Người đói, nhưng máy không "đói"
Tôi về huyện Đông Hưng (Thái Bình) gặp Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Chính trị (Học viện Hậu cần), nguyên Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn TSKT 35 (d35). Khi nhắc về những ngày tháng gian khổ ở chiến trường, giọng ông chùng xuống.
Đại tá Nguyễn Văn Thuấn sinh năm 1940, nhập ngũ tháng 2-1960, được trên cử đi tiền trạm vào điểm cao 395 thuộc Vĩnh Linh từ tháng 8-1966. CCB Nguyễn Văn Thuấn kể, giai đoạn 1966-1969 là thời kỳ d35 gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Do địch đánh phá ác liệt nên việc tiếp tế từ Bắc vào Nam nhiều khi bị gián đoạn. Khu vực trú quân của d35 bị máy bay không người lái, L19, OV-10, RF1710 săm soi ngày đêm. Bom, pháo hạm của địch liên tục đổ xuống không thành quy luật đã biến những vùng xung quanh điểm cao 395 thành những “tọa độ chết”. Chiến tranh khốc liệt làm cho "lá phổi" rừng Trường Sơn teo tóp, hoạt động cung cấp cũng vì thế mà gián đoạn, thiếu thốn trăm bề, trong đó nổi bật là xăng dầu và lương thực, thực phẩm.
Đại tá Nguyễn Văn Thuấn kể rằng, các khí tài của đơn vị muốn hoạt động cần phải có nguồn điện từ máy nổ. Không có điện thì không thể có tin tình báo. Để máy phát điện "sống", hoạt động liên tục thì việc vận chuyển xăng dầu là cực kỳ cấp thiết. Có lúc, lượng xăng dầu dự trữ chỉ còn tính bằng lít, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Trong điều kiện ấy, cán bộ, chiến sĩ d35 đã phải đổ máu để có xăng dầu. Các chiến sĩ lái xe đã không ngại hy sinh, họ bám kho, bám đường, giữ vững khả năng tiếp tế. Trong những lần vận chuyển, đồng chí Hoàng Minh Đoán hy sinh, đồng chí Sành bị thương... Xăng dầu về đơn vị nhưng làm sao vượt đèo cao, suối sâu để lên cao điểm? Thế là chi bộ họp và đưa ra giải pháp. Theo đó, các đồng chí cảnh vệ sẽ kiêm nhiệm vụ vận tải, tiếp phẩm. Hằng ngày, họ phải gùi xăng lên vị trí trú quân. Những cán bộ, chiến sĩ đi công tác về đến vị trí tập kết cũng đến “lĩnh tiêu chuẩn” xách một can xăng lên núi.
Đi kèm với thiếu xăng dầu là tình trạng khát và đói. Giữ điểm cao, người lính khát cháy cổ, nhất là mùa gió Lào. Đại tá Nguyễn Văn Thuấn bùi ngùi: "Chúng tôi không có nước để đánh răng, rửa mặt và rửa bát, nói chi đến việc tắm giặt hằng ngày. Khi khát quá thì phải lấy nước trong thân cây nứa để dùng. Nguồn nước uống chỉ đủ cho nấu cơm và một bi-đông nước gạo rang nấu cho mỗi người".
Do bảo đảm lương thực, thực phẩm rất nhỏ giọt nên việc ăn uống của bộ đội hết sức tạm bợ. Có lúc, trong kho không còn nổi một bơ gạo. Bộ đội đói mờ mắt, nhưng vẫn kiên trì chặn thu sóng địch. Đó vẫn chưa đủ, ai vào tuyến lửa cũng phải ngấm “đặc sản” sốt rét ác tính, da xanh như tàu lá. Trong những ngày khó khăn năm 1969, có biết bao chuyện xảy ra. Có người xung phong đi lấy nấm trong rừng về làm thức ăn và bị ngộ độc. Trương Văn Dưỡng và Nguyễn Chấp Hoàn trúng độc, bất tỉnh, cấp cứu không kịp. Có người bắt được một con sóc khoảng 100 gram, làm thịt chia ra 8 phần. Có chiến sĩ sáng kiến bắt gián đem nướng trên ngọn lửa đèn dầu hỏa để ăn và phổ biến cho mọi người trong tổ máy.
Trong lúc khó khăn thì xuất hiện những biểu hiện tâm trạng băn khoăn, lo lắng, có trường hợp chần chừ nhận nhiệm vụ đi nhận xăng dầu, lương thực. Cá biệt, do không có thuốc, vật tư y tế dự trữ, đường xa, hiểm trở và cấp cứu không kịp nên lo lắng ngày càng tăng lên. “Lúc đó, tiến hành công tác tư tưởng được xem là mũi tiến công số 1. Phải giúp bộ đội xóa tan đi băn khoăn, lo lắng và có niềm tin vào chiến thắng để thực hiện nhiệm vụ”, CCB Nguyễn Văn Thuấn khẳng định.
Nghị quyết cắt giảm khẩu phần ăn
Theo CCB Nguyễn Văn Thuấn, trong điều kiện khó khăn, chi bộ đã nêu cao quyết tâm lãnh đạo. Một mặt, mở các đợt sinh hoạt chuyên đề, học tập lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát động thi đua học tập noi gương sáng của Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân... bồi dưỡng ý chí quyết chiến, quyết thắng, đẩy lùi tư tưởng tiêu cực trong đơn vị. Tiếp đó, phong trào thi đua lập công cũng được tổ chức chặt chẽ và khí thế.
Chi bộ ra quyết tâm duy trì chặt chẽ nền nếp sinh hoạt tổ đảng, chi ủy, chi bộ. Tuy đơn vị đóng quân phân tán song chi bộ đã vận dụng nhiều hình thức sinh hoạt hợp lý, sáng tạo, phù hợp với điều kiện chiến trường. Công tác phát triển Đảng được coi trọng và có kế hoạch. Các đồng chí đoàn viên là đối tượng vừa được bồi dưỡng về Đảng, vừa được giao công tác trong các ban chấp hành đoàn, phân đoàn, hoặc phụ trách các tổ 3 người để thử thách, phấn đấu. Lực lượng lãnh đạo được bổ sung, tỷ lệ lãnh đạo được cải thiện, thúc đẩy tinh thần phấn đấu của đoàn viên tốt hơn.
|
|
Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn kể chuyện về mũi tiến công số 1. Ảnh: ĐỨC TÂM |
Việc chăm lo, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên đã có tác dụng tích cực. Giữa lúc chiến trường ác liệt, mỗi lời nói, việc làm mẫu mực và mang đầy tâm huyết, tinh thần quyết thắng của đảng viên có ý nghĩa rất lớn, thuyết phục quần chúng hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều tấm gương được quần chúng ca ngợi. Đồng chí Hoàng Minh Đoán luôn dẫn đầu tổ lái xe vượt qua mưa bom để liên tục vận chuyển xăng dầu cho đơn vị làm việc. Đồng chí Nguyễn Xuân Liễu ngày đêm miệt mài đối phó với sự thay đổi kỹ thuật của địch, khai thác nhiều tin tức tình báo có giá trị. Các tổ vào sâu chiến trường do các đảng viên: Đỗ Như Quyết, Hoàng Hoa Lý, Tạ Đăng Doanh dẫn đầu luôn bám sát địch, thu thập nhiều thông tin quan trọng, giúp Bộ tư lệnh B5 chỉ đạo và xác định cách đánh địch.
Để chống đói, chi bộ xác định: Bằng bất cứ giá nào cũng không để bộ đội đứt bữa, cố gắng có rau xanh, tiến đến có chất tươi... Một trong số các biện pháp được áp dụng thời đó là cử người thường trực tại kho mặt trận, có gạo là nhận ngay, dù ít cũng lấy. Rồi phát động trồng rau xanh ở những vạt đất sâu trong rừng, quanh khu ở, miễn là không lộ bí mật. Anh nuôi có thêm nhiệm vụ nuôi gà, vỗ béo lợn để dự trữ. Chỉ huy đã mở rộng đối tượng kết nghĩa với các đội của nông trường, xin đất trồng lạc, đậu, rau cải thiện đời sống, tiếp tế cho lực lượng thọc sâu.
Ở những thời điểm cam go về lương thực, đơn vị phải ra quyết định giảm bớt khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội. Tại hậu cứ ở Cẩm Ly (Quảng Bình), đồng chí Nguyễn Vân Du, Tiểu đoàn trưởng tuyên bố: Toàn đơn vị ăn 5 lạng gạo/người/ngày, riêng các đồng chí sốt rét được ưu tiên 7 lạng gạo/người/ngày. Để bảo đảm lương thực, có đồng chí nghĩ ra cách: Trưa ăn cơm, tối ăn cháo.
- Chúng tôi phát động phong trào thi đua cải thiện cuộc sống tại chỗ, hằng ngày, đơn vị cử người thay nhau đi vào các bản Vân Kiều-Pa Cô cách đơn vị 5-7km để đổi hàng hoặc mua ngô, khoai, rau rừng, lá sắn, cây, củ chuối rừng. Đơn vị cũng phát động phong trào thi đua săn bắt thú rừng. Con thú nào có trọng lượng gần 1kg thì dùng cải thiện trong tổ máy, bộ phận ít người hay tiểu đội.
Cuối câu chuyện, Đại tá, CCB Nguyễn Văn Thuấn nhấn mạnh rằng, những biện pháp lãnh đạo quyết liệt tại chiến trường trong điều kiện địch đánh phá ác liệt đã tạo cho d35 thêm sức mạnh. Đó thực sự là kinh nghiệm quý và còn nguyên giá trị, là bài học sâu sắc để các đơn vị Quân đội hôm nay vận dụng, học tập. (Còn nữa)
Tiểu đoàn TSKT 35 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 1-10-1971 với lời tuyên dương: "Là một tập thể dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và luôn cảnh giác, nhạy bén, thành thạo kỹ thuật, bám sát địch, nắm chắc tình hình phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy, nội bộ đoàn kết tiến bộ toàn diện". Ở giai đoạn này, Tiểu đoàn TSKT 35 đã cung cấp những tin rất kịp thời và chính xác phục vụ trên chỉ đạo đánh bại 15 cuộc hành quân của Mỹ, ngụy trên Mặt trận Đường 9-Quảng Trị-Khe Sanh-Thừa Thiên Huế. Nắm thông tin chính xác giúp trên chỉ đạo phá tan âm mưu của quân Mỹ thiết lập hàng rào điện tử McNamara. Nắm thông tin phục vụ trên chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, vây hãm và tiêu diệt địch ở sân bay Tà Cơn; Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, giúp quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 2 vạn quân địch, bắt sống 1.000 tên, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ... |