạo đầu như thế khó có thể coi là suôn sẻ. Thực tế cho thấy, nước Mỹ khó có khả năng trở lại vĩ đại nếu khiến các nước khác trở nên bé nhỏ hơn so với những thứ họ xứng đáng có được từ tiềm lực và truyền thống vốn có.

Trong tình huống này, câu nói mà ông Donald Trump dành cho Panama dường như rất thích hợp khi nhận định về triển vọng quan hệ giữa các siêu cường và mức độ hữu hảo trên trường quốc tế trong thời gian tới: Mọi sự đều phải “để rồi xem!”.

 HỒNG THANH QUANG