Chị sáng tác thơ, nhạc cũng hết sức ấn tượng. Hơn 40 tuổi, không được coi là trẻ, nhưng với tôi, sức viết, sức sáng tạo của nhà văn Phạm Thị Vân Anh giống như lực của chàng trai tuổi 17. Những giải thưởng từ các sáng tác của chị nhiều không đếm hết đã kết cấu thành một chiếc thang tạo động lực để nữ nhà văn mang quân hàm xanh gieo lòng nhân ái cho đời.

Luôn mở cửa trái tim

Trước mắt tôi là một phụ nữ có đôi mắt đen, to tròn, trên khuôn mặt thường trực nụ cười lộ hàm răng trắng bóng, khiến bộ quân phục chị mang cũng điệu đà, lịch lãm và dường như sang trọng, khỏe khoắn hơn. Nhìn vào đôi mắt trong trẻo, mênh mông sâu hun hút và biết cười của nữ nhà văn, tôi không thể tìm thấy dấu vết của những vướng bận nhân sinh cuộc đời. Suy nghĩ ấy khiến tôi càng nóng lòng muốn đi tìm câu trả lời cho những ám ảnh bấy lâu. Làm sao một phụ nữ nuôi con nhỏ, bận trăm thứ việc vì giữ lửa trong gia đình lại có năng lực, sức mạnh tiềm tàng, có đủ thời gian và nghị lực để viết được nhiều tác phẩm đến vậy?

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN, nhà văn Phạm Thị Vân Anh. Ảnh: VIỆT VĂN 

Như đọc được suy nghĩ của tôi, Vân Anh cười hồn hậu mà rằng, nếu thường xuyên nuôi trong mình cảm xúc đủ lớn và thực sự tâm huyết, quyết sống chết với đam mê sáng tác văn học-nghệ thuật thì sẽ làm được điều mình muốn.

Tôi biết Vân Anh từ năm 2018 và rất thán phục nghị lực của chị. Dù sức khỏe không tốt, bị tiền đình mãn tính và suy giáp... nhưng chị luôn biết sắp xếp thời gian để có thể hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Các tác phẩm của chị ra đời gần đây là sản phẩm của nhiều năm tích lũy từ những chuyến đi vượt núi, băng rừng đến với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng và bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khắp vùng, miền cả nước. Không những vậy, chị còn là đạo diễn, biên kịch của rất nhiều phim tài liệu, phóng sự ấn tượng về BĐBP và tình quân dân trên biên giới.

Vân Anh đột ngột dừng câu chuyện với tôi và ý nhị xin nghe điện thoại. Vài phút sau chị quay lại, vồn vã nói, con gái gọi và thông báo được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của tỉnh Hà Tĩnh.

- Nếu không nhầm thì cháu lớn nhà chị mới học lớp 7 mà?-Tôi ngạc nhiên trước thông báo của chị.

- Ồ, không! Cháu là một trong những người con đỡ đầu của tôi. Các cháu toàn ở vùng sâu, vùng xa và mồ côi bố hoặc mẹ, gia cảnh rất khó khăn. Duy có Bảo Ngọc là còn đủ bố mẹ nhưng sức khỏe đều yếu, lại có chị gái mắc bệnh tâm thần nên con chịu nhiều thiệt thòi. Hằng ngày, Bảo Ngọc phải đạp xe hơn 7km đi học tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh), chiều về chăn bò giúp bố mẹ, tối vừa học bài, vừa trông chị gái.

Rồi Vân Anh chia sẻ với tôi về những đứa con đỡ đầu rất tự nhiên. Từ năm 2020, với sự giúp đỡ của BĐBP tỉnh Quảng Trị, chị nhận đỡ đầu hai cháu mồ côi người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa và Đắk Rông. Tiếp đó, chị được Thượng úy Phạm Thái Sơn, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của hai nữ sinh Hồ Thị Tường Vân và Hồ Thị Tường Vy học tại Trường THCS Trung Sơn. Từ nhỏ hai cháu đã mồ côi bố, mẹ bị câm điếc. Ngoài giờ học, hai cháu phải đi rừng, lên rẫy phụ mẹ. Trước áp lực cuộc sống, thương mẹ, muốn cho em có chỗ dựa vững chắc để học cái chữ, cháu Hồ Thị Tường Vân có ý định nghỉ học để đi làm. Không cần suy nghĩ nhiều, Vân Anh nhận đỡ đầu cả hai cháu. Đến nay, Hồ Thị Tường Vân đã thi đỗ vào lớp 10.

Hằng tuần, dù công việc bận mải mấy, nhà văn Vân Anh vẫn không quên dành thời gian để gọi điện hoặc nhắn tin chia sẻ, động viên các con. Có vấn đề gì, các con lại gọi cho mẹ Vân Anh. Hằng năm, dịp lễ, tết, Vân Anh gửi quà gồm quần áo, giày dép, sách vở, bánh kẹo, sữa... và một số vật dụng thiết yếu, con giống tặng các con. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) hằng năm, chị thay mặt phụ huynh các con gửi hoa, quà tri ân các thầy, cô giáo và nhà trường. Trong câu chuyện, Vân Anh chia sẻ với tôi rằng, là một người mẹ, chị xót lòng khi thấy những mảnh đời bé thơ lam lũ và có nguy cơ thất học. Vì thế nên chị đau đáu theo đuổi phương châm ấy như một lẽ tự nhiên: “Hạnh phúc là được cống hiến. Hãy luôn mở cửa trái tim rồi tình yêu, hạnh phúc và cả những thành công sẽ đến”, chị nói với tôi.

Như sứ giả của tình nhân ái

Ở đơn vị, Trung tá QNCN Phạm Thị Vân Anh được đồng đội đặt cho biệt danh “trùm kịch bản giao lưu đối ngoại”. Bởi chị tham gia hầu hết chương trình giao lưu đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên giới với vai trò tác giả kịch bản kiêm phó tổng đạo diễn, như chương trình: “Biên cương thắm tình hữu nghị” giữa lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước tiểu vùng sông Mê Công; Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia; Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 6 nước trong khu vực... góp phần tạo nên những điểm nhấn đặc biệt trong công tác đối ngoại quốc phòng và viết nên những bài ca đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị. Không chỉ hoàn thành tốt công việc, chị tiếp tục học thạc sĩ quản lý hoạt động tư tưởng-văn hóa, đặc biệt là sáng tác và viết 14 đầu sách.

leftcenterrightdel
Nhà văn Phạm Thị Vân Anh trao đổi với chỉ huy các lực lượng bảo vệ biên giới nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chuẩn bị cho chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào, năm 2019. 

Mỗi lần ra sách mới, bao giờ nữ nhà văn cũng tặng tôi một cuốn. Nếu không gặp trực tiếp thì chị sẽ đóng gói cẩn thận và gửi shipper. Lần gần đây nhất, chị gửi tặng tôi cuốn ký sự: “Dặm dài Tổ quốc”. Hồi tháng 6, chị chia sẻ với tôi bản thảo cuốn tiểu thuyết “Biệt khu Việt Quế” nói về Bộ đội Cụ Hồ phối hợp với quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong tiến hành Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Dự kiến quý 4 này cuốn sách sẽ được xuất bản. 5 năm trở lại đây, chị đã có 5 tác phẩm văn học được xuất bản: Trường ca “Sa Mộc”, bút ký “Đường biên cương dệt mùa xuân”, bút ký “Binh pháp chống dịch”, bút ký “Theo dấu phù sa”, bút ký “Những người anh em trong lòng dân tộc”, bút ký “Những người phất cờ hồng”. Chị cũng là tác giả kịch bản và đồng đạo diễn loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập “Những trang sử biên thùy”.

Vân Anh có cách viết giản dị, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và ăm ắp thông tin, đặc biệt là cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, tạo cho người đọc hứng thú. Ví như trong 16 bài bút ký của cuốn “Dặm dài Tổ quốc” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2023), đó không chỉ là những cảm xúc chân thật của một người lính trước thiên nhiên, con người, phương thức sản xuất, tập tục sinh hoạt nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS: Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, La Hủ, Mảng, Pà Thẻn, Ngái, Bố Y, Lự, Si La, Cống, Chứt, La Ha, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu... mà cao hơn là sự cảm thụ, đồng cảm và tình yêu của nữ nhà văn với vùng đất, con người nơi phên giậu Tổ quốc. Cuốn sách mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết lý thú, chứa đựng không ít thông tin có tính chất nghiên cứu, phát hiện chiều sâu, rất phù hợp và cần thiết với đội ngũ cán bộ công tác tại vùng DTTS, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và BĐBP.

Chị nói với tôi rằng, chị trân trọng những tinh hoa vật chất, phi vật chất được đồng bào lưu giữ trong những nếp nhà, những khu rừng, con suối, trong sắc mũ áo, nếp váy, trong tiếng trống, tiếng sáo, những bài dân ca, dân vũ... Để có được những tác phẩm ký mang hơi thở cuộc sống, chị đã vượt qua những lo toan thường nhật của phụ nữ chân yếu tay mềm, đôi khi vượt qua rào cản tâm lý ví dụ như khi bách bộ vào khu rừng thiêng Chúng Chải để viết “Bên rừng thiêng Chúng Chải”. Bởi như chị kể, ở nơi đây không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian văn hóa-tâm linh của người Pu Péo, chứa đựng những bí ẩn không dễ lý giải. Chị khái quát: “Người Pu Péo còn thì rừng Chúng Chải còn. Rừng Chúng Chải còn thì dân tộc Pu Péo còn”.

Trong Quân đội hiện nay, số nữ nhà văn, nhà thơ sinh vào đầu thập niên 1980 không nhiều nếu không muốn nói là khá hiếm. Ấy nhưng khi tìm hiểu về chị thì tôi rất bất ngờ vì chị từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh năm 2003, một nghề "hot" và cho thu nhập cao trong thời kỳ đổi mới, trái hoàn toàn với nghề viết vốn được xã hội gọi là phu chữ và chẳng lấy gì làm giàu có. Chắc có lẽ được sinh ra ở thành phố hoa phượng đỏ, một trong những địa phương có phong trào sáng tác và yêu văn thơ nên chị ngấm, thấm và yêu nghề viết hết sức tự nhiên như thiên định.

Thế rồi Vân Anh đầu quân vào BĐBP với vai trò là phóng viên Báo Biên phòng, sau lại rẽ sang làm Phó giám đốc Điện ảnh-Truyền hình BĐBP và hiện nay là Trợ lý tuyên huấn. Ngoài những công việc này, chị còn “gánh" thêm nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội. Chị tâm sự với tôi, văn chương “là một cách nhìn đời, bày tỏ suy nghĩ hiện thực và tác động trở lại để xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn” nên chị sẽ luôn kiên định với suy nghĩ ấy để công tác, sáng tác và hoạt động vì cộng đồng.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rằng: “Hãy nhặt những chữ ở đời để viết nên trang”. Vâng, quả là vậy, chỉ là nhặt chữ thôi nhưng sao nó cuốn hút, đam mê và đầy mê hoặc mà không phải ai cũng có bản lĩnh để theo đuổi như nữ nhà văn Phạm Thị Vân Anh. Với tôi, chị giống một chiến binh trên chiến trường, bắn súng giỏi cả hai tay và không có khái niệm thuận tay hay thuận mắt.

Trung tá QNCN Phạm Thị Vân Anh là người có sáng kiến xây dựng mô hình “Vườn cây khăn quàng đỏ” và đã thí điểm trồng hơn 6.000 cây giống tại 4 trường THCS các tỉnh: Quảng Trị, Hà Giang và Lạng Sơn. Mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” đã trao hơn 10.000 con ngan giống tặng gia đình khó khăn các tỉnh: Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... Chị đã giành được hàng chục giải thưởng ở các loại hình âm nhạc, văn học, báo chí, điện ảnh; 12 giải thưởng cấp toàn quân, toàn quốc đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2022, chị được trao giải thưởng Vừ A Dính. Năm 2023, chị được Hội Nhà báo quốc gia Hàn Quốc phối hợp với Liên đoàn Nhà báo quốc tế tại Hàn Quốc trao giải thưởng cho tác giả người nước ngoài “vì đã có những cống hiến mang tính thời đại cho sự phát triển của văn học và nghệ thuật ở Việt Nam, thúc đẩy giao lưu văn học, văn hóa Hàn Quốc-Việt Nam và giao lưu văn học, văn hóa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia"

 

MẠNH THẮNG