1. Chúng tôi tìm gặp Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú khi anh đang trên thửa ruộng tam giác mạch của gia đình ông Li Chúng Già, thôn Séo Lủng. Vừa thấy chúng tôi, ông Già vồn vã mời vào tham quan, chụp ảnh. Vé vào 20.000 đồng/người/lượt. Ông Già cho biết, vào mùa du lịch, mỗi ngày ruộng tam giác mạch cũng mang lại cho gia đình ông vài trăm nghìn đồng. Hôm đông khách có khi cả triệu đồng. So với việc trồng ngô trước đây, thu nhập hiện tại gấp vài chục lần.

Quay sang anh Tiến, ông Già chậm rãi: “Gia đình tôi có được thành quả như hôm nay cũng là nhờ anh Tiến”. Rồi ông kể lại câu chuyện trước đây, xã có chủ trương làm du lịch, chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng tam giác mạch. Anh Tiến đến vận động, sau một hồi giải thích, ông Già xuôi tai, mang chén rượu ngô ra mời. Hai người đang nói chuyện vui vẻ thì vợ ông Già về. Bà múc ngay một gáo nước lã đổ vào bát của chồng, giận dữ to tiếng: “Mày nghe thằng Tiến thì chỉ uống nước lã”. Khá bất ngờ với hành động của chủ nhà, anh Tiến vẫn giữ bình tĩnh, giải thích với vợ ông Già. Sau một hồi, bà vẫn nói trong bực tức: “Gia đình đồng ý bỏ ngô trồng tam giác mạch nhưng phải đền bù tiền giống, phân bón”. Chẳng phút do dự, anh Tiến vui vẻ lấy 500.000 đồng của mình hỗ trợ gia đình.

Đến giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, gia đình ông Già càng thêm cảm phục, trân quý anh Tiến hơn. Còn anh Tiến thì tự hào chia sẻ: “Tôi đi vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm bị phản ứng, thậm chí bị ghét không phải là chuyện hiếm. Nhưng đến vài năm sau, khi cách làm mới đạt hiệu quả, mang lại lợi ích thì họ tin tưởng, yêu quý mình hơn”. Gần 8 năm làm Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, anh Tiến đã lãnh đạo, triển khai thực hiện các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. 

Là cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú được phân công về đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã nên gánh nặng trách nhiệm của anh Tiến càng thêm nặng nề. Một mặt giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; mặt khác vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc biên cương. Trên cánh đồng hoa, bất ngờ anh Tiến nhận được cuộc điện thoại. Nghe xong, anh nói với chúng tôi: “Tôi vận động được một hộ gia đình có người tảo hôn cho mượn địa điểm để mời một số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang được xã vận động hoãn hôn, hủy hôn tới nói chuyện. Họ đã đồng ý. Chiều nay, mời các anh đến đó tìm hiểu thực tế đời sống của người dân địa phương”.

Đi hơn 10 cây số đường đèo dốc, chúng tôi đến nhà chị Sùng Thị Mý ở thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú. Tới nơi, anh Tiến niềm nở nói chuyện với bà con bằng tiếng Mông. Bước vào công việc, anh lấy dẫn chứng, phân tích cho mọi người hiểu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Anh lấy ví dụ là những trường hợp cụ thể đã xảy ra trong xã, có trường hợp trẻ bị dị tật bẩm sinh, mắc bệnh hiểm nghèo do bố mẹ cận huyết thống. Mọi người lắng nghe. Cũng có những người tranh luận với lý lẽ như “người đồng bào từ xưa vẫn thế”, “lấy sớm để có thêm người làm”...

Trước mỗi ý kiến như vậy, anh Tiến đều bình tĩnh giải thích thấu đáo. Nhân đó, anh dẫn giải thêm những quy định của pháp luật. Dần dần mọi người hiểu được, gật gù tán thành và cam kết bản thân cùng vận động người thân không vi phạm. Theo anh Tiến, tuyên truyền pháp luật cho người dân nếu làm cứng nhắc, qua loa thì không mang lại hiệu quả. Vậy nên phải bám sát cuộc sống, dẫn chứng cụ thể thì người dân mới tin và làm theo. 

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến vận động bà con xã Lũng Cú xây dựng nếp sống văn hóa mới. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

2. Trong căn phòng làm việc giản dị trên tầng 2 tại trụ sở UBND xã Lũng Cú, anh Tiến lấy 4 tập tài liệu khoe với chúng tôi: “Đây là khối tài sản lớn nhất của tôi sau 8 năm làm Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú”. Những trang tài liệu đều là biên bản ghi lại những buổi làm việc với người dân. Khi thì vận động hiến đất; buổi lại hỗ trợ tiền sửa nhà, di dời mồ mả, cam kết bỏ hủ tục... Điều đặc biệt là hầu hết phần xác nhận của người dân đều in dấu vân tay thay cho chữ ký. Hỏi ra chúng tôi được biết, ở xã Lũng Cú, người dân địa phương chủ yếu là người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo... Tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở những người có độ tuổi ngoài 35 rất cao nên họ không thể viết được tên mình.

- Có nhiều hộ không biết chữ, sao anh vẫn phải cẩn thận làm biên bản?-chúng tôi thắc mắc.

- Đồng bào nơi đây ban ngày họ thường đi làm nương rẫy, tối mịt mới về. Muốn vận động được người dân phải tranh thủ vào buổi tối. Mà một buổi đến nói chuyện thì khó thành công, phải kiên trì nhiều buổi. Vậy nên, khi người dân đồng ý, tôi liền ghi thành biên bản để cùng ghi nhớ, gắn trách nhiệm cùng nhau thực hiện. Biên bản các buổi làm việc cũng là công cụ hữu ích để tôi vận động, tuyên truyền nhân dân những vấn đề khác trong đời sống xã hội.

Người Mông từ bao đời nay có một điều cấm kỵ là không bao giờ di chuyển mồ mả tổ tiên. Vì người Mông cho rằng việc di chuyển mồ mả sẽ mang lại những điều không may. Để thay đổi nếp nghĩ của người dân, anh Tiến cùng một số cán bộ địa phương phải đến “cắm chốt” cả tháng ở thôn Séo Lủng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Trước tiên, anh đến gặp những người có chức sắc trong họ, những người cao tuổi, giải thích rằng có biết bao anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước vì dân. Khi họ ngã xuống, điều tâm nguyện của gia đình là được đưa hài cốt về quê hương. Việc làm đó thật thiêng liêng, ý nghĩa. Mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân hiểu ra, 1-2 hộ đồng ý chuyển mộ. Mọi người học theo nhau, chỉ trong một năm, xã đã di chuyển được 139 ngôi mộ trả lại mặt bằng cho công trình văn hóa. Và trong 139 lần người dân chuyển mộ, anh Tiến đều có mặt hỗ trợ các hộ gia đình tiến hành các bước di dời. 

3. Theo lời anh Tiến, việc gắn bó của anh với vùng biên giới Hà Giang như cái duyên tiền định. Quê ở xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1991 nhập ngũ, sau đó đến năm 1994, anh Tiến được phân công về Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang công tác. Nhớ lại những ngày đầu đến nhận nhiệm vụ ở Đồn Biên phòng Săm Pun, rồi Đồn Biên phòng Lũng Làn-những nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, anh Tiến vẫn không quên được những vất vả mà mình đã trải qua.

Lúc đó, đường sá trên địa bàn vừa hẹp vừa dốc; chủ yếu đi bộ. Có những địa bàn phải vượt mấy quả núi mới đến một hộ dân. Công việc gian nan, vất vả nhưng lúc nào anh cũng lạc quan, sâu sát, bám nắm cơ sở. Thời gian đầu mới được phân công về làm Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng thôn Trà Mần, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, anh Tiến vận động người dân lấy cây, lấy lá dựng lớp dạy chữ. Theo thời gian, tình đất, tình người nơi biên giới Hà Giang đã thấm, lớn dần trong anh.

Năm 2010, thực hiện chương trình đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng về tăng cường tại các xã, thị trấn biên giới, anh Tiến được phân công về công tác tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; đảm nhận cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã. Từ tháng 1-2015, anh được phân công về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú cho đến nay.

Gần 30 năm gắn bó với đồng bào nơi biên giới cũng là khoảng thời gian anh Tiến xa nhà. Khi chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình, như chạm vào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê, giọng anh trầm xuống. Anh cho biết, hiện tại vợ con anh vẫn ở Vĩnh Phúc. Lập gia đình từ năm 1997 nhưng phần lớn thời gian anh Tiến ở đơn vị, ở cơ sở cùng người dân vùng biên giới Hà Giang. Thương vợ gánh nặng hai vai, vừa là mẹ vừa là cha chăm sóc các con, lo toan công việc hai bên nội ngoại. Hiểu được tâm tư của chồng, vợ anh luôn là hậu phương vững chắc và thường động viên anh vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với anh Tiến, lời động viên từ hậu phương là động lực to lớn để anh nỗ lực cống hiến không ngừng...

PHẠM TUẤN - HẢI ANH