Lên nắm quyền vào tháng 10-2021, đúng vào thời điểm đầy thử thách khi Nhật Bản đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, ông Kishida Fumio đã tạo ra những bước chuyển ấn tượng với tăng trưởng kinh tế được duy trì, mặt bằng tiền lương cải thiện và thị trường chứng khoán đạt mức kỷ lục... Chỉ số Nikkei 225 vốn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế Nhật Bản đã tăng từ 28.000 điểm khi ông nhậm chức lên hơn 40.000 điểm vào tháng 3-2024, vượt mức cao nhất trong thời kỳ bong bóng tài chính năm 1989.
|
|
Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono chính thức tuyên bố sẽ tham gia tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 26-8-2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
|
Với nhiều nỗ lực và các giải pháp, cuối cùng thì Nhật Bản cũng thoát khỏi áp lực giảm phát kéo dài nhiều năm. Trong năm tài chính 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng 1%, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng dương kể từ năm tài chính 2021. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi, thu nhập bình quân của người lao động trong tháng 6-2024 đã tăng 4,5%, mức tăng liên tục trong 30 tháng liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tăng ở mức 3,3%, qua đó ghi nhận mức tăng lương đã vượt qua tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên sau 27 tháng.
Thế nhưng, hàng loạt vụ bê bối chính trị xảy ra đã phủ bóng đen lên bảng thành tích nhiều điểm sáng của ông Kishida Fumio, làm hoen ố hình ảnh của đảng cầm quyền. Năm ngoái, hàng chục nhà lập pháp LDP bị cáo buộc gian lận báo cáo kế toán để biển thủ một phần nguồn thu từ các sự kiện gây quỹ trong nhiều năm để chuyển lại cho những thành viên bán vé sự kiện gây quỹ khoảng 600 triệu yên (4,15 triệu USD), vi phạm luật bầu cử và vận động tranh cử. Văn phòng Công tố viên vùng Tokyo đã bắt giữ cựu Thứ trưởng Giáo dục Yoshitaka Ikeda vì nghi ngờ không báo cáo số tiền gây quỹ mà ông nhận được từ phe của mình trong LDP.
Niềm tin vào nội các của ông Kishida Fumio và LDP càng lung lay thêm khi báo chí tiết lộ nhiều chính trị gia LDP có quan hệ với Giáo hội thống nhất, một tổ chức tôn giáo ra đời ở Hàn Quốc năm 1954 rồi lan truyền sang Nhật Bản vào năm 1960. Giáo hội này hiện có chừng 100.000 tín đồ ở Nhật Bản, nổi tiếng với việc tổ chức các lễ cưới tập thể nhưng bị cáo buộc là chuyên “bóc lột, thu tiền tín đồ”. Sau một năm điều tra các nghi vấn, ông Kishida Fumio đã yêu cầu tòa án giải tán giáo hội có nguồn gốc từ Hàn Quốc này. Nhưng việc 179 trong số 379 nghị sĩ của LDP “từng có quan hệ, giao lưu” với Giáo hội thống nhất đã làm sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Kishida Fumio sụt giảm.
Trong nỗ lực giảm nhẹ tác động của vụ bê bối làm rung chuyển LDP và khôi phục ảnh hưởng, ông Kishida Fumio quyết định thay thế 4 bộ trưởng trong nội các, trong đó có Phát ngôn viên chính phủ hàng đầu Hirokazu Matsuno và Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Yasutoshi Nishimura. Ông cũng cố gắng giải tỏa bớt căng thẳng trong xã hội do lạm phát tăng cao bằng việc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 17.000 tỷ yên (hơn 100 tỷ USD) vào tháng 11-2023. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông Kishida Fumio không mấy hiệu quả.
Tất nhiên, bản thân ông Kishida Fumio không chịu trách nhiệm về các vụ bê bối trong LDP bởi đây là di sản của các chính quyền trước đây. Nhưng trong vai trò Chủ tịch LDP, ông đương nhiên phải gánh chịu mọi sự chỉ trích nhằm vào đảng này. Ông Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận xét: “Ông ấy đã phải chịu một ván bài cực kỳ tệ hại vì đây không phải là những vấn đề do chính ông ấy tạo ra”.
Đến khi tỷ lệ ủng hộ của dư luận dành cho chính phủ chỉ loanh quanh ở mức 20%, thì ông Kishida Fumio hiểu rằng LDP cần một gương mặt mới để lấy lại uy tín trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2025. Tuyên bố trong nội bộ LDP, ông Kishida Fumio khẳng định “Chính trị không thể vận hành nếu không có lòng tin của dư luận”, rằng LDP cần chứng minh cam kết thay đổi của mình sau một loạt vụ bê bối đã làm tổn hại lòng tin của công chúng và bước đầu tiên rõ ràng nhất là ông phải rút lui.
Quyết định ra đi của ông Kishida Fumio mở đường cho một trong những cuộc tranh cử chức Chủ tịch LDP khó lường nhất trong những năm gần đây bởi sự ganh đua giữa một loạt ứng cử viên như: Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Ngoại trưởng Yoko Kamikawa, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono... Ông Tobias Harris, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Japan Foresight, nhận xét: “Bằng cách rút lui khỏi cuộc đua, Kishida đã mở đường cho một cuộc bầu cử LDP đặc biệt hỗn loạn, biến cuộc đua vốn có vẻ cạnh tranh với một đương kim lãnh đạo dễ bị tổn thương thành một cuộc hỗn chiến với nhiều ứng cử viên có khả năng nhưng không có ứng cử viên nào được yêu thích rõ ràng”.
Theo lịch trình, cuộc bầu cử Chủ tịch LDP sẽ diễn ra vào ngày 27-9 tới. Chủ tịch mới của LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 101 của đất nước mặt trời mọc vì liên minh cầm quyền gồm LDP và Đảng Công Minh hiện chiếm đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, sự thay đổi này có giúp công chúng thấy “bộ mặt mới” của LDP một cách rõ ràng như hy vọng của ông Kishida hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Căng thẳng trên chính trường Nhật Bản còn chưa dừng lại.
TƯỜNG LINH