Hơn 10 năm được giao nhiệm vụ làm Phó bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, với phong cách gần gũi, sâu sát cơ sở, anh không những là cầu nối đắc lực giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất còn nhiều gian khó.

Chúng tôi gặp Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng vào buổi sáng mùa thu, khi đỉnh núi A Nông còn chìm trong biển mây, sương bò xuống tận gầm nhà sàn. Nụ cười dễ mến, tiếng nói trầm ấm của anh bên ấm nước lá rừng đang tỏa khói làm buổi nói chuyện của chúng tôi càng thêm cởi mở.

Quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhưng anh Dũng đã có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất biên giới A Lưới. Mảnh đất này tuy nghèo khó nhưng tấm lòng thơm thảo của bà con Pa Cô, Tà Ôi đã níu giữ chân người chiến sĩ biên phòng xứ Nghệ. Anh coi mảnh đất giữa đại ngàn Trường Sơn này là quê hương thứ hai của mình. Anh chia sẻ: “Những năm đảm nhiệm công tác trinh sát biên phòng, có dịp được gần đồng bào làm mình thấm thía hơn về nghĩa tình của đồng bào biên giới. Mặc dù bà con nơi đây còn nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng luôn yêu mến, đùm bọc bộ đội. Chính vì thế, mình thấy phải có trách nhiệm giúp đồng bào bớt khó, bớt khổ”. Năm 2011, khi được phân công về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung (sau này sáp nhập với xã Bắc Sơn thành xã Trung Sơn), anh Dũng luôn trăn trở với quyết tâm giúp đỡ bà con nhân dân thoát nghèo.

Xã Trung Sơn có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, gần 70% hộ nghèo, dân trí thấp, bao đời lưng bám gùi, chân bám đồi, phát nương làm rẫy, kinh tế bấp bênh bữa no, bữa đói. Khi được phân công sang nhiệm vụ mới, anh Dũng cố gắng tìm hiểu khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế, cách làm hay để vận dụng phù hợp với tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Để bà con thoát nghèo không phải một sớm, một chiều, mà phải dần thay đổi tập quán lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong đồng bào bao đời nay. Mưa dầm thấm lâu, không quản vất vả, anh đến từng nhà nắm bắt hoàn cảnh, vận động, định hướng cho bà con áp dụng các biện pháp canh tác mới.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng với các cô giáo và học sinh trên địa bàn xã Trung Sơn (A Lưới, Thừa Thiên Huế). 

Đến thăm gia đình anh Lê Văn Nhớ, thôn A Đeeng Par Lieng 2, ngôi nhà hai tầng bề thế giữa làng, chúng tôi được biết, để có cơ ngơi khang trang nơi đại ngàn này, anh Nhớ được Phó bí thư Đảng ủy Nguyễn Tiến Dũng tận tình giúp đỡ. Nhận thấy trên địa bàn thiếu máy xay xát lúa, được sự gợi ý của anh Dũng, gia đình anh Nhớ đã mua máy xay xát để phục vụ bà con, mở cửa hàng tạp hóa, nhận bỏ cám chăn nuôi cho người dân trong vùng, đồng thời làm thêm nghề nấu rượu. Vợ chồng cố gắng tằn tiện, chăm chỉ làm ăn, kinh tế khá lên từng ngày. Phấn khởi trước những thành quả đó, anh Nhớ không bao giờ quên sự giúp đỡ, động viên từ anh Dũng.

Ở cùng thôn anh Nhớ có gia đình chị Hồ Thị Yến Ly, trước đây cũng chạy ăn từng bữa. Thấu hiểu, cảm thông với hoàn cảnh của chị, biết được chồng chị Ly chịu khó lại khéo tay, anh Dũng tư vấn mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Nhờ chăm chỉ, vừa học vừa làm, chỉ sau một thời gian ngắn, cửa hàng của anh ngày càng đông khách. Có vốn, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mua máy xay xát rồi kết hợp chăn nuôi lợn.

Hiện gia đình chị đã vươn lên làm giàu với hơn 100 triệu đồng/năm. Chị Ly bộc bạch: “Những ngày khó khăn, có anh Dũng thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, tận tình hướng dẫn gia đình phát triển kinh tế, chăn nuôi bò, lợn, gà... giúp vợ chồng tôi có thêm động lực để làm ăn”.

Nhìn khu vườn của gia đình anh Hồ Xuân Bảy, ở thôn A Niêng Lê Triêng 1 ngút ngát màu xanh của chuối, ít ai nghĩ trước kia nơi đây là khu đồi hoang hóa, khô cằn. Ngày đó, bế tắc vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên mấy lần chuyển đổi cây trồng, anh Bảy đều thất bại. Từ sự hướng dẫn của anh Dũng, anh Bảy đã mạnh dạn trồng chuối thử nghiệm. Anh còn mạnh dạn vay vốn mở rộng chăn nuôi bò, dê. Nhờ không ngừng cố gắng, mỗi tháng anh thu được hàng chục triệu đồng từ đồi chuối. Anh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi dự định tương lai không những mở rộng thêm khu chăn nuôi mà còn đào ao thả cá... "Bây giờ mình có thể tự tin bắt đất phục vụ mình, cho mình thu nhập để gia đình thoát nghèo đủ ăn, đủ mặc"-anh Bảy phấn khởi bày tỏ.

Không những tư vấn hướng phát triển kinh tế cho bà con, Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng còn phụ trách đỡ đầu cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, ai cũng biết đến gia đình chị Hồ Thị Trế, một trong những hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng mất do tai nạn lao động, một mình chị Trế nuôi 3 con nhỏ. Ăn còn chưa đủ, tiền đâu cho con cái học hành. Hai con đầu của chị đã phải bỏ học, ở nhà phụ mẹ làm nương. Con gái út của chị Trế là bé Kăn Bảo Úc tưởng cũng phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền.

Nắm được hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Trế, anh Dũng đã mua xe đạp, sách bút tặng các cháu. Hằng tháng, anh trích một phần tiền lương từ 250.000 đến 500.000 đồng hỗ trợ bé Kăn Bảo Úc để cháu được đến trường. Không những giúp đỡ gia đình chị Trế, anh Dũng còn tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhận phụ trách hỗ trợ 6 gia đình khó khăn trên địa bàn. Già làng Hồ Văn Hạnh phấn khởi, cho biết: “Từ ngày bộ đội Dũng về bám bản, bám dân, anh nhiệt tình, trách nhiệm lắm. Chúng tôi coi bộ đội Dũng như người con của đồng bào Pa Cô rồi".

Mặc dù đảm nhiệm cương vị lãnh đạo xã nhưng các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng đều đến dự, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, định hướng cho cán bộ, đảng viên chi bộ các thôn nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thiết thực. Những khó khăn, vướng mắc của bà con được anh và lãnh đạo xã kịp thời gỡ rối. 

Đồng chí Hồ Văn Lài, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng là cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, luôn hết lòng với bà con trong xã. Những năm qua, anh đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã các mô hình kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội thiết thực, hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp địa phương xóa đỏi giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới".

Ngày mới nắng lên, những bước chân của Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng vẫn miệt mài đi khắp các nương đồi, sườn non vùng viễn biên, đến với bà con. Anh luôn tâm niệm, mình phải đóng góp công sức nhiều hơn nữa, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng vùng đất biên cương này mỗi ngày thêm giàu đẹp. 

Bài và ảnh: THÁI ĐĂNG