Theo Bloomberg ngày 4-6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen cho rằng, NATO chỉ còn khoảng 2 hoặc 3 năm nữa để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với nước Nga. Trước đó, tháng 1-2024, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Liên bang Đức Boris Pistorius đã tuyên bố rằng, châu Âu “đang vấp phải một nguy cơ quân sự chưa từng có suốt 30 năm qua” và dự báo về khả năng Nga sẽ tấn công sau 5 hoặc 8 năm nữa. Cơ quan tình báo Đức cũng tung ra thông tin cho rằng, hiện nay Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn với NATO và có thể tấn công một phần lãnh thổ của liên minh này từ năm 2026.

Không ngẫu nhiên mà ngày 5-6, trên diễn đàn Quốc hội Đức, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Boris Pistorius đã tuyên bố: “Chúng ta cần phải sẵn sàng cho chiến tranh trong năm 2029!”. Theo lập luận của chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ-Xã hội Đức này, “các nước phương Tây không nên tin rằng ông Putin sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine. Nước Nga đang là mối đe dọa không chỉ đối với Ukraine mà cả với Gruzia, Moldova và cuối cùng là với cả NATO nói chung. Chúng ta cần phải hành động trong vai trò yếu tố kiềm tỏa để không khiến tình hình trở nên quá đà”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức không chỉ một lần đưa ra những đề nghị về việc khôi phục lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc (đã bị bãi bỏ từ 13 năm trước). Ông Pistorius nhấn mạnh: “Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta sẽ cần những nam thanh niên và phụ nữ trẻ có thể bảo vệ được đất nước này”.

leftcenterrightdel
 

Lực lượng Anh sẽ tham gia tập trận cùng lực lượng các nước đồng minh NATO. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh 

 

Trên “hòn đảo sương mù”, mới đây, trong bài phát biểu trước công chúng, thủ lĩnh đương nhiệm Công đảng Keir Starmer-người có thể sẽ trở thành ứng cử viên cho chức Thủ tướng Anh trong tương lai, đã tuyên bố rằng, nếu Công đảng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, ông sẽ tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia, gia tăng chi phí quốc phòng và kho vũ khí hạt nhân. Theo tướng Patrick Sanders, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh, quân đội Anh ở thời điểm hiện nay vẫn chưa sẵn sàng cho thế chiến thứ ba. Ông cho rằng, London cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho một cuộc chiến tranh quy mô. Ý kiến này của tướng Sanders xem ra không trùng hợp với quan điểm của Đô đốc Tony Radakin, Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh, người chủ trương làm giảm mối nguy cơ đang đối diện trước “hòn đảo sương mù” và cho rằng, có lẽ Moscow không muốn đối đầu trực tiếp với London.

Quả thực, các nhà lãnh đạo Nga đúng là đã không chỉ một lần bày tỏ thái độ muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho những gì đang diễn ra trong quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, không loại trừ tình huống “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”. Từ những kinh nghiệm đắng đót thời “hậu Chiến tranh Lạnh”, Điện Kremli của Tổng thống Vladimir Putin không muốn bị phương Tây lừa dối thêm một lần nữa. Trong cuộc gặp gỡ với báo giới tới từ “những quốc gia không thân thiện” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg ngày 6-6, ông Putin đã nhấn mạnh rằng, các nước phương Tây đang lao vào một cuộc chiến tranh với nước Nga và “đó là con đường dẫn tới những vấn đề hết sức nghiêm trọng”. Moscow không hề muốn khởi chiến với NATO, nhưng phương Tây đừng đùa với lửa và đừng dồn nước Nga vào tình thế mà họ bắt buộc phải sử dụng cả vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ.

Hoàn toàn không tình cờ khi trong bài báo công bố trên tờ The Guardian ngày 6-6, cựu thủ lĩnh Công đảng Anh Jeremy Corbyn đã phải lên tiếng phê phán những chính trị gia Anh quốc đang theo đuổi việc gia tăng chi phí quốc phòng và làm mới lại kho vũ khí hạt nhân, viện lý do lo lắng cho nền an ninh quốc gia và nguy cơ tiềm ẩn bùng nổ xung đột với Moscow. Theo lời ông Corbyn, những hành vi như thế chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trên thế giới. Theo ông Corbyn, sau một giai đoạn giảm bớt dần dần trong thời kỳ “hậu Chiến tranh Lạnh”, số lượng vũ khí hạt nhân khả dụng lại bắt đầu gia tăng. Hiện nay, trên thế giới có hơn 12,5 nghìn đầu đạn hạt nhân, 90% trong số này thuộc về Liên bang Nga và Hoa Kỳ. Khác với thời chính phủ của bà Margaret Thatcher, nội các Anh đương nhiệm không cho tán phát các cuốn cẩm nang hướng dẫn người dân những biện pháp cứu mình trước khi trời cứu nếu xảy ra thảm họa hạt nhân, mà lại cư xử như đà điểu giấu đầu vào cát, làm ra vẻ không có nguy cơ sắp diễn ra “ngày tận thế nguyên tử”.

Một thế chiến mới là điều mà nhân loại không thể nào cho phép, vì “lụt sẽ lút cả làng”. Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ý thức được điều này nên Nhà Trắng đã phải công khai tuyên bố rằng, Washington không hề muốn gây ra chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói, còn trong thực tế thì không hẳn như vậy. Đến mức ngày 6-6, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, vì chính sách của Nhà Trắng hiện nay mà Washington có thể sẽ dính líu tới một cuộc chiến tranh hạt nhân với thiệt hại lớn đến mức chẳng còn gì có ý nghĩa nữa: “Đó sẽ là tận thế. Đó sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn. Có thể, đó sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn của cả thế giới...”.

HỒNG THANH QUANG