Đây là “phát súng” thương mại đầu tiên mà Mỹ nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Khỏi phải nói châu Âu thất vọng thế nào. Mô tả hành động của ông Donald Trump là “kỳ quặc”, “bắt bí”, tờ “Le Monde” của Pháp cảnh báo ông chủ Nhà Trắng “đang tiếp tục có cách nhìn hoang tưởng, sai lạc và nghèo nàn về kinh tế”. Trong phản ứng gay gắt với mức thuế quan mà châu Âu coi là “vô lý”, EU đã công bố các biện pháp đối phó “nhanh chóng và tương xứng” đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trị giá lên tới 28 tỷ USD. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ tháng 4 tới nếu như Washington và Brussels không hóa giải được mâu thuẫn.
    |
 |
Cụm từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã trờ thành biểu tượng cho chiến thắng của ông Donald Trump. Ảnh:AP
|
Thực ra, quyết định của ông Donald Trump không phải là điều hoàn toàn mới. Thực chất, đây là sự mở rộng chương trình thuế quan mà ông đã triển khai trong nhiệm kỳ cầm quyền trước đối với nhôm và thép. Năm 2018, ông Donald Trump từng đưa ra mức thuế quan 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng miễn trừ đối với một số quốc gia. Lần này, toàn bộ các trường hợp miễn trừ đó đều bị xóa bỏ và thuế quan đối với nhôm tăng từ 10% lên 25%.
Tuy nhiên, điều khiến người ta đặt câu hỏi là vì sao đồng minh thân cận của Mỹ là châu Âu cũng bị đặt trong tầm ngắm? Nhìn lại quá khứ, có thể thấy có nhiều thứ khiến ông Donald Trump không hài lòng với châu Âu. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng tuyên bố: “Chúng tôi đã bị các quốc gia châu Âu lừa đảo cả về thương mại và NATO”. Bằng chứng là trong lĩnh vực thương mại, châu Âu tìm mọi cách tận dụng tối đa thị trường tiêu thụ to lớn của Mỹ, trong khi lại dựng hàng rào thuế quan với hàng của Mỹ nhập vào châu lục này. Con số 235,6 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với EU trong năm ngoái là điều mà ông Donald Trump khó có thể bỏ qua.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, ông Donald Trump muốn định hình lại mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, kể cả với các đồng minh. Thuế quan 25% mà Tổng thống Donald Trump áp lên tất cả thép và nhôm là một phần trong chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm hiện thực hóa khẩu hiệu đó. Mục tiêu của ông Donald Trump là giúp điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại, đồng thời đưa các nhà máy và việc làm trở lại nước Mỹ.
Với ông Donald Trump, để “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông sẽ không kiêng nể ai, kể cả với đồng minh thân cận như châu Âu. Ngay trong cuộc họp nội các đầu tiên của chính quyền mới, ông đã công khai chỉ trích EU: “Cứ nhìn xem, thành thật mà nói Liên minh châu Âu được lập ra để bòn rút tiền của Mỹ. Đó là mục đích của khối này và họ đã làm rất tốt. Nhưng bây giờ, tôi là Tổng thống”. Lời cảnh báo tiếp đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth với châu Âu còn nặng nề hơn: “Tổng thống Donald Trump sẽ không để bất cứ ai biến Chú Sam (biệt danh và hình tượng nhân hóa của nước Mỹ) thành kẻ ngốc”. Nó cho thấy quan hệ Mỹ-châu Âu không còn êm ấm như trước.
Tất nhiên, châu Âu sẽ không ngồi yên hứng chịu tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) đã ngay lập tức phản ứng bằng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp đối phó từ ngày 1-4. Chiến thuật của EC là sẽ ngắm vào các tiểu bang mà Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đang kiểm soát, cũng như các mặt hàng mà châu Âu tin rằng sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ nặng nề đến mức Washington phải suy tính lại. Các mặt hàng sẽ bao gồm đậu nành được sản xuất tại Louisiana, quê hương của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thịt bò và gia cầm từ các tiểu bang đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử gần đây, nhất là Nebraska và Kansas. Trong tương lai, EU còn có thể áp dụng thêm biện pháp trả đũa với các mảng như dịch vụ số, sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-EU đã cận kề. Nếu nó bùng nổ thì chắc chắn đây sẽ là cuộc chiến không có người chiến thắng. Dù trong thế chủ động nhưng Mỹ đã bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực từ biện pháp cứng rắn của ông Donald Trump. Giá trị thị trường của nhiều công ty đã sụt giảm khi các nhà đầu tư hoang mang trước việc thuế nhập khẩu tăng cao và tâm lý tiêu dùng đi xuống. Theo tờ “Libération” của Pháp, 5 tỷ phú từng hiện diện trong lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump đã bị thiệt hại tổng cộng 209 tỷ USD. Các nhà kinh tế còn vẽ ra viễn cảnh Mỹ sẽ phải chịu tổn thương nặng nề hơn: “Ngọn lửa” lạm phát sẽ lại bùng lên và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại, thậm chí rơi vào lạm phát.
Chưa thể dự báo hết tác động tiêu cực từ chính sách thuế của ông Donald Trump. Nhưng có điều chắc chắn rằng trong “canh bạc” thuế quan này, chỉ có lợi ích chứ không có đồng minh và đây sẽ là ngòi nổ cho những xung khắc mới giữa Mỹ và châu Âu.
TƯỜNG LINH