Thọc sâu, giải mã tin của địch

Đại tá Trần Đình Đa kể, từ điểm cao 395, để nắm địch chi tiết và chính xác, chỉ huy Tiểu đoàn TSKT 35 đã tổ chức các mũi thọc sâu gọn nhẹ từ 3 đến 5 người, mang theo khí tài thông tin sóng cực ngắn, sóng ngắn, áp sát bên sườn hoặc vòng ra sau lưng địch để chọn vị trí và thu tin. Có lúc họ vượt giới tuyến để ém lót thu tin rất bí mật. Cụ Đa nói thêm, chọn được vị trí thu tin bảo đảm bí mật, an toàn đã khó, nhưng giải mã được thông tin về địch lại càng khó hơn.

- Nó khó thế nào hả cụ! Tôi háo hức khám phá mà quên cả phép lịch sự khi cắt ngang lời cụ Đa.

- Trên sóng điện, bọn Mỹ truyền lệnh, truyền tin bằng tiếng Anh rất ngắn, rất nhanh và dùng các từ lóng, ký hiệu rất khó nhớ, khó hiểu. Dù ta có phương châm bám ngụy để ra thông tin quân Mỹ, nhưng cũng không ăn thua. Lúc ấy, nắm được thông tin về Mỹ, đặc biệt là giải mã thói quen sử dụng mật lệnh của chúng là yêu cầu số một.

- Cháu chưa hiểu lắm!

- Có nghĩa là, khi chúng lệnh cho đơn vị trực thuộc A làm gì đó thì trên sóng điện nó sẽ nói bằng từ lóng, như bắt chim, bắt cá để ám chỉ bắt Việt Cộng. Hoặc khi đơn vị A báo cáo một sự việc nào đó cho cấp trên cũng nói theo cách riêng, rất nhanh.

- Làm thế nào giải mã được các tin ấy?

Cụ Đa cười hiền và kể sôi nổi:

- Tháng 12-1966, lần đầu tiên chỉ huy Tiểu đoàn TSKT 35 cử tổ trinh sát mang theo trang bị kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ thọc sâu, thiết lập địa điểm đặt máy. Lực lượng này đã tìm được điểm đặt máy tại đồi 96 để thu tin địch ở Đông Hà và Đường 9. Đến tháng 1-1967, đội thọc sâu này lại tiếp tục tìm được 3 điểm đặt máy, gồm: Cao điểm 74 (xã Vĩnh Thủy); cao điểm ở xã Vĩnh Sơn, sát sông Bến Hải; cao điểm 443 (Động Nóc) ở phía Tây Vĩnh Linh. Trong những cao điểm này thì Động Nóc là nơi lý tưởng vì thu nghe xa, phạm vi rộng và khá an toàn. 

Tháng 2-1967, một tổ 3 đồng chí thọc sâu xuống Cù Đinh-Ba De để nắm quân Mỹ tổ chức càn quét từ Đông Hà lên đến Khe Sanh-Lao Bảo. Tại đây, tổ đã thu được sóng của một đơn vị Mỹ đang càn dưới bản Cù Đinh-Ba De. Chúng trao đổi với nhau bằng ám hiệu và tiếng lóng, điện gửi thì mã hóa hoàn toàn nên không xác định được lực lượng nào, bao nhiêu tiểu đoàn, đại đội.

Cùng lúc này, tổ nghe phong thanh bộ đội kháo nhau nhặt được thư của địch rơi vãi trên trận địa có tên đơn vị. Tổ thọc sâu lập tức thống nhất cách ghi chép tỉ mỉ các thành phần tin, đồng thời đề nghị quân báo Mặt trận B5 thu nhặt hộ các phong bì địch vứt lại trên chiến trường. Kết quả thật bất ngờ, sau khi đối chiếu thông tin trên phong bì với các biệt hiệu thu được trên sóng, đã xác định được đây là Tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ (TQLC) có 4 đại đội và lực lượng pháo binh hỗ trợ đi cùng. Nhờ phát hiện này mà tổ thọc sâu đã nắm được tổ chức biên chế, nhiều thông tin của quân Mỹ, giúp Trung đoàn 2 (Sư đoàn 325) của ta đập tan cuộc hành quân Beacon Hill đánh ra Đường 9 của Tiểu đoàn 3, TQLC Mỹ.

Từ đây, Tiểu đoàn TSKT 35 đã tìm được “chìa khóa” giải mã các ký hiệu, tiếng lóng trong sóng mạng mà đối phương thường xuyên sử dụng. Sau này, các mũi thọc sâu còn nắm được thông tin cụ thể từng toán địch đi phục kích đêm hoặc thay đổi vị trí phục kích trong đêm.

Đại tá Trần Đình Đa kết luận, đợt thọc sâu này đã mở đầu và đặt nền móng cho việc nắm địch hiệu quả bằng sóng cực ngắn trong suốt thời gian Tiểu đoàn TSKT 35 bám trụ ở chiến trường.

leftcenterrightdel

Thông tin của Tiểu đoàn TSKT 35 giúp bộ đội ta pháo kích vào địch hiệu quả. Trong ảnh là Phân đội 13 (Pháo binh Quảng Trị) chuẩn bị pháo kích vào quân địch ngày 4- 4-1970. Ảnh tư liệu 

Lấy máy địch thu tin địch

Theo Đại tá Trần Đình Đa, một trong những sáng tạo hiệu quả thú vị của Tiểu đoàn TSKT 35 là sử dụng máy thông tin PRC10, PRC25 của Mỹ để chặn thu tin. Đây là loại máy tần số ngắn, trọng lượng nhẹ, cự ly liên lạc 20-25km và chịu nước rất tốt. Hơn nữa, để nó hoạt động dài ngày thì chỉ cần dùng các loại pin mang theo là đáp ứng được. Thấy được giá trị của nó nên Tư lệnh Mặt trận B5 Đàm Quang Trung đã lệnh xuống các đơn vị, nếu thu được PRC25 thì lập tức chuyển về Tiểu đoàn TSKT 35. Nhiều đơn vị tiếc của đã ém loại chiến lợi phẩm này để dùng riêng, nhưng vẫn bị phát hiện và nộp lại.

Cụ Đa phân tích, khi công cụ này rơi vào tay những người chưa có kinh nghiệm thì chỉ cần một thông tin nhỏ lọt ra mà địch thu được thì tác hại vô cùng lớn. Nó chẳng khác nào một “cây nhiệt đới” để ở trong nhà. Để phát huy hiệu quả hai loại máy thông tin này, trong chặn thu sóng địch, Tiểu đoàn TSKT 35 đã cử các tổ thọc sâu vượt qua giới tuyến sang bờ Nam sông Bến Hải, đến gần căn cứ của địch để thu tin, nhưng tuyệt đối không truyền tin đi bằng PRC25.  

Ngày 20-3-1967, tổ thọc sâu cực ngắn gồm 3 đồng chí đã vượt sông Bến Hải vào Kinh Môn, phía Tây Đông Hà, phục vụ Trung đoàn 164 pháo binh từ bờ Bắc tập kích hỏa lực vào Dốc Miếu, nơi TQLC Mỹ đang đổ quân. Tổ cực ngắn đã ém dưới chiếc hầm cũ của dân để thu nghe. Tin thu được kịp thời báo ngay cho đơn vị pháo binh bằng hữu tuyến điện để điều chỉnh tầm bắn. Pháo nổ inh tai, có lúc căn hầm như chao đảo, nhưng chẳng ai để ý vì say sưa thu nhận tin địch kêu la. Do ta pháo kích đúng lúc TQLC Mỹ đang đổ quân xuống Dốc Miếu nên chúng bị thương vong khá lớn: 100 tên Mỹ bị tiêu diệt, 17 khẩu pháo (có cả pháo 175mm lần đầu tiên đưa ra Đường 9), 57 xe quân sự và 5 máy bay trực thăng bị phá hủy.

Trận thứ hai mà Đại tá Trần Đình Đa tâm đắc là đã cung cấp thông tin chính xác để Tư lệnh Đàm Quang Trung chỉ đạo phá được chiến thuật “đèn cù” của quân Mỹ ở căn cứ Cồn Tiên vào tháng 6-1967. Theo đó, để tránh bị đánh đêm và gây bất ngờ, ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta, ban ngày, quân Mỹ tổ chức cho bộ binh và bộ binh cơ giới đi càn quét xung quanh căn cứ Cồn Tiên. Khi nghi ngờ có hoạt động của ta là chúng kéo ngay về căn cứ Cồn Tiên. Tư lệnh Đàm Quang Trung đã nhiều lần hạ quyết tâm tiêu diệt lực lượng này, nhưng sức cơ động của ta quá kém, tính chắc thắng không cao nên phải hủy bỏ.

Sau thời gian suy tính, cuối cùng Tư lệnh Đàm Quang Trung quyết định dùng chiến thuật “kiềng ba chân”, “hổ vồ mồi” để tiêu diệt địch. Ông bố trí Trung đoàn 84 ở Gio An (Gio Linh, Quảng Trị), sát căn cứ Cồn Tiên. Khi đội hình địch ra khỏi căn cứ, lọt vào trận địa phục kích là tổ chức tiến công tiêu diệt mãnh liệt. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để thực hiện kế hoạch này là phải nắm chắc địch về lực lượng, phương tiện và đội hình, thủ đoạn, thời gian xuất quân, tiến độ hành quân. Thế là lực lượng TSKT thọc sâu của Tiểu đoàn TSKT 35 phải vượt giới tuyến, vòng ra sau lưng địch để thu tin.

Nhờ những thông tin nóng hổi và chính xác của lực lượng thọc sâu Tiểu đoàn TSKT 35, Trung đoàn 84 đã giành thắng lợi sau thời gian chiến đấu liên tục, kiên cường và quyết liệt. Kết quả là lần đầu tiên quân ta bắt được “đầu dê Mỹ” (ý nói là diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ), bắt được tù binh Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, địch cho trực thăng đến oanh tạc, tiêu diệt cả số tù binh bị ta bắt. Lực lượng thọc sâu của Tiểu đoàn TSKT 35 đã thu được tin về sự thiệt hại của chúng.

Theo đó, trong trận đánh này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn cháy 11 xe tăng, bắn rơi 14 máy bay, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng hầu hết xã Gio An. Sau này, trong bài hát “Tiếng đàn Ta Lư”, nhạc sĩ Huy Thục đã viết câu “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới” chính là nói về trận chiến thắng có công góp sức quan trọng về thông tin của Tiểu đoàn TSKT 35.

(còn nữa)

MẠNH THẮNG