Đi qua những ngày bom đạn

Năm 1961, mới 17 tuổi, chàng trai Hoàng Anh Tuấn đã lên đường tòng quân. Sau hai tháng huấn luyện chiến sĩ mới, Tuấn được chuyển đến Đại đội 1, Trung đoàn 245. Lúc đó, cả nước mới chỉ có 3 trung đoàn ô tô. Cũng giống nhiều thanh niên cùng trang lứa, Tuấn không vui khi nhận nhiệm vụ mới. Bởi lúc đó, chí trai của thanh niên là phải được cầm súng vào Nam trực tiếp đánh giặc. Mong muốn như vậy, nhưng “quân lệnh như sơn” nên Tuấn vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đang ở độ tuổi xuân căng đầy nhiệt huyết, được bồi đắp thêm khí thế hăng hái của cả thời đại nên khi về đơn vị mới, Tuấn khẩn trương bắt tay vào học tập, thực hành lái xe. Xe biên chế chủ yếu là xe cũ sử dụng từ hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng là tài sản lớn của quốc gia, quân đội nên Tuấn quý xe như con. Mảnh chiếu với Tuấn là vật bất ly thân. Cứ rảnh rỗi là Tuấn lại chui vào gầm, bôi mỡ, siết từng con ốc. Chẳng con ốc nào trên xe mà Tuấn không động cờ-lê tới. Chỉ nửa vòng ốc chưa siết chặt, một chút bụi bám gầm thôi thì cũng coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Kết thúc đợt bổ túc tay lái trên các tuyến đường Tây Bắc, đầu xuân năm 1962, Tuấn được lệnh của cấp trên tháo cất biển xe, chính thức đưa bộ đội vào nam Khu 4. Đến lúc này, không khí chiến đấu thực sự lan tỏa, trong đơn vị cánh lính trẻ xuýt xoa: “Đoàn xe không số hành quân vào chiến trường. Việc đại sự rồi, ghê thật, chiến đấu thật rồi”.

Sau bữa cơm chiều, toàn đơn vị nhận quân từ Sư đoàn 338 hành quân qua phà Chi Nê, phà Kiểu, phà Yên Định vào Thanh Hóa, theo đường số 1 vào Nghệ An. Đến ngã ba Diễn Châu, ngược theo đường số 7 đến thị trấn Đô Lương, tiếp tục hành quân về Nam Đàn vượt phà sông Lam sang Đức Thọ, vượt tiếp phà Linh Cảm ra ngã ba Lạc Thiện, sau đó vòng về đường 1, qua thị xã Hà Tĩnh… qua phà Ròn, phà Ranh đến Đồng Hới. “Lúc đó đường đi khó lắm, con đường 1 huyết mạch nhiều đoạn chỉ vừa hai bánh xe, vượt sông chủ yếu là qua phà nên từ Hà Nội vào Quảng Bình phải mất già ba ngày”- ông Tuấn giãi bày. Sau chuyến đưa quân đầu tiên vào Quảng Bình, anh lính lái xe Hoàng Anh Tuấn vào đội xe đầu tiên đưa hàng vào làng Ho. Xe vượt qua phà Long Đại. Phà di chuyển bằng sức kéo của bộ đội, nhích từng chút một. Đến đường của Nông trường Lệ Ninh vẫn phải vượt qua phà sang Mỹ Đức, sông ở đây rộng chỉ gấp ba phà, nhưng sâu nên xe di chuyển rất vất vả; đến Thạch Bàn, đường quân sự làm gấp nên chất lượng xấu, chỉ vừa hai vết bánh xe quá sâu. Khó khăn vất vả của lái xe Trường Sơn khai đường mở lối không sao kể xiết.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (đứng thứ nhất, bên phải) cùng cựu chiến binh Sư đoàn Ô tô vận tải 571, Đoàn 559

Trải qua hơn 10 năm gắn bó với Trường Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn có biết bao nhiêu kỷ niệm, nhiều lần đồng đội hy sinh trên tay, máu trào ra đầy người. Chôn cất anh em không hương hoa, nghi lễ, chỉ mong tấm lòng thành của mình sưởi ấm đồng đội nơi nấm mồ đắp vội. Mỗi khi nhớ lại, ông không kìm được xúc động... “Đầu năm 1970, đơn vị vượt qua trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng. Đoàn xe đang hành quân thì bị địch tập kích. Máy bay địch ào tới rải bom bi. Những ánh chớp nhì nhằng và tiếng xe nổ ran đều. Tiến thêm vài trăm mét, thấy một xe dừng lại, tôi nhảy xuống hỏi dồn: “Xe Nông Văn Thất phải không?”. “Xe trúng bom bi anh ạ, thằng Khánh bị thương nặng lắm”. Giọng Thất vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi nhào tới, mở cửa buồng lái, Khánh đổ cả vào người. Máu trào ra từ hai lỗ thủng trên ngực và từ hai lỗ thủng đó, tiếng phì phì từ phổi phát ra át cả tiếng thở gấp. Lần đầu tiên đón người đồng đội hy sinh trên tay mình, tôi bấn loạn. Biết bao suy nghĩ, chơ vơ, trống vắng. Mới ngày hôm qua anh em còn tâm sự biết bao chuyện. Anh Khánh là chiến sĩ nuôi quân, hôm nay theo đơn vị vào bản để đổi lương thực. Mới 19 tuổi, Khánh chờ kháng chiến thắng lợi về quê cưới vợ, mời anh em về chung vui hạnh phúc… Rồi còn những đồng đội như anh Hộ, anh Khôi hy sinh khi tuổi đời mới đôi mươi, tôi là người trực tiếp bế trên tay tiễn về với Đất Mẹ”.

Đi qua chiến tranh, ông Tuấn vẫn luôn tự nhủ mình may mắn hơn đồng đội, nhưng không hẳn là ông được lành lặn. Nhiều lần bị máy bay B-52 tập kích, tưởng chừng như đã chết... Ông kể: “Tối 21-7-1972, khi đang là Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166, Binh trạm 12 vận chuyển quân lương chi viện cho Thành cổ Quảng Trị, thấy phía trước có thuyền đang gọi cấp cứu, tôi giục anh em tăng tốc đến hỗ trợ. Bất thần một quầng lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội. Tôi không biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy, anh em kể lại thuyền bị dính thủy lôi, anh Sơn-lái trưởng và hai chiến sĩ nữa đã hy sinh, vĩnh viễn nằm dưới đáy sông Thạch Hãn. Do đang thời điểm nước rút nên tôi dạt vào bờ. Mặt mũi bị bom phá nát. Mọi người phải lấy cuống rau muống cắm vào mũi cho tôi thở...”.

Sau trận trúng thủy lôi thập tử nhất sinh đó, ông Tuấn còn hai lần bị máy bay B-52 tập kích, một lần trúng bom phát quang, bỏng toàn thân. Sau hai tuần điều trị, mặt ông bị bỏng bên trong. Trên mặt nổi vết phồng như con đỉa. Khi vỡ ra nước vàng chảy bê bết khắp mặt. Ông Tuấn phải lấy một tấm khăn xô đeo trước mặt để ruồi khỏi bâu. Anh em trong đơn vị hy sinh và bị thương nhiều nên dù đang điều trị, ông vẫn trở về chủ trì đơn vị, tổ chức chiến đấu. Mở tấm che mặt, bao nhiêu ánh mắt trố lên nhìn, rồi mọi người cúi xuống khóc thầm. Nhiều người thút thít, nấc nghẹn ngào. Có tiếng xì xào, thủ trưởng bị thương như vậy mà vẫn hăng hái chiến đấu. Huống chi… Vậy là khí thế của đơn vị lại càng hăng. Ai cũng hăng hái ra trận.

Giữ lửa bộ đội Trường Sơn

Năm 2007, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhận quyết định nghỉ hưu. Ông được Ban chấp hành (BCH) Hội CCB thành phố Hà Nội mời tham gia BCH hội và được đề cử vào BCH khóa tiếp theo. Một lần gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559, ông Nguyên nắm tay ông Tuấn nói: “Vợ chồng cậu đều là bộ đội Trường Sơn. Cậu nên tham gia vào Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn xem có giúp được gì cho anh em”. Lời căn dặn của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên làm ông Tuấn suy nghĩ. Với chất lính, ông ngầm hiểu đó như một lời nhắc nhở của thủ trưởng cũ. Vậy là ông Tuấn xin rút khỏi BCH Hội CCB thành phố Hà Nội. Ông Tuấn nhớ lại: “Khi đó chưa có Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, mới chỉ là ban liên lạc (BLL), hoạt động rất vất vả, kinh phí hoạt động không có”. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn được giới thiệu và bầu làm Phó trưởng ban thường trực của BLL Bộ đội Trường Sơn. Trong một buổi họp BLL, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tâm sự: “Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn 559 (19-5-1959 / 19-5-2009), chúng ta cần 200 triệu đồng nhưng đến nay mới chỉ có vỏn vẹn vài triệu”. Vậy là, BLL gấp rút lo kinh phí. Ông Tuấn mạnh dạn đề nghị BLL tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp quân đội toàn quốc để vận động các mạnh thường quân. Ngay trong BCH lúc đó cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ. Nhưng bằng sự nỗ lực vận động của mình, ông Tuấn mời được hơn 50 doanh nghiệp trong quân đội và các đồng đội Trường Sơn tham gia ủng hộ. Và ngay trong buổi gặp mặt đã vận động ủng hộ được hơn 500 triệu đồng từ các nhà tài trợ.

Từ thành công bước đầu, BLL Bộ đội Trường Sơn đã làm được nhiều hoạt động tình nghĩa, tạo sự lan tỏa gắn kết các đơn vị, BLL cấp tỉnh. Ông Tuấn và các đồng đội tâm huyết đã chủ động nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất BLL Bộ đội Trường Sơn đề nghị các bộ, ngành liên quan thành lập hội. Ngày 13-5-2011, Bộ Nội vụ đã ra quyết định cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Hoạt động của hội nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ di sản Trường Sơn anh hùng, tổ chức và phối hợp các hoạt động tri ân nghĩa tình Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Trải qua 7 năm, đến nay hội đã thành lập được 112 tổ chức thành viên với hơn 30 vạn hội viên.

Ở tuổi ngoài 70, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giọng nói nhẹ nhàng, thuyết phục. Từ bao đóng góp xương máu trong chiến tranh, ông lại trở về cùng các đồng đội gây dựng Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trở thành một tổ chức xã hội lớn mạnh, là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hành trình đó gian nan biết bao, không thể kể hết trong một vài lời. Đến nay, hội đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp được gần 152 tỷ đồng, xây dựng được 1.891 nhà tình nghĩa, vận động trợ cấp thường xuyên cho 216 hội viên với mức 500 nghìn đồng/người/tháng… Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn còn nhiều trăn trở: “16 năm chiến đấu, mở đường, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Bộ đội Trường Sơn, gần 2 vạn người hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Hậu quả của chiến tranh để lại còn rất nặng nề nên công việc nghĩa tình của chúng tôi còn phải thực hiện là rất lớn”. Biết rằng, mọi sự bù đắp cho những mất mát hy sinh của người lính trong chiến tranh không bao giờ là đủ. Chúng tôi tin việc làm của ông và các đồng đội đang bù đắp được phần nào những mất mát đó.

VĂN TUẤN – HÀ AN