Tìm sóng mạng, phá mật mã

Khi còn sống, trong một bài viết về sự sáng tạo của d35, cựu chiến binh (CCB) Đỗ Như Quyết, nguyên thu tin viên của d35 đã kể lại những thủ đoạn bảo mật để phòng ta chặn thu, khai thác thông tin rất tinh vi của địch. Theo đó, các báo vụ Mỹ chấp hành kỷ luật bí mật rất cao. Chúng rất ít trao đổi với nhau trên máy. Chúng thường thay đổi sóng mạng không theo một quy luật nào, bất kể ngày, đêm. Thời kỳ đầu, đơn vị thực sự gặp khó khăn, có thời gian phải mất hai, ba ngày mới khôi phục được hệ thống sóng mạng mới. Mất sóng mạng đồng nghĩa với không có tin tức. Vì thế, đơn vị đã phát động Phong trào “Quyết tâm phát hiện dấu hiệu địch thay đổi sóng mạng và quyết tâm khôi phục sóng mạng". Mỹ thay đổi sóng mạng liên tục và không theo quy luật. Sau khi thay đổi sóng mạng, chúng ngầm báo với nhau chuyển sang hệ thống a và b theo quy ước đã thống nhất. Lúc đầu, các thu tin viên không chú ý tới điều này. Sau một vài lần, các thu tin viên cắm máy, theo dõi thấy địch báo với nhau chuyển hệ thống, lập tức đơn vị huy động "tìm", "trinh sát" đến khi phát hiện đủ sóng mạng mới thôi. Cứ một lần địch thay đổi sóng mạng, toàn đơn vị như ngày hội, từ chỉ huy đến các bộ phận nghiệp vụ, cả bộ phận phục vụ đều hối hả, tấp nập lao vào công việc, dù đó là nửa đêm hay gần sáng. Nhờ tinh thần làm việc sáng tạo, kiên cường, đơn vị đã đối phó có kết quả với những thủ đoạn của địch. Chỉ sau 1-2 giờ là hệ thống sóng mạng mới của địch đã được xác định. Vì thế, tin tức phục vụ cấp trên chỉ đạo liên tục được cập nhật, không bị gián đoạn.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phạm Văn Tơ thăm lại chiến trường, nơi Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật 35 chiến đấu. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Cũng theo lời kể của CCB Đỗ Như Quyết, hầu hết các bức điện trên hệ thống truyền tin cực ngắn của Mỹ đều được mã hóa tối đa. Tùy theo tính chất cơ mật của một nội dung điện mà chúng mã hóa toàn bộ, mã hóa một phần, mã hóa đơn giản hoặc mã hóa cao cấp. Ngay cả báo cáo theo mẫu, chúng cũng mã hóa những chỗ quan trọng, chẳng hạn như tọa độ đóng quân, thương vong, tổn thất... Chúng còn mã hóa con số bằng chữ tiếng Anh và ngược lại. Sau khi lấy hàng trăm bức điện đối chiếu với tin tức thực tế từ Phòng 2 của Bộ tư lệnh B5 báo về và các nguồn khác, cuối cùng các mã thám của d35 cũng tìm ra được mật mã. Chẳng hạn, để biểu đạt số 1 thì chúng ký hiệu bằng chữ S; số 2 thì ký hiệu bằng chữ O. Sau này, khi d35 được tăng cường mã thám vào chiến trường, nhiều loại mã cao hơn đều được khai thác tốt.

Trong quá trình thu tin trên sóng ngắn truyền thẳng, bọn địch đã gắn thêm một thiết bị vào máy thông tin PRC25 gọi là YK38, giúp chuyển điện rất nhanh, chỉ trong 1-2 giây là xong. Thu tin viên của ta chỉ nghe được tiếng tịch, tè. Sau nhiều ngày theo dõi, cuối cùng, các thu tin viên đã sáng tạo ra cách “đánh vòng”, “đánh vây” nên đã thu và giải mã được các bức điện từ PRC25 chuyển đi có gắn YK38.

Cải tiến ăng ten

Giữa tháng 10-2022, chúng tôi tìm về xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương gặp Thiếu tá Phạm Văn Tơ, nguyên quyền Trưởng phòng Kỹ thuật Trung đoàn 75. Ông là người cải tiến các loại trang bị thu ở chiến trường hiệu quả, giúp quá trình thu tin được tốt hơn.

leftcenterrightdel
Cơ công Phạm Văn Tơ (bên trái) cải tiến khí tài tại chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Năm 1966, Phạm Văn Tơ học ở Trường Bưu điện truyền thanh 2 và tốt nghiệp rồi tháng 8-1968 lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, Phạm Văn Tơ được cử đi học tại Trường Kỹ thuật thông tin liên lạc. Đến cuối năm 1971, ông được điều về d35 rồi vào Quảng Trị làm nhiệm vụ với chức danh cơ công đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thiếu tá Phạm Văn Tơ kể:

- Lúc ấy, đơn vị phát động phong trào tìm tin, thu tin của địch. Nếu bộ phận nào, cá nhân nào thu được tin quan trọng sẽ được thưởng. Các thu tin viên làm việc theo ca liên tục dù rất vất vả nhưng dường như vẫn chưa hài lòng. Hơn nữa, nhiều thu tin viên biết được Mỹ đã sử dụng loại máy truyền tin siêu tần số 12 đường mà máy của ta không chặn thu được. Thấy họ bàn tán với nhau nhiều, tôi mới hỏi: Nếu sóng bị réo, bị méo, bị nhiễu thì có thu được tin không? Họ trả lời, được hết. Cứ có tín hiệu là sẽ luận và suy đoán ra được tin, “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch”.

Thế là Phạm Văn Tơ bắt tay vào cải tiến hệ thống ăng ten siêu tần số giúp nâng cao chất lượng thu nghe. Đầu tiên, Phạm Văn Tơ xin phép chỉ huy đơn vị cho nghiên cứu một chiếc máy K6012 có 4 đường trong sự hoài nghi của anh em. Một tuần sau, Phạm Văn Tơ quyết định cải tiến máy K6012 bằng cách điều chỉnh tần số dao động, mở rộng bộ lọc. Phạm Văn Tơ tính toán và quyết định bố trí thêm cuộn dây, tụ điện và điện trở. Từ đó, máy 4 đường tăng lên 12 đường. Các thu tin viên tha hồ có thêm tin tức giá trị. Ngoài nội dung này, Phạm Văn Tơ còn cải tiến, đưa máy thu P313, P314 (loại thu sóng cố định điều chỉnh băng thạch anh của Trung Quốc) thay cho máy thu K6011 của Liên Xô viện trợ, giúp trinh sát tìm được nhiều đài địch. Phạm Văn Tơ cũng tự nghiên cứu, khai thác thành công hệ thống AATR35 (thu được của địch), giúp đơn vị có trang bị tốt hơn để đánh địch.

Phong trào cải tiến trang bị kỹ thuật lan rộng. Khi thu được máy thông tin sóng cực ngắn của địch, chiến sĩ ta cũng cải tiến, thu được những mạng ở xa, vượt tính năng của nhà sản xuất nhiều lần. Thông thường, máy thông tin sóng cực ngắn PRC10 và PRC25 được lắp ăng ten thẳng đứng ở độ cao thấp. Thế nên nó chỉ thu nghe được thông tin trong phạm vi 25km với điều kiện không có vật che chắn. Các thu tin viên đã sáng kiến thay ăng ten thẳng đứng bằng ăng ten mái nhà. Đây là loại ăng ten định hướng nên đặt máy ở vị trí nào cũng thu được thông tin, kể cả đài đối phương cách đó hơn 100km. Có lúc, trên đỉnh đồi trống trải, dễ bị máy bay phát hiện nên phải đưa ăng ten xuống sườn đồi, thậm chí lắp ăng ten ở dưới bờ suối thì thu tin viên vẫn thu nghe được các mạng ở xa. Với cách này, từ cao điểm 166 Cam Lộ, máy thông tin sóng ngắn PRC25 vẫn với tới A Sầu-A Lưới, Tây Thừa Thiên Huế.

Ngày 31-12-1973, Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật 35 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai. Tiểu đoàn đã phát hiện kế hoạch địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 (Đường 9-Nam Lào năm 1971) trước 10 ngày để trên chỉ đạo đối phó. Trong chiến dịch tiến công Trị Thiên Huế xuân-hè 1972, Tiểu đoàn đã phát hiện Trung đoàn 56 và Trung đoàn 2 của ngụy thay quân ở điểm cao 241, giúp Bộ tư lệnh quyết định nổ súng mở màn chiến dịch trước 6 giờ so với kế hoạch (11 giờ 30 phút thay cho 17 giờ 30 phút ngày 30-3-1972) để bộ đội tiến công bắt sống hai trung đoàn trưởng và buộc toàn bộ Trung đoàn 56 của địch phải đầu hàng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn phát hiện Nguyễn Hữu Hạnh ra lệnh cho quân ngụy hạ vũ khí lúc 9 giờ 40 phút ngày 30-4-1975 (trước Bộ Ngoại giao 20 phút) để Bộ tư lệnh chỉ đạo đại quân tiến chiếm Dinh Độc lập vào lúc 11 giờ 30 phút.

Trong cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ từ ngày 18-12 đến 29-12-1972, ngày 25-12, Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật 35 đã chặn thu tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phản đối, không đồng ý cho Mỹ ký hiệp định vào thời điểm này và đi đến kết luận Mỹ sẽ đánh tiếp. Đây là tin quan trọng để ta chuẩn bị và tổ chức trận đánh đêm 26-12 hiệu suất cao, tiêu diệt 8 máy bay B-52.

Ngày 25-1-1983, Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật 35 được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ ba vì những chiến công xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

 

(Còn nữa)

MẠNH THẮNG