Tuy nhiên, nói cho cùng, vẫn không có gì thay đổi trong những nhiệm vụ mà giới lãnh đạo nước Mỹ đặt ra cho hệ thống cầm quyền. Với phương châm “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump đang cố gắng đưa ra những cách thức khác nhằm đạt được các mục tiêu truyền thống của Washington.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20-1, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố về ý định đoạt lấy quyền kiểm soát kênh đào Panama. Ngày 2-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã tới Panama thông báo rằng, ông Trump không muốn duy trì “quan hệ như hiện nay" đối với kênh đào Panama trước tình trạng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Và sau đó, Tổng thống Jose Raul Mulino của Panama đã phải quyết định không gia hạn thêm cho bản ghi nhớ với Trung Quốc về Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Thậm chí từ ngày 6-2, chính quyền Panama đã phải đồng ý không thu tiền quá giang qua kênh đào đối với các con tàu của Mỹ.
    |
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
|
Tổng thống Donald Trump cũng đã khiến cho lãnh đạo Đan Mạch phải xuống giọng trong những cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Greenland. Có lẽ Washington sẽ không ngừng gây sức ép đối với Copenhagen cho tới khi nào đạt được mục đích sở hữu vùng đảo có ý nghĩa địa chính trị rất quan trọng này?
Thực tế cho thấy, tham vọng nới rộng “không gian Mỹ” của Tổng thống Donald Trump không chỉ có thế. Ngày 5-2, trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, ông Trump đã tuyên bố rằng dải Gaza sẽ phải nằm dưới quyền quản lý của Washington: “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tháo gỡ mọi quả bom còn chưa nổ cũng như các loại vũ khí khác, sẽ san bằng khu vực này và làm sạch mọi tòa nhà đổ vỡ”. Người đứng đầu nước Mỹ cũng đã không ngần ngại tuyên bố: “Tôi thấy rõ tình huống sở hữu lâu dài Gaza. Điều này sẽ mang lại sự ổn định to lớn cho khu vực và cho cả Trung Đông.
Quyết định này đã được đưa ra không phải một cách nông nổi. Đối với Hoa Kỳ sẽ thật tuyệt vời khi được sở hữu khu vực đó và tạo ra những chỗ làm”. Ông Trump cũng tiết lộ: “Tôi đã chăm chú nghiên cứu vấn đề đó trong nhiều tháng, Gaza-đó là một nơi rất, rất nguy hiểm. Ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình từ phía các thủ lĩnh cấp cao nhất. Mọi người đều bảo rằng Hoa Kỳ cần sở hữu Gaza”. Rồi Tổng thống Mỹ nói thêm: “Nước Mỹ và Israel sẽ khôi phục lại sự bình yên và ổn định trong khu vực, chúng tôi sẽ mang lại sự phồn vinh, những cơ hội mới và niềm hy vọng cho hai nước chúng tôi và tất cả các dân tộc Trung Đông, kể cả những nước Arab và Hồi giáo”.
Trước những tuyên bố bất ngờ theo kiểu chơi bài ngửa của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel không giấu được sự ngạc nhiên: “Tôi đã nói rằng Gaza cần phải thôi là mối đe dọa đối với Israel, nhưng Tổng thống Trump đã còn dấn tới hơn nữa và đưa vấn đề này lên một tầm cao hoàn toàn khác...”.
Ngày 6-2, ông Trump còn quả quyết rằng kiểu gì thì Israel cũng sẽ “bàn giao” dải Gaza cho Mỹ sau khi xung đột kết thúc và Washington không cần triển khai quân lính trên thực địa. Tổng thống Mỹ có lẽ cũng đã hy vọng rằng nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng sẽ vỗ tay như ông Netanyahu trước kế hoạch kiểm soát dải Gaza. Tuy nhiên, thực tế không phải như thế. Ngay cả đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Cận Đông là Arab Saudi cũng ra tuyên bố chỉ ủng hộ phương án hai nhà nước (Palestine và Israel) cùng tồn tại.
Chính phủ Ai Cập và Jordan kiên quyết phản đối kế hoạch đưa người Palestine tái định cư trên lãnh thổ của họ sau khi Mỹ nắm quyền sở hữu dải Gaza. Thậm chí các cư dân Do Thái ở Israel cũng không muốn dải Gaza bị “Mỹ hóa”... Ngày 6-2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã gửi thông điệp tới Tổng thống Donald Trump, cảnh báo nên tránh việc “thanh trừng sắc tộc” ở dải Gaza...
Vốn rất tin vào sức mạnh của “các cú đánh vào dạ dày”, ông Trump đã ký sắc lệnh đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc ngày 2-2. Chỉ sau khi Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, có những động thái “xuống nước” thì ông Trump mới dịu giọng và cho hoãn lại việc áp thuế đối với hai quốc gia láng giềng này.
Trong trường hợp với Trung Quốc, có lẽ quan hệ giữa hai bên sẽ không dễ dàng trong thời gian tới, vì với tư thế một cường quốc kinh tế tiềm tàng nhiều triển vọng, Bắc Kinh không thể để cho Washington dễ dàng bắt nạt. Và Chính phủ Trung Quốc cũng đã bước đầu đưa ra những biện pháp áp thuế để trả đũa thái độ mà họ cho là xấu chơi từ phía ông Trump. Bắc Kinh còn dự định phối hợp tích cực hơn với các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để đối phó với các biện pháp bảo hộ đơn phương của Washington...
Theo quy luật muôn đời, mềm thì nắn nhưng rắn thì có lẽ cũng phải buông thôi. Trong quan hệ với Liên bang Nga cũng vậy: Dường như hiểu rõ quan điểm nhất quán của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vấn đề chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina nên sắp tới, có lẽ Nhà Trắng sẽ phải đưa ra kế hoạch vãn hồi hòa bình đối với Kiev theo hướng có phần nghiêng về phía Moscow hơn. Khác đi, Điện Kremlin sẽ khó đồng ý ngồi vào bàn thương thảo...
Cũng phải thấy rằng, Tổng thống Mỹ hiện nay không phải là người "có lá gan nhỏ" và ông rất biết biến tấu các quyết định của mình tùy theo thời thế và hoàn cảnh. Vì thế, có lẽ chính trường thế giới thời gian tới sẽ tiềm ẩn nhiều đụng độ bất ngờ...
HỒNG THANH QUANG