Vết thương chiến tranh và khát vọng cứu người

Những ai từng gặp Tiến sĩ, bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Vạn Phúc City đều cảm nhận ở ông toát lên vẻ phúc hậu, nụ cười hiền, cách nói chuyện nhỏ nhẹ luôn mang lại cảm giác gần gũi, chân tình, tin cậy. Những câu chuyện của ông chia sẻ luôn ăm ắp tâm huyết với người bệnh và nhiều khát vọng đối với ngành y tế nước nhà.

Năm 1977, chàng thanh niên Đào Cảnh Tuất rời quê nhà Nghệ An, nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện ngắn, người lính trẻ được điều động sang chiến trường K thực hiện nghĩa vụ quốc tế, biên chế vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Với tác phong nhanh nhẹn, hết mình vì công việc, chu đáo với mọi người, Đào Cảnh Tuất được đơn vị cử tham gia đào tạo 3 tháng kỹ năng cứu thương trên chiến trường. Bác sĩ Tuất nhớ lại: "Chiến trường đang trong giai đoạn ác liệt nhất, lực lượng quân y thiếu, thương binh lại nhiều nên tôi phải nỗ lực vừa làm, vừa học, vừa thực hành, tận dụng học hỏi thêm từ các y, bác sĩ khác. Có những ca cấp cứu, điều kiện và thời gian không cho phép, buộc phải thực hành để giành giật sự sống cho đồng đội". 

Năm 1981, lúc cùng đơn vị tiến vào Phnom Penh (Campuchia), Thượng sĩ Đào Cảnh Tuất trúng mìn của địch, bị thương nặng và được đưa về Bệnh viện Quân y 175 tại TP Hồ Chí Minh điều trị. 6 tháng điều trị ở bệnh viện là thời gian dài với những suy tư, chiêm nghiệm và nỗ lực của thương binh Đào Cảnh Tuất. Giọng ông chùng xuống: "Vết thương trên cơ thể nhức buốt, gây đau mỗi ngày, nhưng tâm thế của tôi luôn hướng đến đồng chí, đồng đội ở chiến trường. Sợ nhất là cảm giác mình như bị bất lực, bật khóc khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong tay mình, một phần do điều kiện thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, phần vì trình độ, năng lực của mình chưa qua đào tạo chuyên sâu nên không thể cứu chữa được đồng đội".

leftcenterrightdel

Tiến sĩ, bác sĩ, thương binh Đào Cảnh Tuất khám cho người bệnh. 

Những tháng ngày sau đó trên giường bệnh, các bệnh nhân khác thường thấy anh bộ đội Đào Cảnh Tuất nhờ người mua sách, tài liệu tự học, tự ôn luyện, quyết tâm thi vào Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh (nay là Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh). Sau khi xuất viện, thượng sĩ, thương binh Đào Cảnh Tuất đã thi đậu vào Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi tuyển năm 1982. Sau 5 năm theo học, tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ trẻ Đào Cảnh Tuất về công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi sau đó là Bệnh viện Nhân dân 115. Hai bệnh viện tuyến cuối hàng đầu ở khu vực phía Nam đã giúp ông tiếp nhận nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm thực hành y khoa, rèn giũa y thuật chuyên sâu, trở thành bác sĩ giỏi.

Tiên phong tạo hướng đi mới trong ngành y

Giai đoạn 1996-1997, ngành y tế nước nhà vẫn còn bộn bề khó khăn, 100% là các cơ sở y tế công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, tình trạng quá tải bệnh viện ngày càng trầm trọng. Một xu hướng mới cũng là bài toán giải quyết thách thức trên được Bộ Y tế đẩy mạnh là cần xã hội hóa lĩnh vực y tế để đa dạng nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Theo bác sĩ Tuất, chủ trương ấy rất đúng đắn, nhưng để cụ thể hóa, làm được thì khó khăn, thách thức vô cùng. Bởi vì chưa có hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho y tế tư nhân phát triển, nguồn vốn đầu tư, nhân lực khó huy động vì các y, bác sĩ ở khu vực bệnh viện công thời điểm ấy không dám, hoặc e ngại rời bỏ bệnh viện công để “ra ngoài”. 

Với bản lĩnh và ý chí của người lính, năm 1997, bác sĩ Tuất xin nghỉ việc để “ra riêng”. Ông chọn địa bàn Dĩ An (tỉnh Bình Dương), nơi có các khu công nghiệp lớn được hình thành đầu tiên sau giai đoạn đổi mới với hàng trăm nghìn lao động tập trung đến làm việc để khởi nghiệp, thành lập Phòng khám Đa khoa An Bình vào năm 1997. Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Văn Nhị, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương chia sẻ: Bác sĩ Đào Cảnh Tuất không chỉ có tâm huyết lớn đối với người bệnh mà còn có nhiều sáng kiến, đề xuất đổi mới sáng tạo rất đột phá, ý nghĩa. Đặc biệt, ở tỉnh Bình Dương, ý tưởng, tâm huyết và quyết tâm, đề xuất của bác sĩ Đào Cảnh Tuất về thành lập phòng khám đa khoa trên địa bàn có ý nghĩa tiên phong, góp phần khám, chữa bệnh cho hàng trăm nghìn công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Tỉnh đã luôn ủng hộ, cấp giấy phép hoạt động thành lập Phòng khám Đa khoa An Bình. Đây là phòng khám đầu tiên trong cả nước được cấp phép hoạt động.

Hết lòng vì người bệnh, tri ân đồng đội

Trong thời gian ngắn, Phòng khám Đa khoa An Bình đã nức tiếng ở tỉnh Bình Dương và các tỉnh phía Nam nhờ sự chuyên nghiệp, chất lượng, mức chi phí, điều trị bằng với các cơ sở y tế công lập. Bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng tăng, đến năm 2000, mỗi ngày có 600-700 lượt bệnh nhân. Từ thành công bước đầu ấy, những năm sau đó, bác sĩ Đào Cảnh Tuất lần lượt mở thêm 4 bệnh viện và 3 phòng khám, gồm: Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước tại Bến Cát, Bình Dương (năm 2006), Bệnh viện Vạn Phúc 1 tại TP Thủ Dầu Một (năm 2011); Bệnh viện Vạn Phúc 2 tại TP Thuận An, Bình Dương (năm 2013); Phòng khám Vạn Phúc 1 và 2,  Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc City năm 2024 ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh... Điểm chung của chuỗi cơ sở y tế này gắn với phương châm hỗ trợ, điều trị hết mình cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân là công nhân, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, các bệnh viện tổ chức nhiều chương trình khám bệnh miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ. Trong đại dịch Covid-19, các cơ sở y tế của bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã huy động số lượng lớn trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Với lối đi riêng tiên phong và hết lòng vì người bệnh của người lính-bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã giúp rất nhiều người bệnh được hưởng lợi từ các chính sách BHYT. Năm 2000, BHYT chỉ được áp dụng với các bệnh viện công vốn rất ít cơ sở. Trong khi Bình Dương có hàng trăm nghìn công nhân làm việc theo ca, khó sắp xếp thời gian khám BHYT trong giờ hành chính. Từ bất cập đó, ông đã đề xuất và được tỉnh Bình Dương cho phép Phòng khám Đa khoa An Bình tiếp nhận khám BHYT, trở thành cơ sở y tế tư nhân đầu tiên trong cả nước khám BHYT.

Không dừng lại ở đó, chính sách BHYT được triển khai rộng rãi ở các cơ sở y tế trong cả nước. Tuy nhiên, một số bất cập nảy sinh như: Các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở khai khống số lượng, kê đơn thuốc, thiết bị y tế để trục lợi, việc thanh quyết toán chi phí BHYT nảy sinh nhiều bất cập giữa BHYT và cơ sở y tế... Từ thực tiễn và kinh nghiệm, bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã trăn trở và tìm ra phương thức mới để thanh quyết toán chi phí BHYT thuận lợi, minh bạch. Ông đã đề xuất với BHXH tỉnh Bình Dương và sau đó ra Hà Nội trực tiếp thuyết phục lãnh đạo BHXH Việt Nam cho phép thí điểm khoán quỹ BHYT theo đầu người. Bác sĩ Tuất cho biết, cách thức khoán quỹ BHYT căn cứ vào điều kiện, năng lực khám, chữa bệnh của cơ sở y tế để khoán mức quỹ tương ứng với số lượng thẻ BHYT được giao. Qua đó giúp bảo đảm tính minh bạch, cơ sở y tế phải chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chẩn đoán đúng, cận lâm sàng, cấp thuốc hợp lý, không để lãng phí hay lạm dụng. Dù ý tưởng, cách thức khoán quỹ chưa có trong Luật BHYT nhưng trước cách thức đầy khoa học, có cơ sở nên lãnh đạo BHXH Việt Nam đã đồng ý cho Bệnh viện Mỹ Phước trong hệ thống cơ sở y tế của ông thực hiện thí điểm khoán quỹ đầu tiên trong cả nước vào năm 2009. Sau một năm thí điểm, BHXH Việt Nam và ngành y tế thẩm định, đánh giá cao về hiệu quả, đã quyết định áp dụng hình thức khoán Quỹ BHYT đối với tất cả cơ sở y tế công và tư trong cả nước từ năm 2010. 

Với bản lĩnh, ý chí, giàu ước mơ và khao khát trở thành bác sĩ giỏi của anh Bộ đội Cụ Hồ để chăm sóc sức khỏe, cứu người, thương binh Đào Cảnh Tuất đã từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình. Trong cuộc gặp mới đây, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Cảnh Tuất phấn khởi cho biết, Bệnh viện Vạn Phúc City vừa phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện triển khai chương trình khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 10.000 cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 6-2024 đến tháng 3-2025 để tri ân đồng chí, đồng đội, thiết thực chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng.

“Tôi là người lính, là thương binh, trở về từ chiến trường và cảm thấy may mắn có được như ngày hôm nay là nhờ những năm tháng trong quân ngũ, trên chiến trường, giữ được "chất lính". Mỗi việc làm, sự nỗ lực tôi đều nghĩ đến những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, hy sinh vì Tổ quốc. Điều đó giúp tôi có thêm động lực, niềm tin để cống hiến, hết lòng vì người bệnh, vì quê hương, đất nước”-Tiến sĩ, bác sĩ Đào Cảnh Tuất chia sẻ.

Bài và ảnh: BẢO MINH